HOÀNG MAI ĐẠT

Ông Vua Quét Đường

 

Tựa của bài viết này đến với tôi gần ba năm trước, đến rồi ở lại, ở luôn trong đầu, nhẩn nha, đùa giỡn, không chịu rời đi nơi khác, lại còn thách tôi hãy nặn óc để viết một bài tạp ghi với cái tựa “trên trời rơi xuống” như vậy. Thỉnh thoảng một vài hình ảnh, ý tưởng, hoặc một câu nói nào đó bất chợt khởi lên trong lúc tôi đang lái xe, cắt cỏ, ăn cơm, rửa chén, tỉa cây, hay đang nài lưng viết tin để kiếm sống, khiến tôi đuổi theo tâm tưởng ấy như muốn nhìn ngắm một cánh bướm lạ vừa bất chợt ghé ở sân sau trên một hành trình muôn dặm.

Vợ tôi đã quen với lối suy nghĩ lan man của chồng, tật nói chưa hết câu bỗng quay sang ý khác, có khi ngồi im lặng như không biết có người khác đang ở chung phòng. Đối với dăm ba người bạn còn sót lại ở cái tuổi mà tôi đang dấn bước độc hành xa hơn trong miền rừng núi của nội tâm, và không chừng đã đi lạc, tôi e họ thấy tôi sao bất lịch sự hoặc có tâm lý bất thường. Nên cho hắn uống vài viên thuốc an thần, chứ mấy chai bia chắc chắn không đủ để giữ chân hắn ở nhà, không chừng hắn lại lang thang dưới phố Bolsa vung tay nói lẩm bẩm một mình như một ông điên. Phố Bolsa đã có nhiều ông, và bà, như vậy. Thêm tôi không chắc mấy ai biết.

Hầu hết những tâm tưởng rơi vào đầu thường biến mất sau một thời gian ngắn, có khi nhanh trong tích tắc khiến tôi không kịp viết xuống để đưa vào một bài viết, và nếu có vương vấn thì cũng dài lắm là một hoặc hai ngày. Sau đó tôi quên phứt, ráng nhớ lại cũng không thể nào tìm ra, khó như kiếm một chiếc lá trong muôn vàn chiếc lá từng bay ngang khung trời viễn mộng. Vậy mà “Ông Vua Quét Đường” đã ở lại với tôi quá lâu, ở lì như một món nợ từ kiếp nào, thúc bách tôi phải quan sát, nhìn ngắm nó trong một thế giới tưởng thầm lặng mà luôn dồn dập với những cơn bão của xúc cảm biến hóa thành những đám mây đen bất tận. Mỗi lần trở về từ cõi sóng gió,  tôi liếc thấy “Ông Vua Quét Đường” vẫn bám sát ở đằng sau lưng như muốn theo dõi tôi ở một góc phố trong đêm khuya vắng. Dù được thương hay ghét, “nó” cũng đeo sát tôi.

Mà phải chi cái tựa này đẹp như một cô gái xinh xắn thì nó muốn ở với tôi bao lâu cũng được, có sao đâu, tôi còn yêu đời và yêu… người mà. Đằng này nó như một gã vô gia cư hôi hám, từ đâu leo vào tâm trí tôi và dựng lên một cái chòi để ở tạm mấy… trăm đêm. Nói nó xấu xí thì cũng quá đáng, gây thêm tội không chừng. Thật tình, vì không xóa tan được nó trong đầu, nghĩ hoài không ra một vài biết với cái tựa đề từ trên trời rơi xuống ấy, nên tôi đâm ra bực mình, quạu quọ, gắn cho nó một hình thù không được đẹp. Tôi loay hoay mà không biết cách nào để “đuổi” nó đi nơi khác.

Nó “nhảy” vào đầu tôi trong một buổi chiều mùa đông trên đường lái xe từ tòa soạn về nhà. Công việc hôm ấy cũng gây mệt óc như mọi ngày, nên tôi mở nhạc ngay sau khi nổ máy xe và chờ nghe một nhạc khúc nào đó trên đoạn đường về nhà từ phố Bolsa. Hầu như lúc nào cũng vậy, nghe nhạc giúp cho tâm tư tôi được nhẹ hơn, vơi bớt những ưu phiền chồng chất từng ngày. Có khi nghe nhạc giúp trí tưởng tượng của tôi được tung bay trên bầu trời xanh vô tận, như những cánh chim vừa được phóng thích bay lao xao ở một sân chùa.

Chiều hôm ấy tôi vặn trúng một đài nhạc trẻ nào đó mà tôi không nhớ làn sóng. Một ca khúc trỗi lên với nhịp điệu hùng mạnh mà lời hát lại nghe như than trách bi ai. Ở Mỹ mấy chục năm mà khả năng nghe nhạc tiếng Anh của tôi vẫn kém lắm, không hiểu hết ý nhạc muốn nói lên điều gì, chuyên chở một thông điệp nào chăng. Nhưng mà tôi cảm được giọng hát xót xa của một nam ca sĩ, và nhớ hoài đoạn đầu của bài hát thời thượng mà sau này tôi được biết là bài “Viva La Vida” của nhóm Coldplay. Đoạn mở đầu của ca khúc ấy có mấy dòng mà tôi tạm dịch như sau:

Ta từng thống trị thế gian
Đại dương phải dậy sóng khi ta ban lệnh
Giờ đây mỗi buổi sáng ta nằm ngủ một mình
Quét những con đường mà ta từng làm chủ.

Lời nhạc dẫn dắt trí tưởng tượng của tôi “tung bay” lên cao, dáo dác tìm phương hướng ở trên cao, xong cúi xuống và chợt nhìn thấy một ông vua đang lầm lũi cầm chổi quét đường vào một buổi sáng tinh sương. Ông vua này có vẻ buồn bã trước cảnh đổi đời ở một thời nào đó. Tay quét rác mà mắt thẫn thờ nhìn lại sau lưng. Hình ảnh ấy bám riết ở trong đầu, khiến tôi quyết định phải viết một bài với cái tựa “Ông Vua Quét Đường” như để trả nợ cho được yên thân.

Thế nhưng muốn viết cũng đâu phải dễ. Tôi thường mở một bài viết dựa trên một ý tưởng mông lung, xong để ngòi bút (hay đúng hơn là phiếm đánh chữ) bay nhảy tùy hứng trên những cành lá đến một phương trời mà lúc khởi đầu tôi không hề biết. Khi đặt dấu chấm ở cuối bài, tôi mới quay về điểm khởi hành, suy ngẫm tìm một cái tựa “hay hay” cho bài viết. Lần này thì ngược lại, tôi đã có sẵn một cái tựa mà không biết phải “sáng tác” như thế nào để có một nội dung phù hợp với cái tựa ấy. Khó như có sẵn một bộ áo để mặc mà không biết phải bóp thắt cơ thể mập ù, đầy rẫy những lớp mỡ như thế nào để lọt vừa bộ áo đó.

Thế rồi tôi khất lần từ ngày này sang ngày khác, tuần nọ qua tuần kia, chờ đợi một ngày thật sự thảnh thơi cả thể xác lẫn trí óc để có thể ngồi vào bàn viết. Lười như vậy nên tôi bị mấy bạn văn chê như thể khuyến khích, mà không chừng là chê thật, rằng tôi viết thưa thớt, không đều tay, sáng tác yếu quá, biết đến bao giờ mới có một tác phẩm mới cho bà con đọc giải trí giữa giờ làm việc, hoặc trong phòng vệ sinh. Bài viết của tôi thường rất ngắn, bạn có thể đọc hết trong vòng mười-lăm phút xong trở vào để đấu đá tiếp với chủ hoặc đồng nghiệp. Họ trách cũng phải. Nhưng viết siêng hơn thì tôi không làm nổi, vì những giới hạn mà tôi chưa thoát ra được. Chuyện cơm áo, trách nhiệm đối với những người thân, sức khỏe không còn sung mãn như hai mươi năm trước, lúc nào cũng dường như thiếu ngủ. Biết vậy nhưng tôi vẫn thiết tha với viết lách như thể nhận ra đó là ngọn nến duy nhất mà tôi có thể thắp lên để soi đường tìm lối trong một miền rừng tăm tối đầy những cám dỗ của dục vọng.

