tranh Đinh Cường

 

HOÀNG MAI ĐẠT

ĐẠP XE VỚI THANH TÂM TUYỀN

tản mạn

 

Một buổi chiều nọ, đang ngồi ở trong bếp, tôi bỗng buột miệng, “Chắc phải đạp xe lại. Lâu quá không đạp. Sắp dốt đến nơi rồi. Hay là dốt rồi mà mình chưa biết đó thôi.”

Tôi có tật thỉnh thoảng nói lớn ý nghĩ ở trong đầu, độc thoại như một ông vô gia cư tàng tàng, đứng nói lẩm bẩm một mình ở góc phố, hay một thanh niên tửng tửng, đeo máy nghe điện thoại ở trong tai, cười giỡn với bồ ở bên kia đầu dây. Vợ tôi đang nấu cơm ở trong bếp, nghe tôi nói chữ được chữ không, tưởng chồng lại than vãn về cái bụng đang phình ra như cái trống, không còn thon thả, phẳng lép như mấy năm trước. Nàng khuyên, “Ðạp xe không chắc xẹp bụng đâu. Anh nên tập nằm ngửa, ngồi dậy ép bụng lại. Tập mỗi ngày vài trăm lần thì may ra. Tốt hơn hết anh làm ơn bớt uống bia, bụng sẽ xẹp liền. Lười tập thể dục như anh thì còn lâu bụng mới thon.” Tôi đang sợ mình dốt, vợ lại chê tôi lười, bụng to, còn kể tội uống bia. Chúng tôi đang có khác biệt không thể hòa giải, chắc phải “đường ai nấy đi” thôi.

Chuyện dốt của tôi bắt nguồn từ mấy dòng chữ của ông William Howard Gass mà tôi đọc trên mục điểm sách của báo Los Angeles Times. Nhật báo viết hai bài về tác phẩm của William Gass. Ông được đào tạo trong môn triết học trước khi trở thành một tiểu thuyết gia, được biết nhiều hơn qua những bài khảo luận về văn chương, phê bình những tác phẩm lớn từ cổ chí kim, có công khám phá những tác giả không được chú ý, bị lướt qua trong những bài tổng luận. Nhà khảo luận tóc bạc trắng này đã 82 tuổi (2006), chào đời tại North Dakota, dạy ở Ðại Học Washington tại St. Louis trong nhiều năm. Ông có biệt tài phân tích ý nghĩa, ngữ vựng, cấu trúc của từng câu, từng đoạn văn. Ðối với ông, nhà văn mà ông thích là những ảo thuật gia, viết lên một ca khúc với những khái niệm, vui chơi trong kịch tính và vũ điệu của tư tưởng. Ba bài khảo luận của ông đã thắng giải của Nhóm Bình Luận Sách Quốc Gia. Ông được St. Louis vinh danh với một ngôi sao trên vỉa hè dành cho người mang niềm hãnh diện về cho thành phố, như những tài tử được khắc tên tại Hollywood. Tuy viết rất nhiều – bảy cuốn tiểu thuyết kể cả cuốn Ðường Hầm (The Tunnel) đồ sộ được chuẩn bị trong ba thập niên, và mấy tập khảo luận – ông Gass nói rằng ông viết rất khó khăn, không tuôn tràn dễ dàng như những đoạn văn trôi chảy mà người ta được đọc của ông. Bài viết của nhật báo đã có những lời khen, chê về một tuyển tập khảo luận của ông mang tựa đề Ngôi Ðền Của Chữ Nghĩa (A Temple of Texts). Ông Gass được mô tả viết rất sắc bén, tinh tế, đôi khi khoe tài.

Cũng có lúc ông viết rất nhẹ nhàng, thi vị như đoạn sau đây, nhắc tôi nhớ đến chuyện dốt của bản thân: “Mỗi cuốn sách cũng như một chiếc xe đạp: Bạn du hành tùy vào sức mạnh, tiến tới theo tốc độ của chính mình. Chuyến đi của bạn diễn ra trong sự yên lặng, không gây ô nhiễm, không có ai bị nguy hiểm bởi hành trình của bạn – họ không sợ hãi, bị gây thương tích, hoặc bị giết – và tập thể dục như vậy cũng tốt cho sức khỏe của bạn.”

Dạo này tôi đọc sách rất ít, hiếm khi du hành với một chiếc xe đạp như ý của ông Gass. Mỗi ngày tôi vẫn đọc vài chục bản tin có lúc nóng bỏng, đôi khi nhàm chán, bồi thêm những bài phân tích, tường trình địa ốc khô khốc, luôn lạc quan, hoặc bay bổng như sương khói bên trên mặt thực tế. Ðọc thì nhiều, mà thật sự đọc sách không là bao nhiêu. Ngoài nhiệm vụ cặm cụi viết tin ở đài phát thanh, ăn mặc bảnh bao chờ khách cần dịch vụ địa ốc, hiện thời tôi còn xăn tay áo, gồng tay, đảm trách dịch vụ sửa sắc đẹp cho một căn nhà cũ ở gần Los Angeles. Công việc này chỉ cần một bộ đồ cũ, một chút óc sáng tạo để chế biến vật liệu theo hoàn cảnh, và một điều kiện mà tôi có rất ít – mấy bắp thịt cứng, mạnh để nện búa, vặn mỏ lếch. Tuy chưa là một tay thợ chuyên môn, tôi cũng muốn khoe rằng tôi biết tân trang một mái hiên (theo ý kiến tối hậu của vợ), lát sàn nhà với những miếng nhựa vuông (sắp học thêm nghề lát gạch, cưa bằng máy chứ chẳng phải chơi), sơn nhà, lắp cổng sắt, sửa tủ cabinet ở trong bếp, cộng với dăm ba chuyện lặt vặt khác như tỉa cây, cắt cỏ, khiêng mấy tảng đá (cũng theo lệnh vợ). Làng văn đã có nhiều bác sĩ, kỹ sư kiêm văn sĩ, giờ có thêm một ông thợ viết kiêm thợ mộc chắc cũng không sao, chưa giảm phần quí trọng của thiên chức nhà văn. Giữa những lúc cầm búa đóng đinh, cưa xong một thanh gỗ, hay đang lăn sơn lên tường, có khi tôi ngừng tay, vui thích nghĩ đến một đoạn văn, một câu thơ, một chữ lạ trong bài viết của ai đó bỗng trở về trong trí nhớ, đi lạc dăm ba phút vào thế giới thần tiên của chữ nghĩa, rồi lại thầm tiếc không có thời giờ để đọc sách, nhẩn nha vào một cuộc du hành trong yên lặng như đang đạp xe ở miền bình nguyên của ông Gass.

