Hoàng Mai Đạt

Tình Yêu Mùa Khỉ

 

truyện ngắn

 

 

Bông.

Bông là tên tôi.

Cái thân hình tôi mang suốt đời được gọi là Bông. Thời niên thiếu tôi đã không hiểu sao mẹ lại đặt tên như vậy cho đứa con duy nhất của bà. Mỗi lần nghe tôi hỏi về lý do chọn tên “Bông,” mẹ chỉ mỉm cười rồi hát nho nhỏ một khúc ca quá quen thuộc, chẳng nói cho tôi hiểu cái ý nghĩa của bài hát đó, nó từ đâu ra, hoặc tại sao bà lại thích hát như vậy. Mà tôi cũng chưa bao giờ nghe ai hát mấy câu kỳ lạ, giản dị đến như thế. Mẹ hát:

 

Bống bống, bông bông

Bống bống, bồng bồng

Bông bông, bồng bồng

Bông bông, bồng bộng.

 

Bà có thể hát thầm hàng giờ bốn câu “Bông bông” như vậy, chậm rãi lập đi lập lại trong những buổi trưa bán quán ế khách, hay khi ru con ngủ. “Bông bông” nghe thân quen, gắn liền với mẹ, lọt vào trong tiềm thức tôi từ hồi nào không biết, để rồi thỉnh thoảng trồi dậy để vỗ về tôi, như mẹ vẫn thường làm mỗi khi biết con đang đau buồn, hờn tủi vì một chuyện chi đó. Khúc ca bốn câu luôn giúp cho lòng tôi được lắng dịu, như được mẹ hôn lên trán khi tôi đau bệnh hay buồn giận chuyện của trẻ con.

 

Mẹ con quá thân thiết với nhau, đến nỗi sau này khi vào đại học, tôi được đọc sách để bồi bổ cho cái đầu chậm chạp, chợt suy ngẫm rằng mối quan hệ mẹ con của chúng tôi chắc có “vấn đề” gì chăng? Con trai mà quá gần với mẹ thường mắc bệnh tâm thần, không kiểu này thì cũng kiểu khác, người ta nói. Tôi không nghĩ mình bất thường, bị “mát” dây, nhưng biết đâu chừng? Có điều tôi biết chắc là mẹ con chúng tôi đã từng sống trên một quê hương bất thường, một nơi bị “mát” dây khá nặng. Tôi nói vậy vì mỗi lần nhớ tới lời mẹ kể ngày Bông lọt lòng, tôi hiểu mình và mẹ đã may mắn biết dường nào khi sống sót trên dãi đất điên cuồng ấy.

 

Ngày tôi chào đời, hay đúng hơn là giữa một đêm khuya khi tôi đến với thế gian, theo lời mẹ kể, bầu trời đêm hôm ấy đầy sao lấp lánh, vầng trăng bán nguyệt nằm vắt vẻo như chiếc võng chênh chếch ở trời tây. Bà không nhớ lúc đó là mấy giờ, chỉ biết mình đã nằm ngửa nhìn lên trời, sanh con giữa một cánh đồng mà đâu đó có tiếng rên rỉ của những người sắp qua đời. Nhờ một phụ nữ đứng tuổi sống cùng làng trợ giúp khi bị chuyển bụng, mẹ tôi lâm bồn giữa một nơi hoang dã, bốn bề là rừng núi, đâu đó có tiếng đạn đại bác nổ từng chập gây rung chuyển trời đất. Một trái đạn như vậy từng rớt gần đám dân làng chạy giặc, khiến có kẻ bị banh thây, người mất cẳng, kẻ chỉ còn hơi thở chập chờn giữa sống và chết.

 

tinh yeu mua khi 3

 

Lúc Bông chào đời, mẹ kể, bà đã nhìn lên bầu trời và rơi lệ trong sự sung sướng cùng tột, như vừa nhận được một ân sủng huyền diệu từ đấng thiêng liêng trên tận cõi vô biên, mà cũng vừa xót thương thẳm sâu khi nghe tiếng khóc giật từng khúc ruột của đứa bé đã mất cha ngay từ lúc lọt lòng. Cha tôi tử trận mấy ngày trước đó. Một người bạn đồng đội chỉ kịp chạy về làng để báo tin rằng đội lính phòng thủ đã bị địch quân từ phương bắc đánh tan nát với những chiếc chiến xa đen đủi, lầm lì như ác quỷ từ địa ngục. Nhiều người lính đã chết không toàn thây, cha tôi nằm thoi thóp giữa những dàn xích sắt chạy ngang đầy khí thế bạo tàn, lầm lũi nghiền nát những thân người và súng sắt trên đường băng rừng vượt núi xuôi nam. Dân làng nghe kể rằng địch quân cũng là con người, nhưng một ngày kia bỗng bị loài quỷ vùng lên chiếm ngự toàn thân xác, sai khiến hết mọi hành động cùng tư tưởng của họ.

 

Giữa bầu trời đêm đầy những vì sao lấp lánh diệu ảo và vừng trăng sáng vằng vặc muôn thuở của đêm tôi chào đời, mẹ mừng tủi khi nghe tiếng khóc của đứa bé. Bà thường nói đứa con nhập thế ấy là một niềm vui, niềm an ủi lớn nhất trong đời bà. Mầm sống của tình thương đã đến với bà giữa bãi tha ma của chết chóc, hận thù. Từ đó về sau, cho đến cuối cuộc đời, tôi nghĩ, cho dù có khổ cách mấy chăng nữa, mẹ tôi vẫn không bao giờ quên những giây phút sung sướng nhất đời từng đến với bà ở giữa một cánh đồng trên miền cao nguyên đêm hôm ấy. Mặc cho cuộc đời bị vùi dập bao nhiêu, bà vẫn vui sống với thằng “Bống bống, bông bông” của bà.

 

Thật sự mẹ con chúng tôi chưa đến nỗi bị đời dập vùi quá bất hạnh như nhiều người khác, chỉ bị chút sóng gió trong cuộc sống bồng bềnh giữa chợ, nơi bà phải quyết chiến mỗi ngày với bọn bá đạo để giữ cho con được sống yên ổn giữa bốn bức tường trong căn nhà bên cạnh chợ, và rồi mẹ bèo con bọt trôi dạt theo dòng người ly loạn đến một miền đất hứa.

 

Sáng hôm ấy, một buổi sáng chớm thu sau một mùa hè trôi nổi giữa đại dương, trên một chuyến xe đưa hai mẹ con từ một trại ty nạn đến một gia đình bảo trợ không cùng ngôn ngữ, tôi chợt nghe mẹ thầm hát “Bông bông” với nét mặt vui như mọi lần. Hát một hồi, rồi mẹ bỗng quay qua hôn lên trán của thằng con gầy đen, khiến mặt nó nóng bừng, vừa liếc đám hành khách cả đen lẫn trắng đang ngồi vô tư quanh hai mẹ con da vàng và nói một thứ ngôn ngữ xa lạ. Mỗi người chúng tôi đã ôm chặt một cái túi chứa đựng mấy bộ quần áo cũ quá khổ của hội từ thiện, một xấp giấy tờ chứng nhận quyền tỵ nạn, và một chút gia tài từ quê hương bên kia bờ đại dương – mấy tấm ảnh của cha, của một cặp vợ chồng hạnh phúc, và của một đứa bé mặc bộ đồ hải quân trước ngày tàn cuộc chiến.