Ý tưởng “Ông Vua Quét Đường” đến đúng lúc tôi đang xoay sở trong một giai đoạn chuyển tiếp giữa hai công việc, không thể dành thời giờ để rong chơi với ý tưởng đó và giúp nó thành hình trên những trang giấy. Khi ấy tôi vừa rời bỏ những thói quen cũ ở đài Little Saigon Radio, đang tập những thói quen mới ở nhật báo Người Việt. Thời buổi này người ta “được” hoặc “bị” đổi việc xảy ra thường như cơm bữa, trường hợp của tôi cũng không khác hàng triệu công nhân xưởng điện tử, nhân viên các ngân hàng, những cô làm móng tay, mấy anh bán xe. Tuy không kinh khủng như cuộc đổi đời sau năm 1975 của người tị nạn Việt Nam trên xứ Mỹ, tôi cũng bận tâm không ít về sự thay đổi trong công việc hàng ngày cũng như sự điều chỉnh tâm trạng thích ứng của chính mình.

Chuyện viết báo xem ra là chuyện dễ thích ứng nhất, từ viết tin cho người ta nghe trên làn sóng phát thanh chuyển qua viết tin cho người ta đọc trên trang giấy. Kỹ thuật viết có khác, như sửa xe du lịch khác với sửa xe vận tải, nhưng rồi đâu cũng vào đó, cũng cầm mấy cái cây mỏ lết để vặn mấy con ốc, siết cho câu văn được ngắn gọn, khòm lưng cong như chữ C chúi vào đầu máy, lúi húi đọc mấy bản tin ngày tám tiếng rồi cũng xong việc, mỗi tháng hai lần cầm tiền lương trao cho vợ với niềm hãnh diện của một người lao động lương thiện.

Có điều làm việc ở các cơ sở truyền thông mang đến cho tôi một cái nhãn hiệu mà tôi không thoải mái cho lắm mỗi khi nghe người khác giới thiệu về mình: nhà báo. Tôi chỉ là một “thợ viết,” sang lắm là “người viết,” chứ “nhà báo” thì hách quá, tôi không dám nhận. Khi nào có anh thợ sửa xe được gọi là “nhà sửa xe” thì tôi sẽ nhận cái mác “nhà báo” để đeo trên cổ áo như người ta đeo lon trong quân đội. Tôi viết tin, không muốn chen chân vào một chiến địa tuy không có tử thi mà vẫn tanh mùi máu của sự chém giết bằng ngòi bút, đầy rẫy những thây người chết đi sống lại trong một cuộc xô xát triền miên của sân hận.

Nãy giờ viết lãng sang chuyện khác, một phần cũng để chia sẻ nỗi niềm của một người viết tầm thường như tôi bị lưu đày giữa chợ viết lách. Tôi vốn có bản chất thích sống thầm lặng, tránh nơi ồn ào, ngay cả tiệc tùng của bạn bè tôi cũng né nếu né được. Bản chất này nẩy nở trong tôi có lẽ xuất phát từ thời niên thiếu lớn lên giữa chợ ở Nha Trang. Thuở ấy hầu như ngày nào tôi cũng nghe người ta ăn thua đủ trong công việc mua bán, trả giá, chứng kiến cảnh trộm cắp, căi nhau, đánh nhau, nên tôi rất chán ngán cảnh chợ. Hạnh phúc nhất thời ấy là lúc mẹ tôi thuê được một căn nhà ở xa khu chợ, nơi hai anh em tôi được bảo bọc giữa bốn bức tường với một vườn cây tươi mát. Thế nhưng ba mẹ con sống trong căn nhà thuê ấy chỉ được vài tháng trước khi chúng tôi phải trở về quán chợ.

Với chút khả năng viết lách, tôi bước vào nghề viết tin cho đài phát thanh một cách tình cờ qua lời giới thiệu của mấy người từng biết tôi viết tin cho báo. Một chút tình cờ thôi mà cũng kéo dài hơn 13 năm. Thích nơi yên tịnh, tôi chọn bàn viết ở trên lầu sát bên cửa sổ khi đài phát thanh còn đặt trụ sở ở Santa Ana. Các xướng ngôn viên, chuyên viên âm thanh, thư ký và khách đến thăm đài đều sinh hoạt ở tầng dưới, vui nhộn hơn so với tầng trên nơi chỉ có mấy cái bàn và dụng cụ văn phòng. Đến khi có thay đổi trong nhóm chủ đài, và đài dọn về gần khu phố Bolsa, tôi tìm nơi ẩn cư trong một góc phòng tận cùng phía sau cơ sở. Khách khứa và thân chủ của đài thường tụ tập, họp bàn ở phía trước, ít khi ghé phía sau, nên tôi cũng được yên thân trong mấy năm.

Không chỉ xa nơi “phồn hoa đô thị,” bàn làm việc của tôi cũng nằm cạnh cửa sổ, giúp tôi có những phút nhìn ngắm trời mây bên trên bãi đậu xe để bớt căng thẳng sau khi đọc những bản tin thời sự. Mỗi ngày tôi giao tin bốn lần, thường chạy tất tả trong hành lang từ đằng sau ra phía trước của đài, để giao tin nóng hổi như khoai mới luộc cho xướng ngôn viên kịp giờ đọc “on-air.” (Sống ở Mỹ đã lâu mà tôi vẫn thèm ăn khoai luộc như trong những ngày mưa bão ở Nha Trang). Khỏi nói, những lúc ấy tim tôi đập bình bịch, áp huyết tăng cao như người chạy đua ở Thế Vận Hội. Giao bài xong tôi mới dám bước chậm rãi trong hành lang quanh co, lấy lại nhịp thở và chuẩn bị cho ca giao tin kế tiếp. Thính giả thường chờ đợi một bản tin “vui vui” cuối cùng trong phần tin tức. Cho dù cuộc sống cá nhân đang vui hay buồn, đang yên ổn hay có sóng gió, tôi luôn cố gắng viết một vài tin vui cho họ mỗi ngày, như đền đáp cho thời gian mà họ dành nghe đài của chúng tôi. Biết vợ con có một mái nhà để trú thân, tôi không quản ngại mỗi lần bơ phờ lái xe rời đài, nằm trên giường còn nghe cơn đau tụ lại ở trong lồng ngực. Thương hay ghét tôi không thể buông bỏ công việc.

Để cho ngày làm việc bớt chán ngán, tôi treo trên tường sau lưng những tấm ảnh ghi lại những nơi mà gia đình tôi đã nghỉ hè. Làm việc suốt một năm, kể cả những ngày lễ như Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán, tôi chờ đợi hai tuần nghỉ hè để lái xe đi thật xa, xong hí hửng mang về vài tấm ảnh để treo trên tường. Mỗi lần mệt mỏi với công việc, tôi ngước nhìn những bức hình kỷ niệm như muốn sống lại những giây phút bình an mà vợ chồng từng có ở những nơi xa khu phố Little Saigon. Kia là hình vợ con ở bãi cát San Elijo gần San Diego, đó miền núi nham thạch Lava Lands ở Oregon, đây vực Bryce ở Utah, này núi Rockies ở Colorado, công viên quốc gia Yellowstone, Yosemite, Grand Canyons, dòng sông Eel ở Bắc California, bãi biển Cambria, núi Shasta, hồ Crater, núi lửa Lassen, khối đá giữa vịnh Morro Bay, và hàng trăm thị trấn không được chụp hình nhưng có dấu xe lăn của chúng tôi ở khắp miền tây nước Mỹ.