Thật tình thì không phải cuốn sách nào cũng thú vị, tốt cho sức khỏe. Có những cuốn được viết hình như cốt ý hành hạ, tra tấn, chụp bắt người đọc như người bán xe bám riết vào khách hàng. Lỡ bước vào sách mà không kịp chạy ra là bị bức thở cho đến giòng chữ cuối cùng, đọc xong toát mồ hôi, mất ngủ, hôm sau còn hồi hộp. Vớ phải một cuốn tiểu thuyết dở, bố cục lỏng lẻo cũng giống như ngồi xe đạp không có yên, vừa đau thốn mông vừa ráng đạp cho hết mà không biết đi đâu. Cầm một tập thơ mà ngay mấy bài đầu nghe “sến”, bắt chước thơ người khác, thà quăng xe đạp để cuốc bộ chắc còn khá hơn. Cũng có những cuốn sách chính trị gây ô nhiễm tư tưởng, đọc xong muốn phóng xuống đường để biểu tình, cầm bảng, gây sự với người lạ, đập bàn tranh cãi với người quen. Ðụng vào sách phê bình văn học hay sách triết lý đôi khi như đi lạc vào rừng tối mò, chằng chịt chữ nghĩa, tư tưởng dị thường, phải dắt xe đi từ từ, không thể đạp bừa qua những nhánh rễ nằm la liệt, sắp cựa mình như mãng xà dọa phun chữ độc.

Nói thì nói vậy, đọc sách vẫn là một thú vui, một cuộc hành hương đến một ngôi đền mà từ đó những hành trình khác lại bắt đầu. Càng đi xa càng thấy bầu trời thênh thang, bát ngát hơn, thú vị biết bao. Thế nên mấy bữa nay tôi bồn chồn, cảm thấy muốn đạp xe, trở lại một con đường mà tôi hằng yêu thích, cho dù con đường có lúc quá cô độc, phải “hú dài một tiếng lạnh về hư không” như thiền sư Không Lộ từng thốt lên trên một đỉnh núi. Ðọc sách để quên chuyện cơm áo đang bủa vây ở chung quanh, để rời xa những tin chiến sự đang đè nặng, ám ảnh tâm tư như một con quỉ truyền kiếp, để làm ngơ những đổi thay trên thị trường địa ốc mà tôi phải quay cuồng, hối hả bám theo.

Ở căn nhà cũ đang được thoa son đánh phấn, có lúc tôi đã tạm ngưng ráp một cánh cửa vào khung, ngẩn ngơ đôi phút dõi mắt ra ngoài cửa sổ. Bãi đất trống đằng sau nhà đang xanh tươi như một cánh đồng mùa xuân. Những nhánh cỏ vươn cao, ngả nghiêng theo gió như đồng lúa sắp trổ bông. Từng đợt mưa lạnh đã lũ lượt kéo đến từ bắc Thái Bình Dương trong tháng Ba, giúp cây cỏ trồi xanh, mượt mà sau nhiều tháng bị cháy khô dưới nắng. Sân cỏ mọc hoang dại, trải thảm từ tường nhà đến tận hàng rào, lấp kín những gốc cây mà trên nhánh đang trổ bông. Cây lựu bên hông nhà đã chi chít lá non, bóng ửng trên nền trời trong xanh. Nhìn cỏ cây xanh mát, tung tăng vờn nắng, tôi chợt thấy mình có quá ít thời giờ, lòng khô héo như thiếu một cơn mưa, thèm những dòng văn, những giọt thơ lạnh ướt rơi xuống từ trên thinh không bất tận.

Giữa lúc đang khao khát, cần một cuốn sách để du ngoạn, tôi chợt nghe tin nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã từ trần tại miền tuyết Minnesota. Ông mất trưa ngày thứ Tư 22 tháng Ba, 2006. Ðêm hôm ấy, sau mấy giờ cưa đóng vang dội trong căn nhà cũ, về lại Bolsa tôi mới đọc thư email, được anh Nguyễn Xuân Hoàng báo tin sự ra đi của nhà thơ. Tôi email lại anh Hoàng ở San Jose, xin những chi tiết về một thi sĩ thuộc thế hệ đàn anh. Trước khi lên giường ngủ đêm hôm ấy, tôi lục lọi trên những kệ sách ở dưới garage, hy vọng tìm được vài tác phẩm của ông. “Thư viện” của tôi chỉ có cuốn tiểu thuyết Một Chủ Nhật Khác của Thanh Tâm Tuyền, và dăm ba cuốn tuyển tập, khảo cứu có nhắc đến ông. Tôi ghi chép vài chi tiết cần thiết – tiểu sử, tác phẩm, ngày sanh, ngày mất, vài câu thơ tiêu biểu, những ý kiến về thơ, văn của ông – chuẩn bị cho một bản tin mà tôi sẽ viết vào sáng hôm sau.