 

Ngày đó tôi đã vừa đủ lớn để biết thương mẹ, bắt đầu hiểu được chuỗi quá khứ đầy thiếu thốn của một phụ nữ góa bụa, phải vật vã giành giựt bán buôn giữa khu chợ luôn có tiếng chửi rủa, để nuôi một đứa con mà bà xem là một phần thưởng nhận được từ ơn trên trong một đêm đầy mùi tử khí. Vậy mà bà chẳng bao giờ than phiền điều chi, ngày ngày đi làm để nuôi “cục cưng” của bà. Mỗi đêm về, thấy con ngồi học bài bên cửa sổ, bà thường đến gần, miệng nở một nụ cười, rồi nói, “Bông, con là niềm vui lớn nhất trong đời mẹ.”

 

Thế nên đến miền đất hứa chưa được bao lâu, tôi loay hoay đi tìm việc làm thêm ngoài giờ học để phụ mẹ, dù bà không muốn. Nơi tôi được nhận việc đầu tiên là một nhà hàng nhỏ nhưng luôn đông khách giữa một thị xã trên miền núi. Ông chủ là người ngoan đạo, tốt bụng; biết mẹ con người tỵ nạn còn chân ướt chân ráo trên quê hương mới, nên ông cho tôi đến giúp việc mặc dù tiệm không thật sự cần người. Chiều chiều sau giờ học, tôi đến nhà hàng và phụ việc ở dưới bếp. Công việc không mấy khó, chỉ rửa chén dĩa, xong sắp chúng vào trong máy. Một hồi sau lấy chúng ra, lau khô sạch sẽ trước khi bưng ra phòng ăn. Còn ông chủ thì vừa lăng xăng tiếp khách, tính tiền, vừa vô bếp phụ nấu ăn với một anh đầu bếp mà cũng chính là con trai lớn của ông. Mỗi tối ông chủ thường trao hai phần ăn cho tôi cầm về để chia xẻ với mẹ.

 

Tôi mến ông chủ tốt, mà con gái cưng của ông thì biết nói sao giờ, mến thì chưa đủ, mà nói là … yêu thì hơi quá đáng, vì hồi nào tới giờ tôi có biết yêu là cái gì đâu, làm sao biết mình đang yêu hay không.

 

Mi Đa. Tên của cô bé con ông chủ. Cô nàng cũng cỡ tuổi tôi, không chừng lớn hơn tôi một, hai tháng, vì ăn nói rất chững chạc, chưng diện cũng vừa phải, không lòe loẹt như mấy cô thiếu nữ học chung lớp tôi. Tôi chưa dám hỏi tuổi Mi Đa, một phần vì tính rụt rè, một phần vì tiếng Anh chưa đủ để có một cuộc trò chuyện qua lại mà không phải lật tra tự điển. Thuở ấy đám dân tỵ nạn chúng tôi đi đâu cũng cầm theo một cuốn tự điển nhỏ gọn. Hễ khi gặp ai nói chữ gì mà mình không hiểu, liền đưa tự điển bảo người ấy chỉ giùm chữ mà họ muốn nói.

 

Tôi làm được vài hôm thì Mi Đa xuất hiện. Phải nói “xuất hiện” vì thật sự nàng đến trong đời tôi bất ngờ như một ngôi sao xẹt ngang trên bầu trời đêm. Trong khu bếp có một phòng riêng khá rộng dành đặt máy rửa chén, tủ đông lạnh và những thùng rau trái, thịt thà này nọ. Muốn vào phòng thì phải bước qua ngưỡng cửa, đi xuống hai bậc tam cấp.

 

Bữa hôm ấy, ngoài phận sự rửa chén, tôi được ông chủ giao nhiệm vụ gọt khoai tây. Dân ở xứ này ăn khoai nhiều lắm, ngày nào tiệm cũng bán được cả khối các món khoai nghiền và khoai chiên. Chiều hôm “định mệnh” ấy, tôi đang khoác yếm, ngồi trên sàn nhà cạnh mấy thùng khoai thì bỗng nghe có tiếng động nhỏ, tiếng chân nhẹ bước tới. Nhìn lên khung cửa ra vào duy nhất của căn phòng, tôi thấy Mi Đa “xuất hiện” với một nụ cười rất thân thiện. Từ ngày biết mẹ mình là đàn bà cho đến khi gặp Mi Đa, chắc chắn tôi đã từng thấy nhiều người thuộc phái nữ ở chợ, ở thị thành, cũng như ở trong gia đình bà con quyến thuộc. Nhưng ngoài mẹ ra, có lẽ chưa có một người nữ nào lại khiến trong lòng tôi dấy lên những cảm giác dễ chịu, xao xuyến lạ kỳ, mà với Mi Đa thì cảm xúc ấy càng rất khó tả.

 

Hôm đầu gặp anh chàng rửa chén “tân binh,” Mi Đa mặc chiếc áo thun trắng, quần jeans xanh rất giản dị. Mái tóc nâu vàng hơi xoăn được vén lên và buộc túm đằng sau ót, để lộ một khuôn mặt trắng hồng, chân mày rậm, mắt nâu. Với đôi mắt trong sáng long lanh nhìn thẳng vào người đối diện, kèm với một nụ cười rộng đẩy hai gò má nổi bật tròn trĩnh trên gương mặt, Mi Đa nói câu đầu tiên với tôi, “Chào Bông. Bạn đang làm công việc của tôi.”

 

Biết tôi chưa hiểu, Mi Đa nói chậm lại, giải thích rằng việc rửa chén, gọt khoai là của cô nàng lúc trước. Nay bận tập dượt ballet sau giờ học, cô con út được cha cho nghỉ việc. Cô nàng cười hóm hỉnh khi nói rằng tôi may mắn được ông chủ trả lương, còn Mi Đa thì chẳng bao giờ được cha cho một đồng xu nào. Sau mấy lời xã giao, Mi Đa ngồi ngay trên bậc tam cấp, xua tay bảo tôi cứ tiếp tục gọt khoai, đừng quan tâm đến sự có mặt của cô ta. Biết có người lạ đang ngồi xem mình làm việc thì có giỏi cách mấy cũng bị run tay, mà việc gọt khoai này còn quá mới, nên tôi lúng túng gọt tới gọt lui một hồi mới xong một củ khoai. Từ bậc tam cấp, Mi Đa bước xuống ngồi đối diện tôi trước một cái thau lớn chứa nước đựng khoai. Lấy từ đâu đó ra một con dao khác, Mi Đa chỉ cho tôi cách gọt khoai, đưa dao hướng vào trong thay vì ra ngoài như tôi đã làm. Cô nàng gọt thoăn thoát, chớp nhoáng hết củ này đến củ khác. Tôi cũng gọt theo cách mới, chạy đua theo cô nàng.

 

Vui miệng, Mi Đa nói huyên thuyên từ chuyện nọ sang chuyện kia, như muốn giải thích hết mọi thứ ở xã hội mới này cho tôi hiểu. Khi thùng khoai sắp hết, Mi Đa bỗng hỏi về quê hương chiến tranh, về quá khứ của tôi. Với vốn liếng tiếng Anh quá ít, chưa bằng một đứa trẻ học lớp Một ở đây, tôi cố gắng giải thích nhưng không thể nói gì hơn ngoài những cái chết, lòng hận thù và tiếng bom đạn.

 

Rồi chẳng hiểu sao, khi nghe Mi Đa hỏi về mẹ, tôi lại hát bài “Bông bông” cho cô nàng nghe. Mi Đa có vẻ thích thú, nhắc tôi lập lại ca khúc cho cô nàng bắt chước. Khi rời phòng, cô ta còn hát lại cho tôi những tiếng quen thuộc nhưng lại mất hết các dấu của tiếng Việt. “Bong bong, bong bong” rồi lại “Bong bong, bong bong,” nghe như tiếng chuông ngân nga trong một buổi bình minh yên ắng, quyện vào hồn một nỗi niềm bâng khuâng khó nói, một nỗi hân hoan như khi thấy tia nắng ban mai đang ửng hồng ở chân trời.