Một niềm vui khác mà tôi tìm được ở đài là trong giờ ăn trưa. Tôi thường mang cơm ra ăn ở một gốc cây olive nằm giữa một khoảng đất hẹp, kín đáo bên hông đài. Mặc dù nhiều xe cộ luôn chạy ngang trên con đường Brookhurst phía trước đài, với nắng gắt tràn ngập bãi đậu xe ở phía sau,  khoảng đất với một gốc cây olive sần sùi, lởm chởm những chồi cây đâm bừa bãi thiếu sự chăm sóc, đã cho tôi những giây phút yên tịnh nhất trong giờ đi làm. Tôi có thể ngồi cả buổi trong bóng mát của cây olive mà không gặp một ai. Từ một gốc to hơn một vòng tay ôm, cây olive chia thành ba thân lớn mọc chỉa lên cao. Trong khu văn phòng này người ta trồng nhiều cây cao có bóng mát ở chung quanh, nhưng chỉ có một cây olive duy nhất lại không được tỉa tưới. Mặc dù không nói chuyện với cây olive (khi ấy chưa điên nặng), chỉ lẩm bẩm trong những lúc bị căng óc, tôi thường chia sẻ nỗi niềm với nó qua bàn tay sờ sẫm trên thân lớp vỏ xù xì, bị tróc lác nham nhở. Sau bữa ăn, tôi thường đứng vịn tay vào thân cây ngó lên trời xanh như muốn vươn bay trên cao, hay ngồi bên cạnh gốc cây, và gọi điện thoại nói chuyện thì thầm với vợ, chờ đón những lời khích lệ để tiếp tục công việc cho đến chiều tối.

Trong khi tôi cố gắng an phận ở một góc phòng mà vài người bạn mô tả nhẹ nhàng là một “cái am” hoặc nặng nề là một “cái xó” nằm ở phía sau đài, người ta tranh đua ác liệt ở phía trước, như cảnh bát nháo mà tôi từng thấy ở xóm chợ năm xưa. Trong “đại gia đình” của chúng tôi, người lấy quảng cáo cãi cọ người lấy quảng cáo, xướng ngôn viên chèn ép xướng ngôn viên, giới quảng cáo lấn lướt xướng ngôn viên, và ngược lại. Ấy vậy mà “đại gia đình” cũng làm được nhiều việc tốt cho cộng đồng, dù trong ruột lắm lúc tan nát như một chiếc xe có dàn đồng tốt mà động cơ lại cắm ba, bốn tay lái, ai muốn đi hướng nào thì quẹo hướng đó. Thương hay ghét tôi cũng ráng ngồi yên trên chiếc xe của “đại gia đình,” tránh không bị chóng mặt trong lúc xe đang chạy lòng vòng.

Thế rồi một ngày kia cuộc đời của người viết tin thường chạy-huỳnh-huỵch-trong-hành-lang-đợi-giờ-ăn-trưa-để-ra-gốc-cây-olive-ngồi-tâm-sự-với-vợ cũng chuyển qua một giai đoạn khác. Một buổi chiều thứ Sáu giữa mùa thu, nắng hoàng hôn ửng màu cam hồng sắp tắt ở chân trời bên kia bãi đậu xe, một anh nhân viên trẻ đến cạnh bàn nói, “Họ muốn gặp chú ở phòng trên.”

Như biết trước, tôi đánh nhịp tay trên bàn vài lần xong rời “cái xó” bước vào một hành lang mà thường ngày tôi vẫn chạy như giặc mỗi khi giao tin cho xướng ngôn viên. Tôi đi chậm rãi như cần thêm thời giờ duyệt lại những diễn biến trong mấy ngày qua, để biết chắc mình đã suy đoán đúng. Làm việc với nhau nhiều năm giúp cho người ta biết ý mà không cần nói, như vợ không cần giải thích chuyện sắp làm mà chồng cũng hiểu. Từ hôm thứ Hai đầu tuần, tôi đã linh cảm có chuyện bất thường sắp xảy ra cho tôi. Thường ngày vài người trong nhóm giám đốc vẫn rộn ràng khoe chuyện với tôi, mấy bữa nay lại im re, tránh ánh mắt mỗi khi chúng tôi đi ngược chiều trong hành lang; một ông giám đốc còn lịch sự quá đáng, đứng giữ cửa phòng vệ sinh khi thấy tôi đang bước tới. Lúc trước làm gì có chuyện đó. Thành thử đến chiều thứ Sáu hôm ấy tôi gần như biết chắc chuyện sắp đến trong căn phòng đóng kín cửa của một giám đốc.

“Cám ơn Đạt đã giúp đài trong những năm qua,” một trong các gia chủ của “đại gia đình” vừa nói câu đầu tiên vừa xem phản ứng của tôi.

Sao lại “cám ơn?” Tôi thắc mắc mà không tiện hỏi. Tôi ngồi thẳng, không dựa vào lưng ghế như trong những lần vào đây để bàn bạc chuyện của đài. Vị giám đốc dò hỏi rằng nếu không viết tin thì tôi có cách nào để sống hay không. Tôi lắc đầu, nói thật rằng giấy phép hành nghề địa ốc của tôi không giúp ích gì trong lúc thị trường đang bị suy sụp, người bán nhà thì nhiều mà người mua không có, viết tin vẫn là nghề chính kiếm cơm. Nghe nhắc đến thị trường nhà đất, vị giám đốc vịn vào đó và nói rằng quảng cáo cho đài cũng bị giảm, lợi nhuận không khá như trước, cần cắt giảm nhiều thứ.

Thấy vị ấy còn chần chừ, nói vòng vo thêm về chuyện đài cần tiết kiệm chi phí, tôi hỏi thẳng, “Vậy hôm nay là ngày làm việc cuối cùng?” Tôi thấy một cái gật đầu thật nhẹ, miễn cưỡng. “Còn những ngày nghỉ hè chưa dùng thì tính sao?” tôi hỏi tiếp, hy vọng có chút tiền cầm cự thêm vài tuần.

“Bên kế toán sẽ giải quyết ngay chiều nay,” người ấy trả lời nhanh như muốn dứt ý với một thông điệp khó nói nhưng cần nói. Vậy là chuyện của tôi đã được “giải quyết ngay chiều nay” sau mười mấy năm chung sống.

Vốn là kẻ không nhiều lời, mà thấy họ đã bàn tính xong với nhau, không còn gì để bàn cãi cho dù ngân sách không chắc là lý do chính, tôi đứng dậy toan bước ra ngoài. Vị giám đốc bỗng hỏi, “Khi nào đài cần thì Đạt làm tạm vài ngày mỗi tuần được không?”

Người ấy đưa ra một giá thù lao mà tôi nhẩm tính chỉ bằng nửa tiền lương tôi đang nhận, lại không có bảo hiểm, không có một ‘benefit” nào hết. Tôi không hiểu sao họ đề nghị một giá lương thấp như vậy, kiểu như vợ chồng vừa ly dị xong thì ông chồng bỗng hỏi, “Thỉnh thoảng em cho anh ghé nhà ‘chơi’ một cái có được không, đỡ tốn công cãi nhau mà vẫn đáp ứng nhu cầu?”

“Để về tính lại,” tôi đáp thay cho một lời cuối mà tôi không biết phải nói sao trong lúc ráng bước ra cửa một cách bình tĩnh sau khi bị mấy cú đấm suýt té xuống sàn nhà.