Bản tin trên đài Little Saigon Radio về Thanh Tâm Tuyền vào trưa thứ Năm hôm ấy đã dài gấp đôi so với những bản tin bình thường. Ðó là bản tin quan trọng nhất trong ngày, được tôi đưa lên hàng đầu, bên trên những tin thời sự như bom nổ ở Baghdad, tham nhũng cá độ tại Hà Nội, biểu tình chống thủ tướng bên Bangkok, phản đối luật lao động tận Ba Lê, bão tuyết, sát nhân, và xăng lên giá khắp Hoa Kỳ. Chiến tranh đến rồi đi, rồi lại đến. Một Thanh Tâm Tuyền chỉ đến có một lần, muôn đời không trở lại. Tin Thanh Tâm Tuyền từ trần đã được hầu hết các nhật báo, tuần báo loan tải tại Quận Cam, kể cả mấy tờ lá cải mà những trang quảng cáo thường dày gấp đôi, gấp ba những trang bài. Các đài phát thanh, truyền hình Việt ngữ cũng nhắc đến ông. Mấy nghệ sĩ, ca sĩ liên lạc tổ chức chương trình ở Quận Cam, Houston, tưởng niệm một người cùng thời hoặc từng có sinh hoạt chung với họ. Ở những địa phương đông người Việt khác chắc cũng vậy – San Jose, Seattle, Virginia, Toronto, và lẽ đương nhiên Roseville, một địa phương ở ngoại ô tây bắc St. Paul, nơi ông sống những ngày tháng cuối đời và được an táng ở đó – cũng có một vài sinh hoạt nào đó, trước đám đông hay trong nơi riêng tư giữa vài người bạn đồng điệu, ghi nhận sự mất mát một Thanh Tâm Tuyền trong nền văn chương Việt Nam.

Sự ra đi vĩnh viễn của một người thường khiến chúng ta giật mình, bước ra khỏi cuộc sống hiện tại, khơi lại quãng đời đã qua của người ấy, như thể duyệt lại quá khứ của chính mình. Ðọc những bài báo về ông tôi có một cảm tưởng mà tôi thường bắt gặp ở chính mình tại nhà quàn, trong lễ an táng của một người thân quen: Có đôi điều tôi chưa được biết, muốn biết và sẽ không bao giờ biết về người quá cố. Một khi xác đã nằm trong quan tài, chung quanh thi thể như toát ra một sự huyền bí, một điều bí ẩn, chuyển hóa thân xác thành một người xa lạ nào khác mà bấy lâu nay từng bị che khuất bởi hơi thở của sự sống. Thanh Tâm Tuyền là ai? từng sống như thế nào? sao ông có thể sáng tác những lời thơ, câu văn như vậy?

Như hầu hết mọi người, tôi “đạp xe” rất ít về Thanh Tâm Tuyền, chỉ biết thêm khi cái chết của ông trở thành tin thời sự trong ngày. Các bài báo chép lại tiểu sử của ông từ trong một cuốn sách nào đó được cất giữ trên kệ đã lâu, hoặc chuyền tay từ báo này qua báo khác. Tôi cũng ghi lại đôi điều về ông, lượm lặt từ trong thư viện riêng của tôi, trích từ mấy bài báo chung của mọi người: nhà thơ này tên thật là Dzư Văn Tâm, chào đời năm 1936 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, di cư vào Nam năm 1954. Tùy theo tài liệu, ông lọt lòng mẹ ngày 13 tháng Ba hoặc ngày 15 tháng Ba. Không nghe ông giải thích về sự khác ngày. Ông từ trần trong tháng Ba, cùng tháng ông đã chào đời. Thanh Tâm Tuyền bị ung thư phổi, nằm trong bệnh viện Regions Hospital tại St. Paul được sáu ngày trước khi khép kín đôi mi, đóng chặt cánh cửa vào tâm hồn ông, không còn “[t]rợn mắt dòm bão trận sinh tử / bủa muôn trùng ánh thép hoa bay” như ông từng khóc kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, người cũng qua đời tại miền bão tuyết Minnesota, trong bài “Khóc Muộn Tuyết Ngưu VKK.”

Thanh Tâm Tuyền viết từ năm 18 tuổi, chủ trương tờ Nguyệt San Việt Lửa. Trong khoảng thời gian từ năm 1956 đến năm 1960 ông dấn thân xa hơn vào văn chương, lập tờ Sáng Tạo với những cây bút cự phách một thời như Mai Thảo, Nguyên Sa, Vũ Khắc Khoan, Tô Thùy Yên, Doãn Quốc Sỹ, Quách Thoại, Lý Hoàng Phong, Lữ Hồ, Trần Thanh Hiệp, Thanh Nam, và mấy cây cọ như Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Tạ Tỵ, Duy Thanh. Ðến năm 1960 tờ Sáng Tạo còn có thêm Cung Trầm Tưởng, Thạch Chương, Dương Nghiễm Mậu. Thanh Tâm Tuyền đã nhập ngũ một thời gian, dạy học cho đến khi Cộng Sản chiếm Sài Gòn. Ðâu đó trong năm 1975, ông viết bài thơ “Ngày Ðến”, bùi ngùi nói lên thân phận của một kẻ thuộc phía chiến bại bị đưa đến trại tù cải tạo Long Giao, Long Khánh trong những ngày tháng tàn cuộc chiến.

Tinh mơ xe đến Long Giao
Ðón người đám cỏ tranh cao bên đường
Trông lên đồi núi mờ sương
Mưa bay tất tưởi mưa rong tần ngần
Tiêu điều ngơ ngác trại quân
Ðất lầy bùn đỏ quánh chân ghê người
Ngổn ngang chiến cụ bỏ rơi
Xanh om bờ bụi tả tơi lũy đồn
Nhà hoang vách trống gió luồng,
Vắng tanh nỗi nhớ dập dồn bóng vang
Ngả lưng trên đất mơ màng
Hé trời trôi giạt ngỡ ngàng tấm thân.