 

Sau bữa ấy, tôi vào thư viện trường để tìm đọc ballet là cái gì mà Mi Đa phải tập dượt mỗi buổi chiều. Hiểu được chút chút nhưng vẫn còn mù mờ về môn nghệ thuật xa lạ này. Mấy hôm sau, Mi Đa có ghé phòng khi tôi đang rửa chén, mặt mũi đẫm mồ hôi lẩn trong hơi nước nóng bay mù mịt. Lần này, như hiểu được sự tò mò của tôi, Mi Đa cầm theo mấy tấm ảnh cho tôi xem. Mỗi tấm ảnh cho thấy Mi Đa trong một tư thế vũ ballet. Có tấm Mi Đa dang hai tay tay múa người cong sát xuống đất, có tấm Mi Đa như đang bay phi thân trên không trung, hai chân thẳng tắp thành một đường ngang, cũng có tấm Mi Đa đứng trên mấy ngón chân của một bàn chân, chân kia co lại, hai tay chắp trên đầu. Bức hình nào cũng có Mi Đa trong chiếc váy tutu trắng tinh, nét mặt có lúc đăm chiêu, có lúc dịu dàng, nhưng không cười hoặc khóc.

 

Thấy tôi xem tấm cuối hơi lâu, Mi Đa đập nhẹ một ngón tay trên vai tôi và chỉ tới một khoảng trống ở giữa phòng. Chưa kịp hiểu ý định của Mi Đa, tôi chợt thấy cô nàng lướt vào khoảng trống ấy rồi biểu diễn quay vài vòng trên mấy ngón chân, thân hình giữ thăng bằng như có một trụ cắm xuống đất ở bàn chân. Tuyệt vời! Tôi chỉ biết bày tỏ bằng sự vỗ tay khi Mi Đa cúi đầu chào vị khán giả duy nhất ở trong phòng. Cô nàng kể đã tập vũ ballet từ thuở bé, nay ao ước được lên New York để học thêm với mấy gánh hát trứ danh. Lúc đó tôi không có mong ước gì hơn là được gần Mi Đa. Tính tự nhiên, thân thiện của cô nàng đã khiến tôi mất ngủ nhiều đêm liên tiếp.

 

Rồi những ngày sau, thỉnh thoảng Mi Đa vẫn ghé nói chuyện, có khi giúp tôi rửa chén, gọt khoai, vài lần hỏi về sức khỏe của mẹ tôi. Từ ngày đi làm, tôi đoán mẹ biết “Bông bông” của bà đã bước lông bông vào thế giới của luyến ái. Làm sao không biết khi thấy thằng con bỗng đổi tánh, mẹ nói gì cũng trả lời “Dạ” nhưng tâm tư lại hướng đi đâu mất, thường ngồi tư lự, nhìn vào khoảng không rồi cười tủm tỉm một mình, lại còn mua kem thoa nách thơm thơm để thoa trước khi đi làm nữa chứ. Chèn ơi, đi rửa chén chứ bộ đi làm nghề gì cao sang mà phải thoa nách cho thơm vậy con? Bà không thể hiểu mùa xuân năm ấy đã tuyệt vời như thế nào đối với Bông.

 

Nhưng rồi có đến thì phải có đi. Mùa xuân cũng thế. Xuân chưa hết thì Mi Đa báo một tin vui. Chiều hôm đó cô nàng bước vào trong bếp để nói lời chia tay với mọi người. Mi Đa nhận được một học bổng và sẽ tiếp tục sự nghiệp ballet ở một trường nghệ thuật nổi tiếng tại New York trong suốt mùa hè năm ấy. Vào phòng rửa chén, Mi Đa kể cho tôi nghe về New York, về thành phố không ngủ đêm, về những vở kịch lừng danh ở Broadway mà cả thế giới ngưỡng mộ. Rồi một ngày nào đó Mi Đa cũng sẽ là thành viên của một ban vũ ballet nổi tiếng. Trước khi rời phòng một lần chót còn có tôi ở đó, Mi Đa viết xuống giấy một địa chỉ và bảo tôi nhớ viết thư thăm cô nàng. Nói rồi Mi Đa hát lên ca khúc “Bong bong” mà nàng còn nhớ, hát hồn nhiên nhưng sao tôi nghe như tiếng gõ của tình yêu tha thiết, ngọt ngào đang chiếm ngự hết tâm hồn.

 

Đợi Mi Đa đi xa được một tuần, tôi mới dám gởi một lá thư được viết nắn nót từng chữ, để bảo đảm không sai chính tả chứ không phải cho chữ được đẹp, lã lướt. Nội dung không có gì ngoài mấy câu hỏi thăm, tả sơ về hiện tình ở nhà hàng. Ấy vậy mà chỉ một tuần sau, tôi nhận được thư hồi âm của Mi Đa. Nói là thư tình thì e quá đáng, nhưng cầm trong tay một lá thư có đóng con dấu bưu điện từ New York, lại có tên “Bong” được viết tay ở bên ngoài, lòng tôi sung sướng vô cùng.

 

Đêm hôm ấy, đợi cho mẹ ngủ yên trong phòng bên, tôi bật đèn ngủ trong phòng mình và mở thư ra đọc. Mi Đa viết hết hai mặt của một tờ giấy, có chỗ còn xen thêm mấy chữ thiếu sót. Nàng kể về nhiều thứ vui lạ ở thành phố mới. Mỗi buổi chiều sau một ngày tập luyện khắc khổ, Mi Đa rong chơi trên các con đường ở phố lạ, đón nhận hết thảy những âm thanh, màu sắc vui nhộn mà một đô thị có thể trao tặng cho một cô gái từ miệt quê. Cuối thư, Mi Đa nói rất nhớ mấy người ở miệt quê ấy, và cả “Bong bong” nữa, người duy nhất đã viết cho nàng những lời khích lệ đầy chân thành của một người bạn. A ui! Sao mà dễ thương. Sau khi đọc thư, tôi thiếp vào một giấc mộng đẹp, bước dần vào một phương trời đầy ảo mộng mà không hề biết nơi ấy đang có những đợt sóng trầm luân vô cùng hung hãn.

 

Ngày hôm sau tôi lại nắn nót cho Mi Đa một bức thư mới, nói lên tâm sự của một kẻ đang ao ước được rời khỏi một khu phố lao động đang giam hãm đời tôi, để đi du lịch tung tăng đó đây trên khắp trái đất. Lẽ đương nhiên tôi không dám nói thật trong lá thư đặc kịt chữ trên hai mặt trang giấy, là chỉ muốn đến đô thị để được gặp Mi Đa. Lúc ấy nàng là cả một vũ trụ của đời tôi.

 

Hơn một tuần sau, tôi nhận thư hồi đáp thứ nhì. Lần này Mi Đa chỉ viết trọn một mặt giấy, than vãn chuyện lạc lõng ở nơi xa nhà, không người thân quen, phố xá náo động. Nàng bắt đầu cảm thấy có những gì bất thường, hay đúng hơn là tầm thường trong tương lai ở trước mắt. Tôi chưa hiểu nàng muốn nói điều gì, vẫn tiếp tục viết thư với tấm lòng nồng nhiệt tràn trên mặt giấy. Lần này tôi đợi tới mấy tuần mới nhận được thư hồi đáp của Mi Đa, mà nàng chỉ viết mấy chữ hỏi thăm nghe khách sáo, xa vắng.

