tranh: Rừng - Kinh Dương Vương

 

HOÀNG MAI ĐẠT

ĐÊM QUA TRỜI MƯA LỚN

tản mạn

 

Những bông hoa kèn lật úp màu cam vàng dài bằng bàn tay đang rung mạnh trong gió, tung bay như những vạt áo cà sa bé tí cố bám vào cuống cây, chao đảo giữa những tàng lá xanh tươi ngoài khung cửa sổ. Xa hơn bên trên mấy mái nhà hàng xóm, ở tận phương trời tây, những đám mây đen đang cuồn cuộn tiến tới như một đoàn âm binh dáo dác tìm đối tượng. Vài vạt nắng cuối cùng cũng đã trốn đâu mất, để lại một bầu trời xám lạnh. Những tia sáng lóe chớp bất chợt giữa một vùng trời đang tối dần mặc dù mới xế trưa ở phố Bolsa. Giông tố đang tới bên ngoài cửa sổ. Không lâu, những hạt mưa bắt đầu rơi lách tách trên mái hiên, lăn xuống những bông kèn đang run rẩy trong khí lạnh của trời đất đầu mùa xuân.

Trước khi mưa đến, mùa xuân của đời tôi cũng từng mởn xanh màu lúa mạ ở Nha Trang, để rồi rơi rụng theo dòng người di tản rời quê hương đến xứ lạ. Những mùa đông tuyết giá đầu tiên ở xứ người sau năm 1975 của chúng tôi được sưởi ấm qua những bữa tiệc cuối tuần của dăm ba gia đình Việt Nam mới tị nạn ở phố Homestead. Những ly rượu đắng xé cuống họng đến với tôi qua những dịp cụng ly chia sầu với mấy người cựu lính chiến. Khi ấy tôi mới mười-sáu, mười-bảy tuổi, chưa đủ lớn để có thể uống rượu hợp pháp ở trong quán. Vậy mà trong những bữa ăn của nhóm người lưu lạc tôi đã nếm mùi whiskey, ực mấy chai bia đầu đời, những chai Iron City mang tên của thành phố thép Pittsburgh mà chúng tôi đang tạm trú, và những chai Rolling Rock tình cờ mang con số 33, gợi nhớ một hiệu bia nổi tiếng một thời ở Việt Nam trước khi đất nước này tan hoang theo nghiệp dữ từ bao đời trước.

Càng vất vả trong cuộc sống hội nhập với tâm trạng hoang mang của một đời tị nạn, đeo thêm nỗi phẫn uất cho dân tộc ở quê nhà, tôi càng bám vào bia rượu, chạy theo đoàn âm binh của một cơn bão hung thiên ác địa mà ban đầu tôi cho là một liều thuốc an thần cần thiết để tiếp tục sống giữa những bất an. Liều thuốc càng được tăng liều lượng trong những ngày tôi làm việc ở một nhà hàng Tàu do người Việt làm chủ. Như chó sói được vào chuồng nuôi gà, tôi “may mắn” được giao công tác bán bia rượu cho khách vào mỗi cuối tuần. Giữa những ly cho khách thường có thêm một ly cho tôi. Thế là tôi quen dần với men rượu, xem nó như bạn thân từ những ngày chưa rời trung học. Có một đêm khuya lái xe trên đường East Carson dọc theo sông Monongahela từ tiệm The Great Wall trở về nhà, tôi hứng chí ném mạnh một vỏ chai bia ra ngoài cửa xe, nghe tiếng vỡ tan khô dòn của thủy tinh trên mặt đường nhựa cứng. Giữa một cơn say ngầy ngật, tôi biết quá khứ đã tan nát như vỏ chai ở đằng sau lưng mà vẫn thản nhiên cầm tay lái với một tay, nhún vai xem thường màn đêm đang lao tới ở trước mắt.

Chiều đến, mưa trút xuống sân trước mỗi lúc một nhiều và mạnh hơn. Màn nước quất nghiêng xuống bãi cỏ theo từng đợt gió nhào lộn qua khu phố. Trời đất có lúc mịt mờ không thể thấy xa hơn con đường Jennrich ở trước nhà. Cây phong lớn trụi lá bị ướt đẫm một bên thân cây, đứng lặng yên giữa sân như không nao núng trong cơn giông tố. Có lẽ cây đã quen chịu mưa như thế trong hơn nửa thế kỷ. Vậy mà những đầu ngọn cây trên các nhánh nhỏ đang run lật bật, có lúc uốn cong theo chiều gió thổi. Ngôi nhà chìm trong trong âm thanh của tiếng mưa dội đồm độp xuống mái nhà, vang vọng đều đặn trong ống thiếc rỗng thông hơi ở trong bếp, tạt ào ạt vào những bức tường ở chung quanh. Cơn mưa lớn nhất trong năm chỉ mới bắt đầu.