Ông bị học tập cải tạo bảy năm, “trôi giạt ngỡ ngàng” đến những trại tù khác từ Yên Báy, Lào Kay, đến Vĩnh Phú. Theo lời của nhà văn Phan Nhật Nam, đăng trên tờ Việt Báo tại Quận Cam, Thanh Tâm Tuyền đã ở tù Cộng Sản rất lâu, thuộc nhóm tù 776, đoàn Hoàng Liên Sơn, bị đưa ra miền Bắc. Sau khi ra tù, ông về Bình Giã, Phước Tuy để làm ruộng, có lúc viết văn gởi ra hải ngoại với bút hiệu Trần Kha. Trong thời gian lao động khổ sai tại trại K5 Tân Lập, Vĩnh Phú, thi sĩ kể tâm trạng của kiếp người ngang với thú vật:

Người nghe tiếng thở phì phờ của trâu
Tiếng tim đập ù tai ngực nhói
Con vật đói và người cũng đói
Bước mộng du theo nắng lên cao.
Hồi hôm trăng lạnh ngời thanh vắng
Ðêm nay rồi bao đêm nữa
người tù sẽ còn thức trắng.

(Thơ Tặng Bạn Ði Cày)

Rời tù năm 1982, ông đoàn tụ với thân nhân tại Minnesota, sống lặng lẽ, âm thầm ở đó cho đến ngày cuối đời. Thanh Tâm Tuyền để lại những tác phẩm: Tôi Không Còn Cô Ðộc (thơ, 1955); Liên Ðêm Mặt Trời Tìm Thấy (thơ, 1964); Khuôn Mặt (truyện, 1964); Bếp Lửa (truyện, 1966); Dọc Ðường (truyện, 1966); Ba Chị Em (kịch, 1967); Cát Lầy (truyện, 1967); Mù Khơi (truyện, 1970); Tiếng Ðộng (truyện, 1970); Tạp Ghi (phiếm luận, 1970); Một Chủ Nhật Khác (truyện, 1975); và Thơ Ở Ðâu Xa (thơ, 1990). Tuy viết hầu hết truyện và tiểu thuyết trong ba thập niên, Thanh Tâm Tuyền đã mở đầu và kết thúc sự nghiệp bằng một tập thơ. Ở trong ông là một thi sĩ, mặc dù ông viết nhiều tiểu thuyết. Truyện của ông có đầy ắp chất thơ, và người ta nhớ đến ông nhiều hơn qua những bài thơ.

Kèm với những bài viết ngắn về tiểu sử, tác phẩm, vài nhật báo đã đăng bức hình của một Thanh Tâm Tuyền rất trẻ, tươi cười trong bộ vét đen, áo sơ-mi trắng có thắt cà vạt đen. Ông có đôi chân mày dài, rậm, đầy nghị lực. Hình được chụp trong ngày cưới của hai người bạn trong văn giới, Thanh Nam và Túy Hồng. Nhìn Thanh Tâm Tuyền cười miệng rộng, tia mắt tình tứ, người ta khó nghĩ ông có những dằn vặt, xâu xé, bức bí, nghẹt thở trong tâm hồn ẩn mật của ông. Trong một bài viết tưởng niệm sự mất mát của nhà thơ, đăng trên nhật báo Người Việt, nữ ca sĩ Quỳnh Giao cho thấy một khía cạnh của Thanh Tâm Tuyền mà hầu hết chúng ta vì thời gian, không gian và vì hoàn cảnh, không có cơ may được biết. Quỳnh Giao viết:

“Nhà thơ Nguyễn Sa là ông thầy Trần Bích Lan duyên dáng, dạy triết mà khiến học trò mê thơ. Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền là ông thầy Dzư Văn Tâm khắc khổ, dạy Việt văn mà như là dạy triết. Vào lớp, Thanh Tâm Tuyền ngửng lên trời, dạy văn cho lũ học trò mà như đối thoại với Thượng Ðế. Cái chất duy nhất rất người của ông là mười đầu ngón tay vàng những khói thuốc.”

Tuy thơ của Thanh Tâm Tuyền thường được mô tả khó hiểu, tối tăm, ngột ngạt, người ta cũng phổ được mấy bài thơ của ông, để lại những ca khúc nổi tiếng như “Lệ Ðá Xanh” do Cung Tiến phổ nhạc, “Ðêm Màu Hồng” được nhạc sĩ Phạm Ðình Chương lấy từ bài thơ “Bài Ngợi Ca Tình Yêu”, và bài “Dạ Tâm Khúc” cũng do Phạm Ðình Chương.

Bên cạnh những dữ kiện tìm thấy ở mấy cuốn sách, các bản tin trên nhật báo, tôi cũng đọc được đôi ba đoạn của Nguyễn Hưng Quốc viết về Thanh Tâm Tuyền. Có lẽ không có ai hiểu thơ, cảm thơ, giải thích thơ, viết về thơ sâu sắc, hấp dẫn bằng Nguyễn Hưng Quốc. Nhà phê bình này đã viết về Thanh Tâm Tuyền trong cuốn Thơ, V.V… và V.V…:

“Ở miền Nam, thời kỳ 1954-75, nhiều nhà thơ, đi tiên phong là Thanh Tâm Tuyền, muốn kéo thơ ra khỏi thế giới tưởng tượng thơ mộng và hiền lành của Thơ Mới, muốn ‘phá vỡ những giấc mơ quen thuộc… [để] đưa người ta đi tìm sự thật’. Song, dù sao, Thanh Tâm Tuyền cũng không hề đòi trục xuất tưởng tượng ra khỏi thơ để thơ trở thành một tấm gương soi chiếu hiện thực. Ðiều ông cổ vũ là đổi mới cách tưởng tượng: tưởng tượng, với các nhà Thơ Mới, vốn gắn liền với cảm xúc, thường nhẹ nhàng, như những tiếng ru, dẫn người đọc đi xa, ra khỏi cuộc đời; với Thanh Tâm Tuyền, gắn liền với ý thức, chứa đầy dằn vặt, như những tiếng thét, kéo người ta ra khỏi giấc mơ để đối diện với những đổ vỡ, những hỏa hoạn, những thiên tai ngay chính trong tâm hồn của mình. Tưởng tượng, với các nhà Thơ Mới, nghiêng về khía cạnh thoát ly; với Thanh Tâm Tuyền, nghiêng về khía cạnh nhận thức; với các nhà Thơ Mới, nảy sinh từ đời sống nông thôn, với Thanh Tâm Tuyền, từ đời sống thành thị; với các nhà Thơ Mới, mang màu sắc lãng mạn chủ nghĩa, với Thanh Tâm Tuyền, mang màu sắc hiện đại chủ nghĩa.” (trang 105-106)

Cũng trong cuốn Thơ, V.V… và V.V… xuất bản năm 1996, Nguyễn Hưng Quốc viết ở trang 185: “Trước, nhà thơ tự coi mình như một kẻ có phẩm chất đặc biệt và cao cả, khác hẳn phàm trần, không thể có tri âm giữa trần, nên chỉ trò chuyện với vũ trụ, với trăng sao. Nay, ngược lại, nói như Thanh Tâm Tuyền, ‘người làm thơ… chỉ là tên ăn mày lẩn giữa đám đông khốn cùng với một mẩu tự do còn sót lại.’”

Trước đó, vào năm 1989, Nguyễn Hưng Quốc có viết về Thanh Tâm Tuyền trong cuốn tiểu luận Nghĩ Về Thơ từ trang 54 đến 56:

“Ở miền Nam trước năm 75, dường như nhiều lúc Thanh Tâm Tuyền cũng muốn thăm dò cái cõi tiềm thức ẩn mật trong một số bài thơ đến nay vẫn bị coi là tối tăm. Thử đọc bài thơ số 9 trong chùm ‘Ðêm’ in trong tập Liên Ðêm Mặt Trời Tìm Thấy:

Một giọng trầm đêm
Niềm cô độc sâu
Nét nhạc xanh cung thương đen
Mi mắt trĩu mùa đông cũ
Cái chết bốc hơi
Tiếng kèn rách vô hình dáng
Người con gái áo đen xõa tóc ngất
Hai cánh tay dài quằn quại hai con trăn hiền lành
Không khí nhiễm độc
Ðập vỡ
Quá khứ hỗn xược trên da trống
Ném miểng chai lên mặt trời mù
Nói thầm nói thầm
Mùa rét mướt
Thời gian dần trừ khử
Giọng như hơi cháy dưới sình lầy
Nhát búa hoảng hốt
Tương lai thét đớn đau
Lửa ma trơi vụt tắt
Tiếng cười dữ tợn
Người con gái áo đen
Thổ máu
Cái chết bốc hơi chóng mặt
Nôn xuống chân giận hờn sỏi đá
Ðập vỡ đập vỡ đập vỡ đập vỡ
Niềm cô độc sâu
Giọng trầm đêm hút.

“Bài thơ viết về đêm tối. Trọn vẹn một đêm tối. Từ lúc khởi sự đêm đến lúc tận cùng đêm. Ðêm mưa rơi lâm thâm. Như những tiếng nói thầm. Mưa không đủ lớn để nền trời thành đặc quánh hẳn. Người ta vẫn thấy, mờ thật mờ, trên cao, một vài vì sao thưa thớt như những mảnh chai lấp lánh. Bóng tối được ví với một người con gái. Ðêm xuống: ‘người con gái áo đen xõa tóc ngất’. Rạng đông hừng lên: ‘Người con gái áo đen… thổ máu’. Ðêm bị đồng hóa với cái chết. Ðêm càng sâu, những tiếng nói, tiếng động càng dần dần tắt: ‘Thời gian dần trừ khử. Giọng như hơi cháy dưới sình lầy’. Chỉ còn lại, nặng nề trong những người thao thức, ‘niềm cô độc sâu’.”

Nguyễn Hưng Quốc viết rất lôi cuốn, gợi nhiều ý tưởng, đưa người “đạp xe” đi vun vút từ đầu đến cuối sách của ông một cách tài tình, nhiều sinh khí. Về mặt phê bình thì tôi không thể viết như thế. Cảm được những điều tác giả muốn diễn tả cũng đủ… mệt, hụt hơi, huống hồ phải hiểu và trình bày lại cho người khác cũng hiểu như vậy quả là khó.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên viết có mấy chữ về Thanh Tâm Tuyền mà viết cũng không xong, chưa hết ý. Ðến Mỹ năm 1975 ở tuổi mới lớn, mỗi khi giành dụm được một chút tiền, tôi mua mấy dĩa nhạc Mỹ và gởi thư mua sách tiếng Việt từ nơi xa. Dần dần kệ sách của tôi cũng lên vài chục cuốn. Lúc đó tôi quí sách vô cùng, không để sách bừa bãi, chất đống dưới garage như hiện nay. Tủ sách nằm bên cạnh giường (thật sự thì nhà chật, không để sách gần giường thì không còn chỗ nào khác). Bìa của mỗi cuốn sách được tôi dán một lớp giấy plastic trong suốt, giúp cho bìa được bền hơn, sách được thọ hơn mặc dù in bìa mỏng, giấy xoàng.