 

Thế rồi những bức thư qua lại cũng thưa dần. Trong thư cuối cùng gởi vào cuối mùa thu năm ấy, Mi Đa cho biết nàng đã được trao một vai quan trọng trong gánh kịch ballet, sẽ được lưu diễn ở một xứ nào đó bên Âu Châu và Nam Mỹ trong mùa đông sắp tới. Điều tôi tưởng là sung sướng nhất cho Mi Đa, lại không chắc đúng như vậy. Tôi đoán qua những dòng chữ Mi Đa nói đến việc nàng muốn đi tìm một ý nghĩa cho đời mình, nếu một ngày kia nàng không còn trẻ để vũ ballet. Thư cuối cho Mi Đa, tôi vẫn chưa dám thổ lộ những tình cảm sâu đậm hơn dành cho Mi Đa. Xuân đến, nàng như cánh én từng một lần vỗ cánh bay qua mặt hồ; thu đi, tôi còn mãi tìm bóng én muôn đời không trở lại trên mặt hồ ấy.

 

Mùa đông năm đó cũng mang đến một thứ tình cảm mới mà tôi chưa bao giờ có trong đời: tôi thương mẹ vì lo lắng bà sẽ ra đi vĩnh viễn trước một cái chết không thể ngăn chặn. Tình thương tôi dành cho bà là tình thương yêu, quí mến một khuôn mặt luôn mỉm cười với con, một đôi môi luôn nói những lời ưu ái, một ánh mắt dịu hiền, một bàn tay nắm chặt tay con dìu dắt nó vào đời; và cũng chính từ mặt, môi, mắt và tay đó, bà phải cau có, mắng la, dữ tợn, và đánh vật với người đời cũng vì con. Tôi thương mẹ vì biết bà đã hy sinh rất nhiều cho tôi được ăn no mặc đủ không thua người.

 

Giờ đây, khi biết bà lâm trọng bệnh, một thứ bệnh mà tôi không thể nào đánh vật, mắng la, dữ tợn hay cau có để bắt nó phải tha mạng cho bà, tôi thấy mình bất lực vô cùng, không thể nào bảo bọc mẹ như bà đã từng làm cho tôi. Một ngày trong mùa đông năm ấy, mẹ bảo tôi vào phòng khách và ngồi trên cùng một ghế sofa, như mẹ con vẫn thường ngồi mỗi khi trò chuyện. Với ánh mắt dịu nhưng buồn, mẹ nói mẹ đã trải qua nhiều cuộc thử nghiệm rất kỹ và nay bác sĩ báo tin rằng bà bị ung thư vú. Bà trấn an con rằng bà mới trên bốn-mươi tuổi, còn đủ khỏe mạnh để chiến đấu và vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo này.

 

Thế nhưng cuộc đời không luôn được như sự mong ước. Bà phải nghỉ làm và bắt đầu được hóa trị. Mỗi buổi chiều về nhìn mẹ sau giờ học là những giây phút buồn nhất đời tôi. Ước vọng được thấy mẹ dần dần khôi phục có lúc được lóe sáng, nhưng rồi cũng mờ dần theo thời gian, như hoàng hôn nhạt nhòa bên kia cửa sổ của căn chung cư trên lầu cao, mỗi buổi chiều khi hai mẹ con cùng nhìn cảnh khu phố nghèo chìm vào đêm đen. Tôi thương mẹ, mong bà được sống lâu hơn để được tôi phụng dưỡng, được thấy con thành đạt giữa chợ đời.

 

Cuộc chiến của mẹ kéo dài được bốn năm, từ lúc tôi chưa học hết trung học cho đến ngày tôi đi được nửa đường ở trường đại học. Sau năm đầu chúng tôi còn có chút hy vọng mặc dù vú bên phải của mẹ đã được giải phẫu và cắt bỏ vĩnh viễn cùng với khối ung thư. Thế nhưng cuộc sống tuy khiếm khuyết nhưng còn hơi thở ấy kéo dài chưa được bao lâu thì bác sĩ khám phá mầm ung thư đã lan lên phía trên của vùng ngực bị một lỗ trống. Lần này thì vô phương cứu chữa, chỉ đợi ngày các bộ phận khác phải ngã quỵ trước đám giặc bệnh đang lăm le tràn đi khắp cơ thể.

 

Một đêm kia nằm trên giường, bà nhìn ra ngoài cửa sổ và dừng mắt ở những chấm đèn điện hiện trên các tòa nhà ở thành phố. Trong thân hình gầy yếu được che dưới lớp khăn trắng, đủ mỏng để thấy những lằn xương thịt chạy ngang dọc nổi lên trên mặt tấm vải, bà nói những ánh đèn ấy làm bà nhớ đến một đêm nằm giữa đồng nhìn lên bầu trời đầy sao sáng và sanh đứa con thương yêu nhất đời mình. “Con không thể hiểu mẹ đã sung sướng đến dường nào đêm hôm ấy,” bà nói khẽ, nhìn tôi với ánh mắt chiếu sáng như được dồn hết tàn lực để soi vào tận sâu trong tâm hồn của đứa con.

 

“Sao mẹ lại sung sướng khi phải sanh con đau đớn như vậy?” tôi hỏi mẹ lần đầu trong đời về đêm huyền diệu nhưng đầy tang thương ấy.

“Từ ngày con đến, mẹ được sống một cuộc đời có ý nghĩa. Rồi một ngày kia, chính con cũng tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống của chính mình.”

Bà chỉ nói vậy, vài giây sau, mẹ hát nho nhỏ khúc ca đơn giản mà bà đã mang theo suốt đời.

Bống bống, bông bông

Bống bống, bồng bồng

Bông bông, bồng bồng

Bông bông, bồng bộng.

 

Rồi một buổi chiều kia khi bầu trời hoàng hôn sắp tắt nắng, mẹ hát như vậy cho đến khi đôi môi tái nhợt chỉ còn mấp máy không ra hơi, đôi mắt thân quen khép lại một lần chót, hai bàn tay buông lơi từ lâu dù còn ấm mềm trong lòng bàn tay tôi. Khúc ca đó đã đi theo bà về cõi bên kia, nơi tôi không thể nào bước theo chỉ để được nhìn mặt, được nắm tay như đã từng làm quá thân thiết trong hơn hai mươi năm ở cõi người. Cuộc chia tay ngắn gọn đã để lại trong tôi một nỗi niềm thao thức mới. Mẹ đã tìm được ý nghĩa cho cuộc đời và sống trọn vẹn với nó cho đến hơi thở cuối cùng. Còn tôi thì sao? Tôi, đứa bé từng được hình thành từ trong thân hình gầy yếu nhưng đầy tình yêu thương ấy, sẽ tìm ý nghĩa cho đời mình ở đâu?

 

Theo lời mẹ dặn, tôi đưa tro cốt của bà đến một miền núi hoang vắng, và thảy tro lên không trung trong một đêm đầy sao lấp lánh. Mẹ dặn chỉ có bấy nhiêu, nhưng đêm đó tôi ngồi lại giữa nơi hiu quạnh, thầm hát “Bông bông” suốt đêm, dần dần biến nó thành những lời kinh cầu nguyện tiễn mẹ trở về với vũ trụ, hòa lẫn vào thinh không.

 

Quay về mái trường đại học, tôi cố gắng theo đuổi một sự nghiệp như thể muốn làm vui lòng mẹ, tiến thẳng trên một con đường để được thành đạt giữa thế giới vật chất như mọi người. Nhưng lòng tôi lại đầy rẫy những cảm xúc, ý tưởng rối bời, bị chúng trì kéo xuống trong lúc tôi cố vươn lên cao để vượt thoát những lối sống mà tôi không thấy có mục đích xứng đáng với mạng người.