Từ khởi đầu của cơn nghiện rượu thời mới lớn, tôi chìm đắm mỗi lúc một sâu hơn trong hố thẳm tối mù ở đáy ngục mà tưởng mình đang vẫy vùng ngang dọc trên tít tận trời xanh, chịu đựng những cơn đau của dòng đời chảy qua những khúc quanh ác nghiệt. Bia rượu là bạn đồng hành với tôi trên con đường tiến vào bãi tha ma của văn chương. Càng uống tôi càng nghĩ mình cần hơi men, cần những cơn say ngà ngà để có hứng viết hay hơn. Bãi tha ma chữ nghĩa có vô số các thi sĩ, mấy nhà văn say mèm, nằm gục bên những mộ bia in khắc những tác phẩm vĩ đại.

Tuy không sáng tạo lẫy lừng như họ, chắc chắn không, tôi cũng nằm gục sau những đêm chạy theo những cảm xúc vui buồn được tăng cường độ, lộ liễu qua lời nói oang oang, qua hai tay vung vẫy, đôi chân xiêu vẹo. Mấy bài mà tôi cho là hay và ưng ý nhất của tôi thời trước, chắc chắn có, được viết với dăm ba ly rượu ở bên cạnh. Mấy ngón tay ngưng gõ phiếm chữ chỉ để cầm chai bia uống tiếp. Trong hơn ba-mươi năm tôi đã uống bia từng ngày, trừ những lúc bệnh. Vui uống, buồn cũng uống. Gặp bạn uống nhiều, vắng bạn uống lai rai. Nghỉ ở nhà uống, đi chơi xa với gia đình cũng uống. Đã nhiều lúc tôi muốn ngưng, nhưng quyết chí được vài ngày rồi cũng chịu thua, như một võ sĩ hạng ruồi đụng độ một võ sĩ hạng nặng, bị cơn nghiện đánh tơi bời, tóe máu đến nỗi phải bò lê lết mà vẫn năn nỉ xin được uống tiếp.

Đêm xuống, bão tố càng dồn dập hơn, gió thổi nghiêng đổ những chậu cây sau nhà. Mấy thanh phong linh bị đứt dây rơi xuống bãi cỏ lênh láng nước, không còn khua gõ leng keng liên hồi như đã khua trong suốt buổi chiều. Giữa tiếng gió đập rung cửa sổ phòng ngủ, tiếng mưa bắn rào rào lớn dần như sắp phá bể bức tường, âm thanh của một bình bông rơi bể tan tành trên sân đá vang vọng đâu đây trong đêm tối vào lúc hai giờ sáng. Cơn thịnh nộ của trời đất đã lên tới cao điểm.

Như nạn nhân trong một quan hệ bạo hành, tôi vừa bám víu vào rượu như không thể sống thiếu nó, vừa bị nó đánh bầm tím đôi mắt, dập nát đôi môi. Cũng có những lúc tôi thù ghét nó vô cùng, muốn dứt bỏ ngay lập tức. Đó là sau những đêm lái xe về nhà trong một cơn say, để rồi ngày hôm sau bị cơn nhức đầu hành hạ, bị ói mửa quì gục trong phòng vệ sinh, hoàn toàn không nhớ mình đã lái xe như thế nào trên các xa lộ suốt mấy chục cây số mà không bị cảnh sát bắt, không đâm vào cột điện, không húc xe gây tai nạn. Đó là sau những đêm lái xe chở vợ con trong cơn say từ một dạ tiệc, suýt lao xuống đường ở tốc độ mà mình cho là chậm, không hề biết mạng sống của những người thân đang nằm trong đôi tay được điều khiển bởi một bộ óc điên mù.