Có lẽ trong đời tôi chưa bao giờ nghe rõ bước đi của mình như lúc trở về bàn làm việc chiều hôm ấy. Ngày đó cũng là lần đầu tiên trong mười-ba năm tôi mặc một áo lạnh có nón trùm đầu đến sở làm. Cuối tuần trước vợ chồng chúng tôi đã lái xe lên Bắc California, tìm lại những kỷ niệm ở một khu chung cư cũ và mấy dãy phố xưa tại Marysville. Thời tiết ở miền bắc lạnh hơn ở Quận Cam rất nhiều, mà tôi lại quên mang theo áo lạnh trong lúc vội vàng rời Bolsa để tìm những giây phút thư giãn, nên đến Marysville vợ chồng tôi liền vào một tiệm tạp hóa Walgreen để tìm một chiếc áo ấm giá rẻ. Tôi chọn ngay một áo “hood” màu xanh lá cây, vừa mặc cho ấm lúc dạo bờ hồ vào một buổi sáng mùa thu, vừa có một món quà lưu niệm thực dụng của một chuyến đi cuối tuần. Đến ngày thứ Sáu sau đó thời tiết ở Quận Cam cũng lạnh, nên tôi chọn khoác chiếc áo trùm đầu với quần jeans đi làm thay vì mặc một bộ y phục chỉnh tề như mọi ngày. Không lẽ vì mặc áo mới này mà mình bị xui? Bị người ta đuổi việc? Tôi muốn trùm nón áo che kín đầu như một tu sĩ nhà dòng, nhưng rồi chỉ thọc tay trong túi áo, nghĩ vẩn vơ trong lúc bước về bàn ở trong “xó.”

Mấy phút sau tôi loay hoay một mình trong cái “xó” ấy, tìm một thùng giấy để đựng mấy món tài sản riêng tư cần mang về nhà: vài cuốn tự điển – vũ khí cần thiết cho nghề “dziết tin” của tôi, dăm cây viết mực, một cuốn sổ, một hộp trà xanh. Một ông sếp cấp thấp ngồi chung phòng đã biến đâu mất từ hồi trưa, như muốn tránh thấy tôi trong giây phút tản cư tang thương ở đoạn chót của một cuộc chiến. Tôi lôi ra dưới gầm bàn hai thùng giấy lớn gấp đôi hộp đựng giày được cất giữ trong nhiều năm. Hai thùng này lưu trữ những tài liệu, những bài báo liên quan đến cộng đồng người Việt. Thời mới viết tin cho đài, phương tiện Internet chưa phổ biến nên tìm tài liệu rất khó. Tôi cắt xén những bài báo được viết bằng tiếng Anh cũng như tiếng Việt, và cất trong hai thùng giấy nằm dưới gầm bàn, chỉ cần đá một cái là biết kho tài liệu quí giá vẫn còn đó mặc dù sau này tôi không còn mở ra xem thường như lúc trước. Cùng với một mớ giấy tờ khác, hai thùng giấy được tôi ôm ra bãi đậu xe và thảy vào một thùng rác lớn. Trong bóng chiều nhá nhem, một giám đốc đã tránh nhìn khi thấy tôi bước gần thùng rác. Ông quay lưng trước khi ngồi vào một chiếc Mercedes trắng, chuẩn bị lái xe chở vợ rời đài. Cũng không còn gì để nói sau mười mấy năm chung một con đường. Tôi quay nhìn gốc cây olive trong khoảng đất hẹp. Trong bóng tối của một buổi chiều vừa tắt nắng, tôi đăm chiêu quan sát gốc cây một hồi lâu như muốn nhớ hết những chi tiết trên thân thể của người bạn già chỉ biết lắng nghe, trước khi ngoảnh mặt đi nơi khác và biết khó có ngày về để gặp lại nó.

Trở lại cái “xó,” tôi thoáng nghe một chút ngậm ngùi khi tháo gỡ những tấm ảnh mà tôi từng treo trên tường. Mấy bức ảnh lưu niệm của những ngày nghỉ hè đã giúp cho tôi có thêm sức chịu đựng để phấn đấu trong những giai đoạn khó khăn nhất. Đài trải qua nhiều đổi thay trong hơn một thập niên tôi ngồi trong cái am. Như một đứa trẻ nắm túi ăn trưa trong lúc bị mấy tên lớn xác bắt nạt ở trường học, tôi từng ghì chặt việc làm, không buông tay trong những lần bị áp lực phải thay đổi tính độc lập của tôi. Cuối cùng tôi cũng bị đẩy ra khơi như các thuyền nhân trong cơn biến loạn sau năm 1975.

Công tác dọn dẹp để “ra khơi” diễn ra nhanh hơn tôi tưởng. Trong vòng hai-mươi phút tôi dọn hết những giấy rác, bỏ vào thùng những gì cần mang về nhà và tháo mấy tấm hình. Trước khi tắt máy điện toán một lần cuối, tôi viết một thư email gởi lời giã từ vội vã đến các đồng nghiệp còn làm việc cho đài ở Quận Cam, San Jose và Houston. Thứ Sáu hôm ấy là ngày 9 tháng 11, nên tôi viết đùa rằng đó là biến cố 9/11 của đời tôi. Một ngôi tháp của niềm tin ở trong tôi đã sụp đổ mà mãi đến sau này tôi mới biết thương quí sự tan vỡ trong cuộc đời. “Ông Vua Quét Đường” đã giúp tôi nhận ra điều đó mà tôi sẽ viết sau.

Giữa lúc đang “rút quân” tương đối có trật tự như vậy, tôi cũng gượng cười được một lần để rồi thấy được sự trớ trêu trong cuộc sống. Một cô xướng ngôn viên làm việc ca đêm bước vào phòng toe miệng cười đúng lúc tôi đang tháo mấy bức hình ở trên tường. Cô ấy nói lớn như muốn thông báo sự có mặt của mình ở trong phòng, “Thấy anh Đạt là vui. Anh lúc nào cũng cười, không vui sao được. Ha! Anh đang vui phải không?”

Lời chào rộn ràng khiến tôi phải nhanh tay lột một khuôn mặt mà chắc là rất buồn bã và bí xị của mình lúc ấy, để trở về với một nụ cười tươi tắn mà tôi luôn dành cho mọi người từ lúc bước vào sở. Biết ai cũng phấn đấu để làm tròn công việc ở một nơi mà những cá tính thường va chạm, dễ bùng nổ, tôi cố tìm một lời khích lệ vui để nói hoặc mỉm cười vu vơ cho không khí bớt căng thẳng. Đôi khi tôi xem đó như một bổn phận để giúp mọi người và cho chính tôi được sống qua một ngày mà không gây hại cho ai. “Còn thấy nhau là vui chứ,” tôi đáp lớn với một nụ cười để cho cô xướng ngôn viên vui lòng trước khi cô quay gót lao đầu vào những trách nhiệm nặng nề ở phòng phía trước.

Đến khi dọn hết mọi thứ cần bỏ vào thùng rác hoặc đưa lên xe chở về nhà, tôi viết vào một tờ giấy tên vài chỗ quen trong khu phố Bolsa,để tìm hiểu tình hình nhân sự ở những nơi đó. Chọn được một nơi để đến, tôi thực hiện một công tác cuối cùng trước khi rời đài phát thanh vĩnh viễn. Tôi bước lên phòng phía trước, gặp từng người đang có mặt để hỏi han và chào họ một lần cuối. Hầu hết các đồng nghiệp chưa biết tôi bị đuổi, nên thấy tôi họ liền đùa giỡn, chọc ghẹo như thể cần xả xú-bắp sau một tuần làm việc. Khi rời phòng máy chính của đài, tôi nghe một anh xướng ngôn viên nói với mấy bạn khác, “Sao bữa nay anh Đạt lại nói ‘Good night’ với tụi mình vậy cà? Tui thấy ổng hơi lạ đó nhen.”