 

Thấy tôi ngồi một mình tư lự nhìn vào khoảng không trong một căn phòng sau giờ học, một ông giáo với mái tóc bạc rối bời, trong bộ y phục lôi thôi, đã ghé vào phòng và thăm hỏi. Ông trông hiền lành, dáng đi khập khễnh như có tật ở chân, thân hình to thô kệch như một nông dân. Nhưng khi ông nói chuyện, gương mặt lại rạng rỡ như được thắp sáng bằng một ngọn đèn kỳ bí mà không biết từ đâu ra. Khi thấy tôi cười gượng, đáp rằng tôi không sao cả, chỉ bận tâm với chút chuyện đời thường, ông giáo nheo mắt cười và bảo, “Tâm trong sáng sẽ giúp con tìm ra ý nghĩa của cuộc sống.”

 

Tôi cảm ơn ông giáo, mặc dù chưa nhận ra sự ích lợi của một câu nói nghe tưởng chừng quá giản dị, nhàm như chén cơm trắng ở mỗi bữa ăn. Lúc ấy lòng tôi còn vẩn đục, quá xáo trộn vì mẹ mất, không có người yêu, bạn bè cũng không, học hành chưa ra gì. Một ngày nọ, tình cờ thấy lại những lá thư của Mi Đa được tôi cất giữ như báu vật, tôi tưởng mình tìm ra một lối đi. Sáng sớm hôm sau, tôi lái xe phóng một mạch suốt ngày thâu đêm đến thành phố mà Mi Đa từng sống hơn bốn năm trước.

 

Lẽ đương nhiên cánh nhạn chim trời không bao giờ lưu bóng lại trên mặt hồ, như lời của ngài Hương Hải thiền sư từng nói, nhưng tôi vẫn đi tìm dấu vết của nàng.

 

Ở ngôi nhà theo địa chỉ viết trên lá thư được tôi giữ kỹ, người chủ nhà phải trầm ngâm một hồi rồi mới nhớ ra một cô bé xinh xinh từng đến đây ở thuê mấy tháng. Ông không biết cô dọn đi đâu, chỉ biết cô từng trình diễn ở một rạp hát lớn dưới phố. Thế rồi tôi bỏ xe để đi bộ lang thang suốt đêm tìm rạp hát. Giữa đêm khuya rạp không còn mở cửa. Mệt lã sau một cuộc hành trình ngày đêm, tôi tìm một góc tối gần cánh cửa rạp hát, nằm co ro ngủ qua đêm ở đó như một kẻ vô gia cư. Đêm ấy tôi nằm mơ thấy Mi Đa nhìn tôi mỉm cười. Trong giấc mộng kỳ lạ, chỉ có Mi Đa là người có sự sống, chung quanh nàng có nhiều người mặt mũi xám xịt, mắt mở to không chớp, bước đi như lướt trong khoảng không mờ ảo với những lớp sương mù. Mi Đa đến gần tôi rồi trao một tấm giấy chỉ ghi hai chữ “Bồ Đỏa.” Trước khi lẩn vào trong đám đông đang đi như những xác vô hồn, Mi Đa hát khe khẽ ca khúc “Bông bông, bông bông,” và lần này nàng hát chuẩn xác và êm dịu y hệt như giọng mẹ tôi.

 

Tôi tỉnh giấc giữa phố xá đang nườm nượp người qua lại, mỗi người thầm lặng bước trong thế giới của riêng họ, không hề ngoái nhìn một kẻ lại đang gượng dậy đi tiếp trên kiếp đời tưởng chừng rất cô độc. Tôi cố gắng nhớ lại các chi tiết trong giấc mộng, mọi thứ mờ dần ngoại trừ hai chữ “Bồ Đỏa.” Bồ Đỏa là mật mã của một điều gì đó? là một vở kịch mà Mi Đa từng đóng? là tên của một loài dược thảo? Từ đó tôi bị rối trí với Bồ Đỏa suốt mấy năm, và cuối cùng bắt đầu một cuộc hành trình đi tìm Bồ Đỏa mà tôi cho là tên của một địa danh, nơi tôi có thể gặp lại Mi Đa.

 

Rời trường đại học với một mảnh bằng tốt nghiệp, tôi bỏ lại hết mọi thứ để một lần nữa đi tìm Mi Đa. Thế là trái tim cuồng si đưa tôi xuống Nam Mỹ. Ngày tháng rong ruổi xuống miệt dưới ấy, tôi không gặp một ai biết Bồ Đỏa là gì, hoặc nghe ai tên Mi Đa. Rồi cuộc đi vô vọng giữa những dòng người xa lạ không cùng ngôn ngữ đưa tôi qua vùng sa mạc bên Úc, đến những rặng núi cao thẳm ở đất Á, đồng ruộng xanh ngát tại đất Hoa, miền băng giá ở xứ Nga, đồng khô cằn miệt đất Phi, phố xá tấp nập ở trời Tây, và cuối cùng trở về Bắc Mỹ với con tim càng khô héo hơn ngày trước.

 

Thế rồi một ngày kia trên một cánh đồng giữa một đêm đen, tôi quì gối và thầm hát lại điệp khúc “Bông bông” mà mẹ từng hát, ngửa đầu khấn nguyện với chư thiên hãy giúp tôi tìm được Bồ Đỏa, nếu thật sự hai chữ ấy có một ý nghĩa đối với đời tôi.

 

Sáng hôm sau tôi tiếp tục cuộc lang thang vô định đến một vùng cao nguyên. Xế trưa, tình cờ gặp một người xuống núi đi ngược chiều, tôi hỏi tìm Bồ Đỏa như đã từng hỏi cả vạn người trong suốt mấy năm. Ngạc nhiên thay, bà lão lớn tuổi trong bộ đồ cũ màu nâu đất bỗng cười và nói biết Bồ Đỏa ở đâu. Bà chỉ tay về hướng núi sau lưng, bảo, “Con đi qua ngọn núi đó, xuống đến thung lũng thì sẽ gặp Bồ Đỏa.”

 

Tôi chưa hết mừng vì sự gặp gỡ bất ngờ, bà lão bỗng quay nhìn tôi, nói tiếp, “Mùa khỉ sắp tới Bồ Đỏa, loạn lắm. Ta phải đi nơi khác cho đến khi hết mùa thì mới trở lại. Còn con, con đến đó làm chi? Có điên không?”

 

Tôi tính nói “có” điên nên mới đến đây, nhưng trong đời chưa bao giờ nghe đến mùa khỉ, nên gặng hỏi, “Mùa khỉ là sao vậy bác?”

 

“Tới đó rồi sẽ biết, hãi lắm, thôi ta đi đây,” bà nói vậy rồi thoăn thoát bước xuống đồi.

 

 

Tôi đứng giữa đường ở lưng chừng đồi, nửa như bị lây cái lo âu của bà lão, nửa mừng rỡ vì biết sắp được thấy Bồ Đỏa. Theo hướng chỉ tay của bà lão, tôi rảo bước mỗi lúc một nhanh hơn, nôn nao trước một định mệnh đang mở ra trước mắt. Từ trên núi, tôi lại chạy như không biết mệt xuống vùng thung lũng ở phía tây, nơi nắng chiều đang rọi chiếu vào một thị trấn mà tôi tin chắc đó chính là Bồ Đỏa. Đến một đoạn đường bằng phẳng hơn, tôi bước chậm lại để lấy hơi, và không lâu, tôi thấy nhà cửa hiện ra trước mắt mỗi lúc một lớn dần.