Nhiều lần tôi nhắc đến bia rượu trong những bài viết trước đây, khen nó như một người bạn thân yêu không thể thiếu trong suốt một cuộc đời phải chịu đựng những nghiệp báo từ kiếp trước. Mặc dù biết người bạn này là một kẻ ác, đến khi nhìn nhận mình thật sự lệ thuộc vào nó, thật tình nghiện rượu, không thể dứt bỏ sau những lần thử thách, tôi dần dần khiếp sợ mà rồi vẫn tiếp tục uống như một nô lệ, đành buông tay sau mấy lần bị đối thủ nặng cân đánh nát thây giữa những hàng dây thừng của sân đấu. Thế nhưng cũng có lúc tên võ sĩ ốm yếu trong tôi vẫn gắng gượng ngồi dậy, như có một sự trợ lực vô hình nào đó từ trong lương tri muốn tôi phải đưa hai tay lên đấu tiếp, phải đánh để thoát ra khỏi hang hùm của tên bạn tàn nhẫn. Mỗi lần té xuống trên bãi máu trong những trận say khướt, tôi càng xấu hổ, muốn vùng lên để chống đỡ cho đến khi có thể đấm lại nó.

Tôi còn nhớ lần té cuối cùng trên vũng máu trong cơn vật vã, giằng co một chết một còn với tên bạn rượu. Đêm thứ Bảy đó chúng tôi ghé nhà của một cặp vợ chồng bạn thân của chúng tôi ở San Jose. Sau một ngày lái xe từ Quận Cam lên miền bắc, trong cơn vui của gần một năm mới gặp lại hai người mà chúng tôi xem như anh chị ruột, tôi uống tì tì hết chai rượu này đến chai rượu khác cất ở trong nhà. Có bao nhiêu rượu anh cứ mang ra cho em uống, hình như tôi có nói như vậy giữa cơn say. Dù là rượu vang, nó dư sức sai khiến tôi sau chai đầu tiên. Dư sức. Trong suốt mấy tiếng đồng hồ của đêm hôm ấy, kéo dài từ tám giờ đêm hôm trước đến hai giờ sáng hôm sau, theo lời kể của vợ, tôi lặp đi lặp lại những lời tranh cãi do chính tôi gây ra và cũng chính tôi lớn tiếng với anh chị, mà nhất là với anh.

Sau một giấc ngủ ngắn, chập chờn ở lữ quán, tôi ghé lại nhà để xin lỗi anh chị trước khi lái xe về Nam California. Trong hàng trăm lần say trước đây, tôi thường ca hát, đùa giỡn, kể chuyện tiếu lâm, hành động phóng túng, hoặc ngồi im lìm, buồn bã như nhà có người chết, thế nhưng tôi chưa bao giờ đánh lộn hoặc cãi cọ với người khác. Vì vậy buổi sáng hôm ấy tôi cảm thấy ân hận vô cùng. Tôi không ngờ mình có thể to tiếng với một người mà tôi rất quí trọng. Con quỉ đã tiến tới giai đoạn chót, sắp thôn tính những gì đẹp nhất còn sót lại trong tâm hồn tôi. Trong lúc dừng xe trên đỉnh của đập nước San Luis Resevoir dọc theo bang lộ 152, giữa một bầu trời trong xanh gió mát, tôi nắm tay vợ, bóp nhẹ như thể muốn được trấn an trước một nỗi sợ khủng khiếp lởn vởn ở trong đầu. Tôi sợ đến một ngày kia, có thể rất gần, con quỉ rượu đội lốt bạn đồng cảm sẽ hiện nguyên hình và sai khiến tôi gây hại cho những người thân yêu, mà nhất là vợ tôi. Nàng đã cùng tôi trải qua những thăng trầm trong mấy chục năm của cuộc sống vợ chồng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi để cho tên quỉ lộng hành thêm một lần nữa giữa một tiệc rượu? Tuy không nói cho vợ biết, tôi đã quyết tâm bỏ rượu từ buổi sáng Chủ Nhật hôm ấy.

Trời tạnh mưa lúc gần sáng. Đến khi ánh bình minh tỏa ngời một ngày mới, vùng chân trời xa vẫn còn nhiều đám mây xám trôi lãng đãng, mang hơi nước đại dương đến những vùng sa mạc ở  phía đông phố Bolsa. Trên đỉnh cây trước nhà vương vấn vài cụm mây trắng, những cụm mây cuối cùng từ một cơn giông nay sắp thành quá khứ.