Thay cho một lời chia tay không định trước, tôi nói “Good night” với một nụ cười như muốn chúc một buổi chiều tốt lành ở lại với từng người, trước khi quay về bàn làm việc một lần chót. Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ mọi chuyện đã thay đổi. Cái bàn từng gắn bó với tôi hơn mười năm, từng dọn nhà theo tôi đến hai địa điểm, đã thấm những vệt cà-phê, còn hằn những vết mực mà tôi chùi không ra, nay đành ở lại với một bức tường trơ trụi đằng sau lưng, không còn mấy tấm ảnh từ những mùa hè xa khuất. Ngồi ở trong xe, tôi nhìn gốc cây olive một hồi lâu như thể biết rằng mình sẽ không bao giờ trở lại nơi đây, cố ghi lại hết một khung cảnh thân quen đang chìm trong bóng tối để rồi một ngày kia chỉ còn là những ký ức mờ ảo như có như không. Phút từ biệt này quá bình an so với những giây phút hấp tấp rời quê hương, hốt hoảng leo lên tàu lìa xứ của hơn 30 năm trước. Tôi hiểu công việc ở nơi đây thế nào cũng đến ngày phải chấm dứt. Có điều mình không biết nó sẽ đi đến đoạn kết ra sao. Bây giờ thì như thế này, cũng không đến nỗi tệ, tôi lẩm bẩm nói một mình như người mới bị đụng xe trên xa lộ, đang thất thần bước quanh quẩn nơi xảy ra tai nạn với những cảm xúc bị xơ cứng và đầu óc được giao  phó cho phản xạ điều khiển. Đến một lúc nào đó những xúc cảm sẽ dâng tràn trong cơn hồi tưởng, nỗi bàng hoàng sẽ sống dậy giữa giấc ngủ trong đêm khuya, và cơn đau sẽ đâm xoáy vào tim, tôi biết vậy trong lúc lái xe rời đi nơi khác.

Thay vì hướng về nhà như mọi buổi chiều sau giờ làm, tôi quẹo trái ở đường Bolsa để ghé tòa soạn Người Việt ở cuối đường Moran. Tôi từng viết ở nhật báo này gần hai-mươi năm trước đó, trong “thời” của các anh Nguyễn Đức Quang, Lê Đình Điểu, Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Quốc Bảo. Họ chỉ cho tôi những bước căn bản của nghề làm báo. Mặc dù từng rời Pennsylvania với mộng tưởng viết văn, tôi dính với nghiệp viết báo ngay trong mấy tháng đầu mới đến Nam California, dính cho tới bây giờ bứt hoài không ra. Thời ấy Người Việt sinh hoạt với tinh thần của các anh em Hướng Đạo cùng chung sức hướng tới một mục tiêu, trong lý tưởng tạo tiếng nói cho một cộng đồng đang hình thành và chưa vững mạnh. Ngày tôi trở lại thì Người Việt vẫn là một “đại gia đình” như hai thập niên trước, nhưng trong “thời” của các anh chị em khác, và ngon lành hơn rất nhiều nhờ hoạt động theo phương pháp của một công ty lớn. Từ một cái quán với người chủ mà cũng là người nấu ăn kiêm luôn rửa chén, tờ báo trở thành một nhà hàng qui củ với chủ nhân, đầu bếp, tiếp viên, thu ngân viên riêng biệt. Một cơ quan truyền thông có hạng.

Bước vào tòa soạn trong chiếc áo “hood” màu xanh, tôi gặp một anh bạn quen trong phòng biên tập. Rất may thỉnh thoảng tôi cũng “ráng” ra ngoài nhậu với các bạn, không dè cũng có lúc tạo được tình thân để còn nương tựa khi cần. Mấy tháng trước tôi đã ngồi cùng bàn với anh bạn tại nhà hàng BJ’s nằm ngoài rìa của khu phố Little Saigon. Hôm ấy chúng tôi lai rai với một đám bạn mà lớn tuổi nhất là vợ chồng tôi. Nhậu nhiều nhất cũng là tôi luôn. Thành thử bữa hôm ấy tôi nói khá nhiều mà không nhớ mình nói cái gì. Xỉn là cái chắc. Đến lúc gặp anh bạn trong phòng biên tập, tôi nhắc chuyện nhậu ở BJ’s trước khi đi vào đề tài chính: Ở đây có việc gì cho tui làm hông?

Hình như anh bạn chưa viết xong trong khi mấy kỹ thuật viên đang chờ bài chót đề trình bày trên trang báo. So với ngày tôi mới quen anh ta gần hai-mươi năm trước trong nhóm Thư Viện Lê Quí Đôn, anh bạn bây giờ tròn ủm, bệ vệ hơn. Vẫn thông minh, nhanh trí, tinh tế và luôn sẵn sàng thảy ra một thái độ bất cần đối với người khác.

 Nghe tôi nói “hết làm cho đài,” anh bạn ngưng đánh máy, quay sang hỏi lại với vẻ ngạc nhiên lẫn thích thú. Tôi viết cho đài phát thanh còn lâu hơn anh ta làm cho báo Người Việt, thành thử sự việc tôi không còn làm cho đài có lẽ là chuyện bất ngờ. Anh bạn hỏi tôi muốn viết phóng sự hay muốn dịch tin. Sao cũng được, tôi nói vậy, trong đầu nghĩ miễn là có “job” để lát nữa còn về nhà nói cho vợ bớt lo. Nghề của tôi chỉ có thể “đắc dụng” ở mấy cơ sở truyền thông trong phố Bolsa. Mặc dù chắc chắn không trả lương cao như sở Mỹ, đài phát thanh mà tôi đã làm và tòa soạn mà tôi đang trở lại vẫn khá hơn so với mấy nơi “bèo” kia. Anh bạn hẹn tôi sáng hôm sau quay lại để gặp một ông sếp cao cấp hơn. Tôi cũng quen ông ấy, nên yên tâm mình sẽ có việc làm, chỉ chưa biết họ tính lương ra sao mà thôi.

Thế là sau hai-mươi phút rời đài, tôi chộp được một việc mới mà lòng vừa mừng vừa lo. Mừng vì sẽ có tiền sống, lo vì không biết mình có còn sức khỏe cũng như khả năng để bơi theo dòng việc mới ở một nơi còn phức tạp hơn đài phát thanh gấp bội.

Sau một đêm khó ngủ bên cạnh vợ cũng trằn trọc như chồng, đứa nào cũng đang trong tình trạng “vừa rời việc này, đang chờ việc khác,” tôi đến tòa soạn vào sáng hôm sau, một buổi sáng thứ Bảy nơi phố Bolsa vẫn xôn xao mà lòng tôi thấp thỏm khác thường. Trong vòng mười-lăm phút ngồi đối diện ông sếp mới và anh bạn trong một phòng riêng, tôi đồng ý về tiền lương và công việc mà tôi sẽ làm cho một nhật báo Việt ngữ lớn nhất ở hải ngoại. (Xin lỗi. Trong nhiều tháng làm việc cho tờ báo này, mỗi lần xem báo Mỹ nói về tờ Người Việt, tôi đọc riết câu đó đến nhập tâm hồi nào không hay, nay vuột miệng quảng cáo free cho báo hồi nào mà không biết.)