 

Thấy một người đàn ông lớn tuổi đang đạp xe ở xa, tôi bước nhanh tới hướng ông để hỏi đường. Khi đến gần, trông mái tóc bạc bề bộn của ông tôi chợt nhận ra ông chính là vị giáo sư với gương mặt rạng rỡ từng nói câu “Tâm trong sáng sẽ giúp con tìm ra ý nghĩa của cuộc sống” ở trường đại học nhiều năm trước. Tôi mừng vì gặp người quen, nhưng ông không có vẻ nhận ra tôi. Tôi cũng không ngờ nay ông là một người lao động, bận một bộ đồ áo liền quần của thợ thuyền, đạp một chiếc xe chở đầy rác.

 

Nghe tôi hỏi nơi đây có phải là Bồ Đỏa, ông giáo đáp, “Nếu con nghĩ nó là Bồ Đỏa thì nó chính là Bồ Đỏa. Nhưng miền đất này không có tên, mọi người ở đây cũng không có tên.”

“Vậy làm sao gọi nhau?” tôi hỏi.

“Muốn nói gì thì cứ nói, người kia sẽ hiểu, chẳng ai cần có tên ở xứ này cả.”

“Mà sao bác lại chở rác, không còn dạy học nữa sao?” tôi thắc mắc.

“Ta có bao giờ dạy học đâu, con hỏi chi lạ?” ông giáo nói. “Thấy rác thì lượm, cái chi cần làm thì mình cứ làm.”

Thật lạ kỳ, tôi tin chắc người đứng trước mặt là vị giáo sư tôi từng thấy ở trường năm xưa, mà sao nay ông nhơ bẩn, lem luốc, xa lạ. Vậy mà khi ông nói, gương mặt lại sáng lạn như tôi từng biết.

“Thế bác có biết mùa khỉ là gì không?” tôi lại hỏi, đầu đang nổi lên nhiều nghi vấn về một nơi mà tôi tin là đúng Bồ Đỏa chứ không đâu khác.

“Ôi, ở đây ai cũng biết mùa khỉ. Con đi xuống phố thì họ sẽ nói cho mà nghe. Thôi ta đi đây,” ông giáo đạp xe hướng ra ngoài thị trấn.

 

Tôi đi theo được một đoạn thì thấy ông rẽ xe vào một nông trại, nơi có một căn nhà gỗ xiêu vẹo nằm ở cuối sân. Để lại ông giáo ở vùng biên địa, tôi hướng vào phố thị trong buổi hoàng hôn. Mọi người ở đây trông cũng bình thường như ở thế giới từ nơi tôi đến. Trẻ em chơi banh ở ngoài sân, người lớn xem truyền hình, ăn nhậu, vui chơi sau một ngày làm việc, học hành. Nhà của họ nằm san sát nhau, gọn gàng như những món đồ chơi nhiều màu

 

Băng ngang một tòa nhà được sơn vàng, có nhiều tượng nhân trưng ở bên ngoài, nghe có tiếng tụng kinh ở bên trong, tôi tò mò ghé vào xem. Cả trăm người đang ngồi sát bên nhau, đa số mặc áo màu lam, miệng đọc đều đặn những lời kinh từ một cuốn sách đặt trước mặt. Trên khoảnh bục ở cuối phòng, một nhóm tu sĩ trong bộ áo nâu cũng đang ngồi tụng kinh hòa với đám đông ở bên dưới, trong một bầu không khí trang nghiêm, yên bình.

 

Trong cùng một dãy phố, tôi khám phá các ngôi nhà khác cũng có những sinh hoạt tâm linh riêng biệt. Nơi này tụng kinh, nơi kia giảng pháp, nơi nọ lâm râm lời cầu nguyện. Ở cuối dãy là một tòa nhà bằng đá nguy nga, bên trong có cả ngàn người đang hát thánh kinh theo các tu sĩ mặc áo choàng trắng tinh. Tiếng hát đầy lòng thành kính của họ lan tỏa đến bầu không gian xa tận mấy con phố.

 

Qua một dãy phố khác, tôi ghé vào một quán ăn đông khách. Ngồi trong góc phòng, tôi được nghe những mẩu chuyện vang lên râm rang ở chung quanh. Thì ra ở đây người ta đang nói về mùa khỉ. Có người bảo mùa khỉ “the big one” có thể xảy ra bất cứ lúc nào, có người tuyên bố chỉ trong nay mai, rồi cũng có người tiên đoán sẽ đến năm sau. Trên màn ảnh truyền hình treo trên tường, tin tức cũng nói về mùa khỉ. Các chuyên gia bình luận sôi nổi về thời điểm, về những gì sẽ xảy ra.

 

Tôi phỏng đoán lờ mờ mùa khỉ là một hiện tượng tâm linh, diễn ra theo chu kỳ bất thường, có thể đến một trăm năm một lần, mà cũng có thể bất cứ lúc nào. Dựa trên những khám phá khoa học, dân gian ở đây đưa ra những dự đoán về thời điểm, về cường độ, về số lượng người sẽ bị ảnh hưởng. Người ta bàn tán sôi nổi nhưng không có vẻ sợ hãi như bà lão tôi từng gặp trên đường đến đây. Và đúng như ông giáo lái xe rác, tôi không nghe một ai nhắc đến hai chữ Bồ Đỏa, nhưng sao trực giác vẫn cho tôi biết nơi đây chính là Bồ Đỏa mà tôi đã đi tìm.

 

Đêm hôm ấy tôi tiếp tục lang thang từ trong phố ra đến ngoại thành, rồi lại trở vô vì sợ đi lạc đến nơi khác. Sau nửa đêm, giữa lúc ngồi nghỉ ở một góc đường dưới ánh sáng lờ mờ, tôi chợt thấy một bóng người đẩy một chiếc xe ở một bên đường. Tò mò, tôi đi theo người ấy từ một khoảng cách xa. Tôi nhận ra người đẩy xe là một phụ nữ. Bà mặc bộ đồ màu nâu sậm, có sức mạnh phi thường vì có thể dùng hai tay đẩy một chiếc xe bốn bánh không có mái che, mà trên xe chứa một xác người. Ban đầu tôi tưởng đó là một xác chết, nhưng đến một đoạn đường, tôi nghe cái xác ấy rên rỉ giữa đêm khuya tịch mịch. Dường như người phụ nữ không biết mình bị theo dõi. Bà tiếp tục đẩy xe đến trước một ngôi nhà, dừng xe và rồi bước đến một ông đang nằm ở lề đường. Người này cũng rên rỉ trong sự đau đớn. Như một siêu nhân, bà bưng người ấy đặt vào xe một cách êm ái. Vậy là xe chứa hai người đang trong cơn đau bệnh, tôi đoán. Tôi theo dõi cho đến khi bà đẩy xe thoăn thoát ra khỏi thị trấn, tiến đến một nông trại khi trời bắt đầu hừng sáng.

 

Nấn ná bên ngoài nông trại suốt buổi sáng, cuối cùng tôi lấy hết can đảm và bước vào trại để tìm người phụ nữ có sức mạnh phi thường ấy. Trại có hai dãy nhà lớn, bên trong phát ra những tiếng rên la, có lúc gào thét nghe rất hãi hùng như tiếng của người điên. Đúng lúc ấy, từ trong một căn nhà nhỏ tồi tàn nằm giữa trại, không xa hai dãy nhà chứa bệnh nhân, người phụ nữ bước ra và tiến thẳng tới hướng tôi.

 

“Ông đi tìm ai?” bà nói.

Tôi bàng hoàng khi thấy rõ nét mặt của phụ nữ ấy. Bà chính là Mi Đa, người mà tôi đã đi tìm trên khắp trái đất. “Bà có phải là Mi Đa?” tôi thốt lên.