Một trong những cuốn được tôi nâng niu, cẩn thận bọc bìa là bộ hai cuốn Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta. Mua bộ sách này tiện, được đọc truyện của 45 tác giả mà giá chỉ có $16 đồng, cộng thêm cước phí. Mỗi tác giả không tới 50 xu. Thời đó tôi còn rảnh rang, bạn gái chưa có, còn đi học, đi làm bán-thời-gian, chưa có công việc chính thức, cũng chưa có Internet để chat với ai, nên còn thời giờ để đọc sách. Ðọc xong truyện của mỗi tác giả trị giá 50 xu, tôi thường dùng viết chì để ghi chú vài chữ, giỏi lắm thì được một, hai dòng ý kiến ở cuối trang. Khi biết Thanh Tâm Tuyền đã lìa trần, tôi tìm lại cuốn Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta, tập 2, xem thử mình đã viết gì về truyện của ông ấy.

Ðọc lại mấy dòng chữ viết hơn hai-mươi năm trước cũng giống như xem lại một bức hình, thấy mình tóc tai, quần áo dị hợm, cười ngô nghê mà tưởng đẹp trai, gồ ghề lắm. Ở cuối truyện ngắn “Dọc Ðường” của Thanh Tâm Tuyền, tôi đã viết mấy dòng chữ như sau: “Hay! Tác giả thu hút người đọc từ lúc có người đàn ông lạ kia. Không khí yên lặng rồi từ từ ngột ngạt dần lên như sắp sửa có gì to lớn xảy ra. Thời gian chọn rất mới lạ (đối với những truyện ngắn khác).”

Truyện “Dọc Ðường” kể một người đàn ông đi tìm người em làm việc ở một đồn điền cao su. Ông xuống xe đò lầm địa điểm, chờ xe khác không có, cũng không ai cho ông nương tựa, cho ngủ qua đêm dù chỉ xin ngủ trên sàn đất. Một bà chủ quán, một ông thợ sửa xe biết khẩy đàn, một bà lão tu hành, ai cũng sợ dung chứa một người lạ. Cho dù biết ông nói thật, họ cũng sợ bị liên lụy tại một miền quê đang bao trùm trong không khí chiến tranh.

Lần thứ nhì trong đời tôi được “gặp” Thanh Tâm Tuyền, đạp xe với ông là cuốn tiểu thuyết Một Chủ Nhật Khác. Ðây là truyện tiểu thuyết cuối cùng của ông, xuất bản vào năm 1975, được Văn tái bản tại California năm 1983. Văn là nguyệt san, cơ sở xuất bản của ông Mai Thảo, bạn thân của Thanh Tâm Tuyền. Một Chủ Nhật Khác kể một truyện tình say đắm, vô vọng của Kiệt trong một mùa hè nóng bỏng, hối hả chìm giữa bầu không khí của súng đạn, bom lửa.

Bên ngoài thư viện quá nghèo nàn của tôi, đâu đó tôi tìm được bài thơ “Dạ Khúc” của ông:

“Anh sợ những cột đèn đổ xuống
Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta
Bóp chết mọi hy vọng
Nên anh dìu em đi xa

Ði đi chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau

Ði đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Ðể anh được làm thi sĩ
Hay nửa đêm Hà Nội
Anh là thằng điên khùng
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới
Chiếc kèn hát mãi than van
Ðiệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng
Tuổi trẻ sao quá buồn
Như con mắt giận dữ
Tuổi trẻ sao quá buồn
Như bàn ghế không bầy

Thôi em hãy đứng dậy
Người bán hàng đã ngủ sau quầy
Anh đưa em đi trốn
Những dày vò ngày mai .”

“Dạ Khúc” có lẽ là bài thơ nổi tiếng nhất, được người ta nhắc đến mỗi khi nói về Thanh Tâm Tuyền. Nếu hiểu tiếng Việt, đọc được thơ của Thanh Tâm Tuyền, chắc nhà tiểu thuyết và phê bình William Gass ở St. Louis cũng thích chí, tấm tắc khen ông là một “ảo thuật gia, viết lên một ca khúc với những khái niệm, vui chơi trong kịch tính và vũ điệu của tư tưởng.” Trong lễ truy niệm trước ngày an táng thi sĩ, người ta được nghe vài trích đoạn trong những tác phẩm của ông. Họ được nhìn thấy trong trí tưởng tượng những vũ điệu của chữ nghĩa, của tình yêu do chính ảo thuật gia Thanh Tâm Tuyền cống hiến.

“Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát / Sớm mai khua thức nhiều nhớ thương.”

Hay

“Tiếng ngàn năm em gọi / Yêu nhau hết một đời.”

Thêm nữa

“Ngày chưa lên gió cuồng trong hắt hủi / Bạn bè chia tay ném bỏ lại cô đơn.”

Chiều hôm ấy cuối tháng Ba, trời đang mưa lớn ở Quận Cam. Ðường Bolsa mờ ẩn dưới mây mưa, chìm lại vào giấc ngủ trong một ngày không có nắng. Sau giờ làm việc ở đài phát thanh, tôi lái xe hấp tấp xuống phố, đội mưa chạy vào một tiệm sách trong sứ mạng kiếm thêm những tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền. Cơn thèm đạp xe với sách đã tràn lên trong tôi. Tiệm Văn Bút nằm trong trung tâm của phố Bolsa. Tôi ngạc nhiên khi nghe chị Mai nói tiệm không có cuốn nào của Thanh Tâm Tuyền, ngoại trừ truyện Tiếng Ðộng. Chị lục lọi một hồi trong kệ sách khuất trong góc tường, cầm ra cho tôi một cuốn sách mỏng, bìa tím. Cuốn Tiếng Ðộng này được chụp lại từ ấn bản trước năm 1975, nét chữ không sắc sảo. Tôi xem giá $6 đồng ở bìa sau, tính lấy tiền trả. Chị Mai xua tay, nhất định tặng sách cho tôi. Thấy chị lắc đầu, nói “Thôi” đến ba lần, tôi đành cầm sách, không biết tính sao cho sòng phẳng với chị ngoài lời “Cám ơn” lúng túng ở trong miệng. Thỉnh thoảng tôi vẫn ghé Văn Bút để đưa sách của tôi cho chị bán. Có lẽ từng đọc bài, biết tôi là một chủ tiệm sách thất bại, viết sách không khá tiền, nên chị tặng cuốn sách, không muốn lấy tiền của một ông nhà văn nghèo? Tôi kẹp sách trong nách, đội mưa chạy ra ngoài xe.