Ban đầu nhiệm vụ mới ở nhật báo xem dễ thở hơn so với công việc ở đài phát thanh. Mỗi lần được ra ngoài “làm” phóng sự, tôi tận hưởng những giây phút thư giãn có thể đến rất bất ngờ. Chẳng hạn như một buổi sáng kia tôi phải lái xe xuống Laguna Niguel ở phía nam Quận Cam, để gặp một nhóm người Mỹ gốc Việt đang tham dự một cuộc đình công tại một cơ quan thuộc sở di trú liên bang. Sau những cuộc phỏng vấn và chụp hình – viết tin cho báo ở Bolsa thường phải biết thêm nghề chụp hình, không cần giỏi như thợ chuyên nghiệp nhưng phải có máy và biết bấm nút, vì báo không có đủ tiền để thuê một người viết và một người chụp hình riêng như báo Mỹ, vì vậy hình trên mấy nhật báo tiếng Việt ở đây trông rất “ẹ” kể cả hình tôi chụp – tôi lái xe lạc xuống một con đường chạy sát bờ biển. Giữa tháng 12 mà tôi có thể quay hết cửa kiếng xuống, để cho gió biển lùa vào trong xe đến mát lạnh. Nếu còn làm cho đài phát thanh, buổi trưa hôm ấy tôi phải còng lưng viết tin ở trong cái “xó,” chắc chắn không có thời giờ để ra đứng ở gốc cây olive, chứ đừng nói gì đến chuyện thong dong ngắm màu biển xanh thẳm với nắng vàng dịu ấm.

Những giây phút bình yên, thong thả hiếm có ấy không xảy  ra thường hơn như tôi mong ước. Tình hình của nhật báo từ bên ngoài và bên trong nội bộ luôn luôn có biến chuyển, khiến cho tôi loay hoay không biết bám vào đâu để được yên thân hầu chú tâm vào chuyện viết bài mà thôi. Vài tháng sau khi tôi đến, nhật báo bị phản đối vì “sự cố” báo Xuân đăng hình cờ vàng trên chậu rửa chân. Ở bên ngoài thì người ta đứng biểu tình, la lối suốt ngày – từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều như giờ của công nhân hãng xưởng – ở bên trong thì anh bạn của tôi bị “dzăng,” ông sếp cũng ra đi cùng với ông chủ bút.

Đó cũng là thời điểm mà “Ông Vua Quét Đường” bỗng từ trên trời rơi xuống đầu tôi, lớn như một cục phân chim… đại bàng, dính chặt như chiếc nón che đỉnh đầu của người Do Thái. Đó cũng là giai đoạn mà tôi bắt đầu “tu luyện khí công” để đối phó trước những biến đổi ở chung quanh, hay nói đúng lớn là thích ứng với những chuyện đời thường, những nghịch cảnh mà dầu muốn dầu không thì tôi cũng phải bơi qua.

Trong mấy tháng đầu tôi ngồi chung phòng với bốn người. Phòng bên ngoài còn có thêm nhiều tay viết báo lão luyện khác. Trong ban biên tập tôi thuộc một thế hệ ở giữa những ký giả trẻ xông xáo, háo thắng, chờ dịp để leo cao hơn, và mấy ông nhà báo kỳ cựu, có đủ kinh nghiệm để củng cố vị trí hoặc giữ chặt công việc của mình. Ngày xưa ở bên đài phát thanh, tôi được ngồi một mình trong “xó” cạnh cửa sổ và được che chở bởi một tấm ngăn, chẳng phải nhìn ai và cũng không bị ai dòm ngó. Ngày nay ở phòng biên tập, tôi phải chấp nhận ngồi chung với nhiều người mà hầu như lúc nào cũng có chuyện để đôi co, lúc thì vui nhộn lúc thì hung hăng. Ngồi đối diện nhau trong một phòng thiếu ánh sáng, chật chội với sách báo, đồ đạc không ai muốn dọn, và không có cửa sổ, tôi để cho bốn người kia muốn “đấu” sao thì “đấu,” chú cháu choảng nhau chí chóe, xong lại cùng cười chê những kẻ khác. Tôi giữ phận mình yên lặng càng lâu càng tốt, tránh thốt những lời độc hại gây đau đớn còn hơn đâm bằng dao Thái Lan, hoặc tung ra những lời tâng bốc còn giả hơn một đóa hoa “Made in China.”

“Khí công” đầu tiên mà tôi có gắng luyện tập là tránh giữ lại những mũi tên độc mà người ta “bắn” bằng lời. Rút mũi tên bỏ vào thùng rác là điều nói dễ hơn làm. Mỗi ngày bị bắn chừng mười mũi tên thì cố gắng bỏ hết chín mũi, ném ngược mũi còn lại cho hả giận nhưng cũng ráng ném trật. Nhằm luyện khí công này, ngày ngày đi làm tôi mang theo trái cây để trên bàn. Mỗi lần biết mình sắp nổi giận, tôi nhón một múi cam, một lát táo hoặc một trái nho bỏ vào miệng. Có ngày phải ăn mấy kí trái cây mà bụng vẫn muốn nổi khùng. Người ta nói ăn trái cây tốt cho sức khỏe. Không hiểu sao tôi bị lên cân, bụng to hơn sau hơn một năm làm việc ở nhật báo.

“Khí công” thứ nhì mà tôi ráng học là thích ứng trước tình cảnh giao động mỗi ngày, bắt đầu từ việc nhỏ nhất. Tôi từng được yên thân viết tin ở cái “xó” trong nhiều năm, nay phải ngồi giữa một góc chợ ồn trong lúc sản xuất chữ nghĩa, nên tôi phải điều chỉnh tâm lý suốt mấy tháng mới chịu nổi. Trên bức tường cạnh bàn làm việc, tôi không treo một tấm ảnh riêng tư nào như ngày trước, mà chỉ cắm một tấm lịch, ghim một danh sách những số điện thoại cần thiết và lịch trình công tác mỗi tuần. Nhờ không có bàn ngồi cố định nên tôi bỏ được thói quen “thiền” hình vợ con giữa những lúc viết tin. Mỗi khi nhớ khung cửa sổ ở cái “xó,” tôi nhìn lên bức tường trước mặt, tưởng tượng những cảnh sông núi, biển hồ mà gia đình tôi từng đi qua trong những mùa hè của quá khứ. Có khi những cánh rừng hoặc con suối bao bọc những lều trại hiện lên ngay trước mắt trong mấy ngày liên tiếp. Ngoài phòng biên tập, tôi luyện luôn “pháp môn” này trong phòng ăn tập thể. Dần dà tôi quen ngồi giữa một chục người ở bàn ăn nói chuyện ồn ào mà tai hầu như không nghe, mắt không thấy họ đang bàn chuyện gì mà cười lớn quá hoặc cãi nhau găng đến như vậy. Bức tường trước mặt biến thành một màn ảnh truyền hình “mỏng” vĩ đại, chiếu lên những khúc phim biển xanh rừng thẳm từ một cõi xa mà tôi chỉ cần mỉm cười là “bấm” được nó hiện ngay trước mắt.

Chung quanh dãy nhà dài hình chữ nhật của công ty, tôi không tìm ra một bóng mát yên vắng như dưới tàn cây olive ở đài phát thanh. Ở một gốc cây trước tòa soạn, vài ông thường đứng hút thuốc. Từ ngày tờ báo bị biểu tình, họ bớt ra phía trước như không muốn bị ù tai. Đằng sau tòa soạn là một bãi đậu xe được tráng gần kín mít với nhựa đen, chỉ còn chừa hơn nửa chục ô đất vuông với mỗi ô được trồng một cây “bông cọ ngược” màu đỏ đứng khẳng khiu sát một bức tường gạch xám nhạt. Từ sáng đến chiều, nắng gắt lao xuống từ trên không, dội ngược trên bãi đậu xe, bắn tung tóe giữa hai bức tường, thiêu đốt trên một chục chiếc xe nằm sát bên nhau. Tìm được một bóng mát trong bãi xe ấy cũng khó như thấy một cụm mây trắng trôi trên bầu trời Quận Cam giữa mùa hè. Vậy mà mấy ông vẫn thường tụ năm tụ ba ở phía sau, phun khói thuốc liên miên như để tạo mây giữa tiếng cười nói rổn rảng, hoặc xì xào trong một cuộc “họp” riêng với nhau. Sau này tôi mới hiểu “phòng họp lộ thiên” ở bãi đậu xe là nơi diễn ra những cuộc bàn thảo cũng quan trọng không kém những cuộc họp chính thức bên trong tòa soạn. Ngày nào cũng có mấy đám rủ nhau ra họp riêng ở ngoài sân.