Người phụ nữ nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên. “Tôi không phải là Mi Đa. Ở đây không ai có tên,” bà nói giọng xa lạ như thật sự như chưa từng biết tôi là ai.

 

Tôi vẫn xem bà là Mi Đa mà nay đã gần bốn mươi tuổi, tóc điểm những sợi bạc, da mặt không còn căng, nhưng ánh mắt vẫn dịu hiền, thân thiện như thuở nào. Tôi nhìn thẳng vào mắt bà, vẫn thấy bóng dáng của một thiếu nữ yêu đời, xinh xắn từng ngồi gọt khoai với tôi. Không lẽ trên thế gian này có tới hai Mi Đa?

 

“Tôi thấy bà khiêng xác người, nên tò mò đi theo đến đây từ đêm qua,” tôi giải thích lý do cho sự có mặt của mình trước một phụ nữ mà có lẽ không còn là Mi Đa.

“Ô, hai người đêm qua,” bà nói với giọng bình thường như người ta nói chuyện thời tiết nắng mưa. “Họ sắp chết, tôi mang họ về đây cho họ được bình an.”

 

Nói rồi bà ngoắc tay, bảo tôi đi theo bà vào một dãy nhà. Đúng như bà nói, trong nhà này có hơn một chục chiếc giường nằm đều bên nhau như trong một bệnh viện, hầu hết giường đều có người nằm thoi thóp thở, hấp hối, sắp lìa trần.

 

“Họ đang hoang mang, chưa biết mình sẽ đi về đâu. Cũng có người bị đau bệnh, sợ hãi trước bóng đêm trước mắt,” bà giải thích. “Dân nơi đây có tục lệ để người sắp chết, người bị bệnh nặng ở ngoài đường vào ban đêm, hy vọng rằng sẽ có những vị thần linh đến mang họ đến một nơi khác bình yên hơn. Cũng có khi thần linh không đến, họ bị chết trong khổ đau. Tôi mang họ về đây cho họ được sống bình an đến giây phút cuối đời.”

 

Thấy tôi đứng đơ người như chưa hiểu gì cả, bà vẫy tay nói, “Ông đến đây với tôi, mình cùng cầu nguyện cho họ. Nghe lời cầu nguyện này thì họ sẽ bớt đau, bớt sợ.” Nói rồi bà ngồi bệt xuống đất giữa căn nhà, hai tay chắp trước ngực, bắt đầu cất một giọng hát nghe thanh thoát, êm ái như tiếng ca từ một cõi khác bên trên cõi người.

 

Tôi thót giật mình khi nghe lời cầu nguyện thốt ra từ miệng bà lại chính là khúc ca “Bông bông” mà mẹ tôi thường hát khi bà còn sống, và trong giấc mơ mà tôi đã thấy Mi Đa giữa những linh hồn lướt đi vất vưởng.

 

Trong sự xúc động kỳ lạ, tôi quì đằng sau lưng bà, hát theo một ca khúc đã từng xuất hiện ngày tôi chào đời, và dẫn dắt tôi đến tận nơi đây. Chúng tôi hát rất lâu, không còn biết đến thời gian. Tôi nghe những dòng điện từ trên cao truyền xuống đầu, lan vào tứ thân và tỏa ra khắp phòng. Không gian nơi đây cũng trở nên yên tịnh hơn, thỉnh thoảng có tiếng người hắt ra hơi thở cuối cùng. Họ rời thế gian trong sự bình an, để lại một thân xác đầy khổ đau, tội lỗi. Thế rồi cũng với điệp khúc ấy, chúng tôi cùng hát trong ngôi nhà dành cho người bị bệnh nặng và người điên. Tôi không thể hiểu những nguồn năng lực từ đâu đến mà qua lời hát “Bông bông” giản dị, dần dần các bệnh nhân nằm yên, tỉnh táo, không còn rên la trong đau đớn hay trong cơn điên loạn.

 

“Bà có biết khi nào mùa khỉ tới?” tôi hỏi lúc sắp rời nông trại vào buổi chiều.

“Sao ông hỏi? Ông sợ chăng?” bà hỏi lại tôi.

“Từ lúc đến đây, xứ Bồ Đỏa này, tôi nghe nhắc đến mùa khỉ mà chưa thật sự hiểu nó là gì. Nó có gì để mà sợ?”

Người phụ nữ giải thích chậm rãi cho một người chưa hiểu biết, làm tôi nhớ một cô bé Mi Đa từng chỉ tôi cách gọt khoai thuở ban đầu.

“Mùa khỉ là khi có những đợt cuồng phong từ trên đỉnh núi tràn xuống thung lũng. Gió mạnh thổi bật những con khỉ từ trong tâm của mỗi người bung ra ngoài dương thế. Khi ấy người ta không thể kiểm soát loài tâm khỉ đang xuất đầu lộ diện bay nhảy trong người, và họ sẽ làm những gì họ thật sự muốn làm. Ai cũng có tâm khỉ và không thể che giấu khi mùa khỉ đến.”

“Mùa khỉ kéo dài bao lâu?”

“Lớn thì ba ngày, nhỏ thì chừng một buổi sáng,” bà nói. “Mà cũng lạ, tôi từng sống qua mấy mùa khỉ, khi gió lắng xuống thì bỗng có một số người biến mất hoàn toàn, không bao giờ thấy lại ở đây. Họ đều là những người tốt.”

Ngưng vài giây rồi bà kết thúc câu chuyện, “Tôi không thể nói hết. Ông sẽ biết khi mùa khỉ đến.”

 

Rời nơi chốn của người phụ nữ mà tôi tin là nàng Mi Đa năm xưa, tôi lại lang thang xuống phố, đầu óc hoang mang với các sự kiện quá xa lạ. Kinh nghiệm mới đã khiến tôi không thể nào chợp mắt, và một lần nữa đêm hôm ấy tôi lại lang thang tìm người phụ nữ đi lượm người bệnh. Không lâu, tôi lại bắt gặp bà đẩy xe với thân người nằm bên trong. Lần này xe bà chật kín với bốn người bệnh, trong đó có cả một em bé.

 

Rồi một sự bất ngờ khác xảy ra. Tôi thấy ông giáo già tóc bạc cũng đang đạp xe ở một khu phố trong đêm tối. Tôi lại theo dõi ông như từng theo dõi người phụ nữ đêm hôm trước. Tại vài ngôi nhà, ông giáo cầm một thứ gì đó đặt trước cửa như hành động của một nhân viên giao thư. Sau một hồi quan sát, tôi bạo gan đến gặp ông thay vì đi theo cho đến sáng. Thấy tôi, ông ra dấu giữ im lặng nhưng không xua đuổi.

 

Đi theo ông một hồi thì tôi mới thấy ra ông giáo đặt những bó hoa lavender (oải hương) trước nhà người ta. Về trang trại của ông sáng hôm đó, tôi khám phá ở sườn đồi đằng sau nhà ông là một cách đồng toàn hoa lavender dại. Ông nói hoa màu tím này giúp người ta ngủ ngon, không bị ác mộng sau một ngày với đầy những biến cố đau lòng, giận dữ. Mỗi đêm ông xem từng nhà, thấy nhà nào có hung khí đỏ rực thì ông đặt hoa trước cửa, cho họ được ngủ yên, không bị ma quỷ quấy hại.