Gần đó, trong khu Phước Lộc Thọ có tiệm sách Văn Khoa. Tôi lại dầm mưa, phóng nhanh mình băng qua bãi đậu xe. Nghe tôi hỏi, anh Tuân lắc đầu, nói tiệm không có cuốn nào của Thanh Tâm Tuyền. Anh thở dài trong lúc ngồi đằng sau quầy nhạc, nói chậm rãi với nét mặt chán chường. Tiệm Văn Khoa có địa điểm tốt nhất so với những tiệm sách khác, nằm gần cửa ra vào của thương xá Phước Lộc Thọ, nơi mà hầu hết người Việt từ khắp nơi từng đặt chân đến nhân dịp đến khu phố Little Saigon. Trời đang mưa, tiệm chỉ có hai ông khách đang đứng thọc tay trong túi quần, vừa liếc nhanh mấy tựa sách vừa nhìn ra ngoài, như chờ tiếng gọi của vợ là dzọt ra đưa bà ấy đi chợ khác, mà tôi – một ông khách đầu ướt, đeo kiếng cận lốm đốm những giọt mưa không biết có thấy đường hay không – lại hỏi sách Thanh Tâm Tuyền thì chủ tiệm thở dài cũng phải.

Từ đường Bolsa, tôi lái xe trong mưa qua đường Brookhurst, ghé tiệm Tự Lực. Tiệm này có nhiều sách nhất trong vùng. Tuy vậy, sau một hồi bấm máy điện toán, cô bán hàng cho biết tiệm chỉ có tập Thơ Ở Ðâu Xa và cuốn Tiếng Ðộng. Chỉ có vậy. Không có Tôi Không Còn Cô Ðộc, Bếp Lửa, hoặc Liên Ðêm Mặt Trời Tìm Thấy. Tôi trả tiền mua Thơ Ở Ðâu Xa, bỏ ý định ghé hai tiệm sách còn lại trong phố Bolsa. Tiệm Tú Quỳnh kỳ cựu, mở cửa từ ngày phố Việt mới hình thành. Tiệm Văn Nghệ mở sau, cũng có nhiều sách. Tuy vậy, tôi không nghĩ hai tiệm này còn cuốn nào khác ngoài Thơ Ở Ðâu Xa và Tiếng Ðộng. Thủ phủ của người Việt tị nạn không còn một tập thơ, một cuốn truyện nào của một người có danh tiếng trong làng văn chương. Ở đây không có thì còn tìm ở đâu? Không riêng gì sách của Thanh Tâm Tuyền, tác phẩm của nhiều thi sĩ khác cũng không chắc còn bày bán tại Quận Cam. Thơ khó bán, ít người mua, tiệm không có đủ chỗ ở trên kệ để chứa hết các tác phẩm. Còn vài lý do chính đáng khác, lót đường cho hành trình hẩm hiu của người làm thơ, đùa với chữ nghĩa.

Tôi ôm hai cuốn sách về nhà, chờ mong một chuyến du hành với Thanh Tâm Tuyền, nôn nao muốn biết thơ ông có còn dằn vặt, trăn trở, lạ thường như mấy chục năm trước. Thơ Ở Ðâu Xa là tác phẩm cuối cùng của Thanh Tâm Tuyền, gồm những bài thơ, đoản văn từ 1975 đến 1990. Ở Thơ Ở Ðâu Xa, tôi tìm thấy sự lắng đọng, chấp nhận, bình an trong tâm hồn ẩn mật của thi sĩ, không còn “khua thức”, không giục dã, hối hả đến nỗi “Anh đưa em đi trốn / Những dày vò ngày mai” mà ông từng trải trong một thời trẻ nhiều khuấy động, đuối hơi bơi tìm hạnh phúc trên một đất nước chìm đắm trong chiến tranh. Tuy tập thơ đầu và tập thơ cuối ra đời cách nhau gần bốn thập niên, tôi vẫn nghe ở ông một nỗi niềm thương nhớ, một nỗi buồn không chỉ riêng có ở tuổi trẻ mà thôi, của những người nhận thức sự cô đơn, phù du trong cuộc sống, trong kiếp người. Tôi đọc đi đọc lại đôi, ba lần bài “Ngã Trên Núi Việt Hồng Ở Yên Báy Khi Ði Vác Nứa”:

“Tuột dốc té nhào trên hẻm núi
Chết điếng toàn thân trong giây lâu
Mưa rơi đều hạt mưa phơi phới
Ngày đang tàn hiu quạnh rừng sâu

Duỗi soải chân tay gối trên nứa
Ngó trời nhá nhem nghe mưa mau
Tưởng chừng thi thể ai thối rữa
Hồn viển vông chẳng chút oán sầu

Mưa giăng tấm lưới trắng dầy khít
Làng xóm dưới núi ở phương nào?
Gió lạnh tái tê bó liệm chặt
Lả thiếp người quên bẵng sước đau

Ðầm mình trong hạnh của ẩn mật
Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu
Dò dẫm lối về đêm tối mịt
Sông xa núi thẳm quê nhà đâu?