Gay cấn hơn vẫn là những buổi họp chung vào sáng thứ Năm của ban biên tập. Ban cần kiểm điểm việc làm trong tuần qua và chuẩn bị cho tuần sắp tới. Đó là lúc mà người ta phải tận dụng khả năng ăn nói để bênh vực bài viết của mình, có khi tự bảo vệ mình bằng cách triệt hạ đối thủ. Mồm miệng đỡ tay chân. Người nói nhiều, khoe nhiều lại thường là người làm ít, lành ít. Tan buổi họp, các “chiến sĩ” của chữ nghĩa rời phòng với nét mặt căng thẳng hoặc đăm chiêu, như đang xét lại mình vừa “thắng” cái gì, “thua” cái gì. Tôi không nhớ Người Việt ngày xưa có những buổi họp như vậy. Ngày nay có lẽ sự cạnh tranh quá quyết liệt giữa các nhật báo trong “xóm” Moran  mà ngày trước không có đã khiến người ta phải thay đổi để sống còn? Các công ty ở Mỹ, và các cơ quan ở những xứ cộng sản, cũng có những sinh hoạt kiểm thảo để thăng tiến, không có gì bất thường, đời là vậy. Có điều tôi không hiểu tại sao phải có xung đột mới có tiến bộ, phải có ganh đua, chà đạp mới có văn minh? Sống như vậy hợp với tự nhiên? Sao lúc nhìn lên tường xem “phim” mây biển đất trời tôi không thấy ra sự thật về những con thú cắn giết, luôn rình rập để hại nhau ở trong rừng? Tôi đã sống trong mộng mơ, hoang tưởng chăng? Chỉ thấy những nét đẹp của thế gian mà quên những vệt xấu của nó? Nên chân thành đi tiếp trên con đường lý tưởng nhân ái, hay rẽ sang lối mòn nhân dục như mọi người? Sống kiểu này chừng một hoặc hai năm là cùng, kéo dài được mười năm thì làm sao còn thấy được lương tâm của chính mình? Lúc ấy dẫu thương hay chán tôi cũng không thể buông thả công việc.

Từ khi có thay đổi nhân sự liên quan đến cuộc biểu tình chống nhật báo, tôi được giao trách nhiệm mỗi lúc một nhiều hơn, ít có dịp ra ngoài la cà viết phóng sự, tìm những giây phút thư giãn. Trong hầu hết thời gian có mặt ở tòa soạn, tôi ngồi cặm cụi ở bàn viết hoặc đi hấp tấp trong hành lang nối liền phòng biên tập với phòng kỹ thuật. Tuy được nghỉ một ngày trong tuần và một ngày cuối tuần, tôi thường lo cho công việc suốt bảy ngày, có khi về đến nhà hoặc đang dạo chợ với vợ con cũng phải nghe điện thoại liên quan đến công việc ở tờ báo. Đó là chưa kể phải biết những chuyện “đánh đấm” giữa các phe nhóm trong nội bộ. Để xả bớt căng thẳng, tôi thường đi xe đạp đến sở trong những ngày không cần lái xe hơi. Nhờ vậy tôi cũng cảm thấy bớt tội lỗi đối với tấm thân đang bắt đầu phì nộn vì thiếu tập thể dục.

Tôi mải mê, tận tụy với công việc ở tòa soạn một phần vì lúc ấy công ty đang gặp khó khăn. Tờ báo không thể thiếu bài vào mỗi buổi chiều, không thể ngưng phát hành vào mỗi buổi sáng. Có những cuối tuần, tôi làm việc một mình suốt ngày trong phòng biên tập, chờ tin của các phóng viên đang chạy tất bật giữa các sinh hoạt của cộng đồng. Những lúc như vậy tôi thường mở nhạc để không bị nặng đầu bởi những tiếng la ó của đám biểu tình từ bên ngoài.

Say mê với việc làm, tôi đảm nhận luôn trách nhiệm lo bài vở và nội dung cho báo Xuân. Thế là mang luôn việc làm về nhà, chiếm gần trọn thời giờ dành cho gia đình. Vợ thường nhìn tôi với sự thương hại khi thấy chồng còn lo viết thư email liêc lạc những tác giả sau bữa ăn tối. Xong báo Xuân, tôi chưa kịp lấy lại nhịp thở thì em tôi bị tai biến mạch não, suýt chết nếu không được chở vào bệnh viện kịp thời. Ngồi suốt một đêm bên giường bệnh của em trong phòng cấp cứu ở nhà thương Fountain Valley gần lễ Giáng Sinh, tôi nghe đau nhói như bị một phát đạn bắn vào chân khiến tôi phải chùn bước.

Trong mấy tháng sau, xong việc ở tòa soạn mỗi buổi tối, tôi thường ghé thăm em trong một dưỡng viện dành cho những người bị bệnh nặng hoặc sắp chết. Ngồi nhìn cơ thể của em được máy bơm thức ăn vào bụng, tôi suy tư tìm một giải pháp hòa hợp giữa  trách nhiệm ở sở và bổn phận với gia đình. Tôi từng tự giao cho mình một thử thách mà tôi chưa thấy ai trong đám bạn có thể làm được. Đó là vừa sống với văn chương vừa lo cho các con, vừa làm việc ở sở vừa lo cho gia đình. Thế nhưng giờ đây tôi biết mình không là một siêu nhân, tôi cũng chỉ là một cái xác chưa được ghim ống bơm trợ sinh mà thôi.

Đúng lúc tôi đang suy tư tìm một hướng đi mới phù hợp hơn với hoàn cảnh, ban biên tập lại có thêm vài người bỏ đi vì những lý do riêng, khiến tôi khó dứt khoát rời bước. Mặc dù được thêm lương, tôi phải gánh thêm những trách nhiệm mà có lẽ phù hợp với một người mê nghề làm báo, ít vướng bận với gia đình. Mấy tháng trước khi rời Người Việt, tôi thường là người đến phòng biên tập trước tiên vào buổi sáng và cũng là người cuối cùng rời tòa soạn vào buổi tối. Công ty này đã có bốn, năm người qua đời. Vậy mà trong những đêm ở lại trễ, lóc cóc một mình xem bài cho ngày mai, tôi không thấy hình bóng của vị nào quay về từ cõi siêu linh. Chắc họ cũng đã hết mê nghiệp làm báo?

Thế rồi dịp may cũng đến cho tôi được lên đường rời nghề báo mà không phải bận tâm đối với một nơi tôi từng khởi đầu nghề viết hai thập niên trước. Sau những vụ xử trước tòa tương đối thuận lợi cho tờ báo và bất lợi cho nhóm biểu tình, ban biên tập được củng cố khá hùng hậu với thêm các nhân sự trẻ từng một thời làm việc cho công ty. Trong kế hoạch mới của nhật báo, tôi cũng có một chức vụ “oai ra phết,” ra ngoài quán nhậu cũng có thể “lấy le” với mấy em bưng bia. (Xin lỗi cho việc dùng mấy chữ xưa trước năm 1975. Thời gian đầu mới tị nạn ở Mỹ, tôi cũng quyết tâm muốn bảo tồn văn hóa mà lại kém kiến thức, nên chỉ biết bảo tồn mấy từ ngữ tào lao lượm ở ngoài đường mà không biết chúng xuất phát từ đâu ra. Sorry nha.)