 

Ở lại tỉnh lẻ này thêm nhiều ngày, cuối cùng tôi cũng không tìm ra ai khác để làm quen, chỉ sống quanh quẩn gần hai nhân vật chuyên làm việc về đêm. Thế rồi không lâu, mùa khỉ đến như sự tiên liệu của mọi người. Từ sáng sớm, hàng loạt đợt gió thổi ào ạt từ trên đỉnh núi cao xuống thung lũng ở dưới thấp. Khác với sự phỏng đoán của tôi, dân chúng lại reo hò chạy ra ngoài đường, vui mừng như trong một ngày lễ hội lớn. Có người bỏ hết quần áo, chạy lông nhông như em bé. Có ông bỏ nhà mình qua nhà bên cạnh để hú hí với vợ người khác, và có bà làm ngược lại. Cũng có những người ra đứng giữa phố, hô hào, hùng biện như một chính trị gia hay một nhà giảng đạo.

 

Gió càng lên, sự hỗn loạn càng tăng, mạnh ai nấy sống theo vọng tưởng nhảy múa như con khỉ bay nhảy của họ. Ngày đầu có không khí tưng bừng của lễ hội. Bản thân tôi cũng bị thúc đẩy bởi một huyền lực nào đó, khiến tôi muốn tìm đến người phụ nữ giống Mi Đa để ôm siết thân bà. Nhưng rồi tôi kìm hãm được khi thấy bà đêm hôm ấy vẫn tiếp tục đi khiêng xác người. Cả ông giáo cũng thầm lặng đến từng cánh cửa để đặt những nhánh lavender mà ông đã hái từ cánh đồng đằng sau nhà.

 

tinh yeu mua khi 4

 

Qua ngày thứ hai của mùa khỉ, lực thúc đẩy càng mạnh mẽ hơn, lôi kéo tôi đến gần trang trại của bà. Ấy là lúc tôi được chứng kiến cảnh tượng điên cuồng ở trại. Những bệnh nhân gào thét, cố gắng ngồi dậy hay chạy ra ngoài như muốn sống bên ngoài thân thể đầy tật bệnh của họ. Nhưng họ không thể thoát được thân người, nên càng rên siết khủng khiếp hơn ngày thường. Ở dưới phố, không khí náo nhiệt của hôm trước đã nhường chỗ cho bầu sát khí, nóng hừng hực như lửa từ địa ngục. Có những người cầm dao, súng dáo dác đi tìm kẻ khác để hãm hại. Mặt người thường ngày của họ nay thành mặt quỉ hung ác, đỏ rực như lửa. Đến khi đêm xuống, gió lặng yên, bầy quỉ mới tan biến và rút về nhà để trở lại những con người bình thường. Ông giáo và người phụ nữ giống Mi Đa vẫn làm công việc như hằng đêm.

 

Họ nói mùa khỉ cực mạnh diễn ra đến ba ngày, và lần này là cực mạnh. Sáng sớm ngày thứ ba, cùng lúc những đợt cuồng phong xoáy từ trên không trung lao xuống mặt đất, tôi hoảng hồn tìm nơi ẩn náu khi thấy những người không đầu đi nghêng ngang dưới phố. Những thân người tuy không có đầu có miệng nhưng vẫn phát ra tiếng nói chuyện, ca hát, cười khóc như khi họ còn đầu. Cho dù không thể suy nghĩ vì thiếu đầu, phần cơ thể còn lại vẫn hành động theo bản năng của tâm khỉ. Ở một góc phố, một bà nữ tu áo nâu không đầu đứng ca hát, nhảy múa, tay nắm chặt những bó tiền. Cách đó không xa, một ông giáo sĩ áo trắng cũng không đầu, vừa cười lớn vừa rượt bắt mấy phụ nữ. Chung quanh họ đầy rẫy những kẻ không đầu, sống theo sự sai khiến của những luồng tập khí tiềm tàng trong vô thức.

 

Trước một cửa kính của một tiệm bán hàng, tôi chợt nhận ra chính mình cũng gần như đã mất hết cái đầu, chỉ còn đôi vành tai lờ mờ sắp tan biến vào khoảng không. Đó cũng là lúc tôi không thể đè nén mình được nữa, và phóng chạy đến nông trại để tìm Mi Đa. Người phụ nữ nuôi dưỡng những kẻ bệnh ấy chính là Mi Đa chứ không ai khác, và tôi phải ghì siết thân nàng như từng ao ước suốt mấy mươi năm. Giữa những chiếc giường bên dãy nhà chứa các bệnh nhân, tôi tìm ra Mi Đa đang đứng đó, và rồi tôi lao tới ôm chặt nàng vào lòng, hít má hôn môi như một bệnh nhân điên loạn của nàng.

 

Lạ thay! Mi Đa đã đứng yên không chống cự. Nàng nhìn tôi với ánh mắt hiền từ và cảm thông, như sẵn sàng tha thứ hành động sàm sỡ của một kẻ không còn cái đầu để suy nghĩ. Ánh mắt ấy mỗi lúc một mạnh hơn, tỏa ra một năng lượng dịu mát như một đại dương đang dần bao trùm hết mọi tội lỗi, xóa tan những vết nhơ còn lưu lại trong tâm hồn tôi. Tình thương bao la của nàng đã thu hút tôi thuở nào, và nay chính tình thương đó bỗng mở ra một con đường mới cho tôi. Buông thả đôi tay, tôi tiếp tục nhìn ngắm Mi Đa với lòng ngưỡng mộ lẫn thán phục, không biết rằng cái đầu của tôi đang dần dần hồi phục, hiện về lành lặn như trước. Đêm hôm ấy tôi lại theo nàng đi khiêng từng người bệnh, người sắp chết bị vất bên đường. Tôi ngẫm ra tình thương nàng dành cho tôi cũng bằng tình thương nàng dành cho những kẻ đang sống trong khổ đau, sợ hãi. Tôi không hề biết rằng đêm đó cũng là đêm cuối cùng tôi được sống bên Mi Đa, hay là người phụ nữ giống nàng Mi Đa.

 

Sau ba ngày quần thảo vùng thung lũng, mùa khỉ tan biến không để lại dấu vết. Sáng hôm thứ tư, phố xá lại yên ả như trước, mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Đâu đó có tiếng chào đón, lời hát thánh ca, câu tụng kinh, tiếng rao bán hàng, trẻ em nô đùa trong công viên. Thế nhưng một số người đã biến mất hoàn toàn, trong đó có Mi Đa và ông giáo đạp xe. Đến trại của ông, tôi thấy chiếc xe còn nằm đó mà không một bóng người ở chung quanh. Đằng sau nhà là cả một cánh đồng lavender tím ngát đang chờ người hái. Trong một giây tỉnh thức, tôi như chợt hiểu ra ca khúc “Bông bông” mà mẹ từng hát ngày tôi chào đời giữa một cánh đồng trong đêm đen. Bài hát đó chính là bài học về tình thương bà đã cho tôi, và cũng là ý nghĩa của đời tôi. Trong sự xúc động được tỏa sáng từ trong tâm, tôi hát như mẹ từng hát:

 

Bống bống, bông bông

Bống bống, bồng bồng

Bông bông, bồng bồng

Bông bông, bồng bộng.

 

Nửa khuya hôm ấy, trên đường phố nay vắng bóng Mi Đa và ông giáo già, chỉ còn một mình tôi đạp chiếc xe của ông giáo đi lượm người bệnh, người sắp mất, và mang đến từng nhà những nhánh lavender. Trong đêm vắng chỉ có tiếng đạp xe và tiếng hát của tôi. Khúc ca “Bông bông” miên man vang lên từ tâm tôi như lời ru với ước nguyện mọi khổ đau sẽ được tiêu tan. Cuộc hành trình đi tìm tình yêu cho riêng mình của tôi đã kết thúc ở đây, và một cuộc hành trình mới ban phát tình thương cho muôn loài cũng bắt đầu từ đó, tại nơi đây.

 

 

Hoàng Mai Đạt

 

http://www.gio-o.com/HoangMaiDat.html

 

 

© gio-o.com 2018