Tôi cảm nỗi đau thấm thía của thi sĩ. Ông bị té nhào, chết điếng toàn thân ở một nơi hoang vắng, vậy mà trời đất vẫn như vô tình, “rơi đều những hạt mưa phơi phới”, rớt xuống một thân phận hiu quạnh nằm giữa rừng sâu, “mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu”. Ngoài tựa đề của bài thơ nhắc đến địa danh, gợi ý hoàn cảnh – “Ngã Trên Núi Việt Hồng Ở Yên Báy Khi Ði Vác Nứa” – mười-sáu câu thơ không cho biết thời thế nào đã đưa đẩy ông lâm vào tình trạng phải vác nứa ở trên núi, vác quá nặng đến nỗi bị té nhào, “lả thiếp người quên bẵng sước đau.” Trong bài thơ này cũng như trong suốt tập Thơ Ở Ðâu Xa, người đọc không thấy những dòng chữ nhắc đến việc ông bị đày đọa bảy năm trong các trại tù của Cộng Sản. Thi sĩ không trách mắng, nguyền rủa một chế độ ác độc, cũng không trốn chạy số phận bất hạnh, chỉ ghi nhận hậu quả của nghịch cảnh đối với nội tâm. Ông chấp nhận định mệnh, sẵn sàng “duỗi soải chân tay gối trên nứa”, “đầm mình trong hạnh của ẩn mật”, để rồi tha thứ với “hồn viển vông chẳng chút oán sầu.”

Ðâu đó trong những bài báo, tôi được biết sáu người bạn thân của ông, cũng là những tên tuổi lớn trong giới sáng tác, đã khiêng linh cữu của nhà thơ đến huyệt mộ. Ðó là Cung Tiến, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Cao Ðàm, Nguyễn Ngọc Diễm, Vũ Xuân Châu, và Tô Thùy Yên. Ðặc biệt, chi tiết về tình bạn giữa hai nhà thơ làm tôi chú ý. Nghe tin bạn mất, thi sĩ Tô Thùy Yên đã lái xe suốt đêm, suốt ngày từ Houston, Texas đến Roseville, Minnesota. Hai bạn thơ từng biết nhau gần nửa thế kỷ trước. Trong chuyến đi vội vã, dài hơn 1,200 dặm từ miền nam hướng lên miền bắc, nhà thơ Tô Thùy Yên chắc ít nói, đè nén những cảm xúc, nên ông không thể giằn lại những giòng lệ giàn giụa trước linh cữu của bạn tại một nhà quàn. Trong buổi lễ tưởng niệm, Tô Thùy Yên đã đọc bài thơ “Chia Tay Ải Tây” mà ông từng sáng tác tặng Thanh Tâm Tuyền. Bài thơ đã viết lời từ biệt giữa đôi bạn như được biết từ mấy năm trước: “Mới độ nào chia tay ải Tây / Ði đâu hay chỉ cốt rời đây?”

Nhìn hình ảnh những người bạn buồn bã tiễn đưa Thanh Tâm Tuyền đến nơi an nghỉ thiên thu, tôi mừng thấy ông được may mắn trong tình bạn, đồng thời chợt nghe một thoáng ngậm ngùi cho số phận của những người dâng hiến đời mình cho chữ nghĩa, lùng kiếm một thứ hạnh phúc vô vọng trong văn chương. Người đời, trong đó có tôi, thường chỉ nghĩ đến những người viết, những kẻ sáng tạo, những nhà ảo thuật của chữ nghĩa một khi họ mới qua đời, trở thành tin thời sự. Ðây đó người ta tổ chức chương trình tưởng nhớ trong lúc tình cảm dành cho người quá cố còn đầy ắp, sôi nổi. Dần dà theo thời gian người ta quên mất nhà thơ, như họ từng lãng quên khi thi sĩ còn sống. Nghĩa trang ở Quận Cam đã đón nhận những thi sĩ Mai Thảo, Nguyên Sa, và Nguyễn Tất Nhiên. Mấy ai còn tưởng niệm, còn bước vào tiệm sách hỏi mua thơ của họ?

Trong một ngày bệnh đầu tháng Tư, không thể viết tin với những trận ho sù sụ, không thể đón khách bên văn phòng với giọng nói thều thào, nghẹt mũi, đượm mùi thuốc ho, và chắc chắn không đủ sức lái xe đến căn nhà cũ để cầm mỏ lếch vặn lại ống nước, tôi đành quanh quẩn ở trong nhà, chờ được vợ nhắc uống thuốc, ăn cháo, đắp mền. Không biết người khác bị cảm cúm thì sao, riêng tôi, tôi hay bị khó ngủ, trăn trở vì sốt nóng hoặc ngầy ngậy vì bị thuốc hành, càng nằm lâu trên giường tôi càng cảm thấy đau nhức nhiều hơn, muốn bệnh thêm. Trong những ngày bị bệnh như vậy, tôi thường ngồi yên một chỗ cho đỡ chóng mặt. Ðó cũng là lúc tôi không thể làm gì khác ngoại trừ đọc sách, nếu còn đủ sức để cầm sách trên tay. Lần bệnh này tôi ngồi ở phòng ăn, lần giở cuốn Tiếng Ðộng mới mua chiều mưa hôm nọ.

Chương một mở đầu với dòng chữ: “Tôi biết tôi không thể ngủ trở lại. Cốc cà phê đặc uống buổi tối ngoài quán đã bắt thao thức đến quá nửa đêm. Mỗi lần mất ngủ tôi nghĩ lắm điều kỳ cục. Ðầu óc quay như bộ máy lúc nhanh lúc chậm, quay dưng không chẳng ngừng.”

Truyện tình Tiếng Ðộng bắt đầu như vậy, lăn chuyển bánh xe đưa tôi vào thế giới của Thanh Tâm Tuyền. Tôi như quên cơn bệnh, đạp xe với ông trở về một khung cảnh và thời gian của hơn 30 năm trước. Một cuộc hành hương đầy lý thú, diễn ra trong yên lặng, mỗi lúc một xa hơn bên ngoài một phòng bếp ở phố Bolsa, mỗi lúc một gần hơn đến một ngôi đền của chữ nghĩa, và từ đó tôi lại tiếp tục những chuyến du hành khác trên cõi vĩnh hằng.

 

Hoàng Mai Đạt

2006