Nỗ lực bỏ rượu của tôi còn nhiều thử thách. Dễ nói chứ không dễ làm. Từ một tập khí uống bia mỗi buổi chiều, nay ngưng hoàn toàn thật quá khó. Trong hơn một tuần ngưng uống từ ngày ở San Jose về, tôi thấy bứt rứt mỗi khi chiều xuống. Nhớ cảm giác lành lạnh dễ chịu khi cầm chai trong tay, thèm hớp bia đắng chảy mát xuống cổ, tiếc cảm giác lâng lâng rời xa thực tại. Uống bia cuối một ngày làm việc giúp tôi xả bớt tâm tư u trệ. Sau hơn một tuần tôi uống lại, lần này giảm bớt chỉ còn một chai mỗi ngày, thay vì hai, ba hoặc nhiều hơn như lúc trước. Đó cũng là khoảng thời gian tôi đến chùa thường hơn, thích đọc sách nói về đạo. Có lẽ nhờ vậy mà tôi đã có thêm nghị lực, đẩy dần tên bạn rượu vào một chân tường. Chai bia cuối cùng mà tôi cầm uống ở trong nhà là một chai bia nhập cảng. Phải nói chai bia trắng Hoegaarden từ Bỉ quốc hôm đó ngon tuyệt, đậm đà thơm dịu ở mấy hớp chót. Tôi nói cuối cùng ở nhà là vì tôi còn chừa một khe hở cho những dịp dự tiệc, đến nhà bạn “bị” mời uống bia. Nếu phải chung vui với các bạn thì tôi sẽ uống, nhưng chắc chắn không uống thả giàn như trước. Cũng may dạo này tôi tránh hết bạn bè, nên việc kiêng bia cũng dễ dần.

Công tác hạ cánh là đà xuống một bãi đáp của một lối sống mới vẫn còn gập ghềnh. Sau mấy tháng ngưng uống bia hoàn toàn, tôi vẫn thường hớp một ly rượu vang để giảm dần cơn ghiền chất cồn. Rượu vang đây là những hũ rượu rẻ hiệu Carlo Rossi, Rhine trắng và Sangria đỏ, uống cho đỡ thèm. Đến nay thì tôi sắp cạn sạch một hũ Sangria cuối cùng để rồi từ nay không còn rượu hoặc bia ở trong nhà. Nhớ thời gian phấn đấu chống bia rượu kéo dài trong gần một năm qua, tôi cũng nhận ra đôi điều. Lý thú nhất là càng ăn chay tôi cảm thấy mình càng bớt thèm uống. Hình như bia rượu phải đi kèm với những món thịt thà, ăn nhậu hả hê cho thỏa mãn dục vọng, nên ngày trước tôi – hay đúng hơn là tên bạn rượu trong tôi – khó lòng bỏ qua những bữa tiệc vì nghiện rượu. Nhiều món chay cũng ngon miệng, đậm vị không thua món mặn. Nhưng sao ăn những món chay đó tôi không có cảm giác thèm uống bia. Có lẽ từ lúc tập thói quen uống rượu mấy chục năm trước, tôi ít khi vừa ăn chay mà lại vừa uống rượu, nên hai “tên” đó không trở thành bạn thân. Cũng may. Nay nhờ bạn chay đến thăm thường xuyên hơn, tôi dần dà đánh đuổi được bạn rượu đi nơi khác. Tôi không chắc “hắn” sẽ bỏ đi luôn không đến quấy rầy tôi nữa. Thế nhưng từ ngày quyết tâm bỏ rượu tôi chưa bao giờ thấy tự tin hơn như trong lúc này. Có lẽ tôi đã tìm ra một chỗ vịn tay để đi tiếp mỗi khi cảm thấy yếu đuối, dễ sa ngã nhất.

Nắng lên nhanh như một cô bán hàng mau mắn mời khách ghé mua một món quà trên đường hành hương. Một ngày mới, anh hãy mang theo để tự tìm hướng đi mỗi khi lầm đường. Tôi bước ra cửa để xem mấy chiếc lá xanh non mới trổ lưa thưa trên những nhánh cây phong trước nhà. Vài chiếc lá còn đọng những giọt mưa đêm. Không trung trong mát như đã được thanh lọc hết âm khí. Những tàng cây đằng sau nhà cũng sạch bóng như được gội rửa những lớp bụi để rồi ưỡn khoe mặt lá xanh tươi vươn hứng nắng trời. Giữa mấy nhánh cây lựu đang được lắp đầy lá non, tôi chợt thấy một nụ bông lựu đỏ thắm. Nụ chưa đẹp nhưng là nụ đầu mùa của cây, nở êm ái trong tôi sau một đêm mưa lớn.

 

Hoàng Mai Đạt

Westminster, ngày 10 tháng 3, 2011

http://www.gio-o.com/HoangMaiDat.html