Thế nhưng nghĩ tới việc phải sống hết đời còn lại với nghề báo, phải “đấu tranh” trong mỗi bữa họp, phải để cho bà mẹ trên bảy mươi tuổi phải săn sóc một đứa em đang sống với bệnh thể xác và chết với bệnh tâm thần, phải hy sinh thời giờ dành cho một người vợ mà ngày trước tôi thường “xin” được đi theo “cho vui” dù chỉ để mua mấy bó rau ở chợ, tôi thấy e ngại cho mục đích phụng sự tha nhân mà tôi từng vẽ ra trước đây. Đến lúc này dẫu thương hay ghét tôi cũng phải buông bỏ công việc.

Khoảng một tháng trước ngày lặng lẽ chia tay, tôi vẫn hòa mình với mọi người trong những buổi họp đầu tuần và giữa tuần, những bữa ăn đặc biệt chiều thứ Sáu, những “pha” đuổi theo tin cho kịp giờ lên báo, những “màn” siết lại tựa tin, chọn lại tấm hình trước khi những trang báo được gởi đến nhà in. Sự việc giữ kín ý định từ giã tờ báo không mấy khó. Trong tòa soạn với trên bốn-mươi nhân viên mà tôi có thể làm việc chung dễ dàng với từng người, tôi lại không thật sự có một người bạn đủ gần để tin cậy về những điều sâu kín trong lòng. Nếu họ biết ý định và tìm cách níu lại, tôi khó lòng bước đi mà không nuối tiếc. Nửa tháng trước ngày “ra khơi,” tôi làm thủ tục xin nghỉ hè hai tuần. Như vậy mọi công việc liên hệ đến tôi đều được dàn xếp như không có tôi trong hai tuần vắng mặt, và sự tạm thời đó sẽ trở thành vĩnh viễn mà chỉ có mình tôi biết.

Tôi cũng khám phá sự nhẫn nại đến rất nhẹ nhàng trong mấy ngày chót. Biết mình sắp đi nơi khác, tôi không giận những ai buông lời chê trách, không hoài nghi trước những hành động đổi thay, vì thấy mọi thứ không đáng bận tâm một khi mình không còn ở đây nữa. (Không dè mấy tăng sĩ đã biết điều đó từ lâu, nên họ thường khuyên mọi người hãy giả dụ ngày mai mình sẽ chết, mình sắp đến một cõi khác, thì liệu những phiền toái của ngày hôm nay có còn đáng để mà lo âu?) Lìa bỏ những thói quen xem ra khó hơn. Sau hơn một năm rưỡi làm ở Người Việt, tôi biết từng góc phòng bề bộn, quen mấy bức tường vô tâm, thân những chiếc bàn của thợ viết nằm san sát bên nhau trong một xưởng báo. Sự quen thuộc đã bắt đầu bám rễ, làm sao dám cắt đứt hẳn hòi để rồi chưa biết mình sẽ đi đâu ngày mai? Cũng khó không kém là lời giải thích mà tôi phải trình bày sao cho thỏa đáng. Tôi đã đến một ngã ba mà sự nghiệp không thể nào sánh đôi với gia đình.

Ngày chót của tôi ở tờ báo là một ngày thứ Sáu nóng bức và cũng là ngày cuối cùng của tháng Bảy. Trời nắng cháy, tôi chọn một áo thun đen cũ và một chiếc quần jeans bạc. Đơn giản như ngày tôi đến, chắc hẳn thiếu sự trịnh trọng mặc dù đang ở một khúc quanh quyết định trong phần đời còn lại. Cũng nhân một ngày nóng, tôi đặt mua mấy chục cây cà-rem sau giờ ăn trưa, xong ôm thùng kem đi đến từng phòng mời mọi người ăn cho mát. Kem đậu xanh, đậu đỏ, dừa, sầu riêng, xin mời ăn cho vui. Tôi ngạc nhiên khi thấy ai cũng hưởng ứng tận tình, có người “chơi” luôn hai cây kem thay vì một, mà náo nhiệt nhất là mấy cô nhân viên trẻ. Biết rằng ngày mai và muôn vạn ngày sau mình không chắc có duyên gặp lại họ, tôi tận hưởng từng nét hân hoan, từng lời chọc ghẹo “coi bộ ôm thùng kem bán dạo có vẻ đắt khách hơn viết báo,” những nụ cười mến thương trì kéo đằng sau lưng. Nếu ngày nào tờ báo cũng vui như vậy thì chắc tôi khó lòng dứt bỏ.

Chiều tới, công việc tất bật như mọi chiều thứ Sáu. Đêm đến, chỉ còn mình tôi đi lại giữa những phòng ốc được tắt gần hết đèn đóm, để lại một không gian rộng thênh thang và yên tịnh vô cùng, không một tiếng động của máy hoặc của người. Vừa bước giữa một hành lang dẫn qua các phòng, tôi chợt nhớ một làn ánh sáng mờ ảo chỉ vừa đủ sáng để vạch một lối đi giữa một khối đen bủa vây trong một ngôi đền mà tôi từng vãng lai trong trí tưởng tượng. Ở ngôi đền đó tôi nhận ra mọi xôn xao của cuộc sống đều lắng xuống vào cuối ngày, như đám mây bụi từng bị dấy lên bởi dục vọng và sau cùng cũng phải rơi xuống bởi chính gánh nặng của nó, để rồi trước mặt hiện ra một lối nhỏ dẫn tới một chánh điện ấm cúng giữa một nơi hoang dã. Ở tòa soạn này, tôi đi loanh quanh giữa các phòng trong bóng đêm mà không tìm ra một con đường hướng tới chánh điện đó.

Sau mấy phút đi dạo một lần chót trong một nơi mà cuộc đời từng gắn bó trong hai-mươi tháng, tôi quay lại bàn làm việc ở góc phòng. Khác với những năm tháng làm việc ở đài phát thanh, bàn của tôi ở tòa soạn không có hình ảnh treo trên tường để mà gỡ xuống, chỉ có một mớ giấy tờ với hộp trà và mấy phong kẹo chocolate cất trong hộc kéo (ăn kẹo thay vì hút thuốc giúp tôi giảm stress), một xấp giấy công tác nằm trong ngăn treo trên vách. Mọi thứ đều được gom gọn vào một thùng giấy nhỏ, hoặc thảy vào thùng rác, trong vòng năm phút. Tôi rời phòng với thùng giấy, cặp-táp và máy chụp ảnh. Trở ra phòng ngoài, tôi bấm số mật mã trên máy báo động trước khi hết tắt hết những ngọn đèn và bước ra cửa. Cơn nóng bên ngoài đã dịu bớt, một đêm hè mát đang trở lại phố Bolsa. Cùng hướng gió biển đang thổi vào, tôi lái xe về nhà với ý muốn tắt hẳn một đời làm báo, buông thả mọi chuyện bay theo những luồng khí từ đại dương.

Đêm hôm ấy tôi viết xong một lá thư từ biệt báo Người Việt với lời giải thích chân tình nhất. Sáng hôm sau tôi gởi thư email đến tất cả những ai mà tôi có địa chỉ ở tòa soạn, đoán trước sự sửng sốt của mọi người. Chính tôi cũng không dè mình có thể ra đi như vậy. Dẫu sao chăng nữa thì tôi cũng chỉ rời một kỹ nữ đang được quá nhiều ông bồ và tình nhân chiều chuộng, chứ không phải bỏ một người vợ với đám con nheo nhóc chưa biết nương nhờ vào ai.

Trưa hôm đó tôi cũng đến thăm em trai, cắt mái tóc quá dài, nhầy nhờn và bừa bãi của em. Trong một thế giới bị cô lập bởi bệnh tâm thần, em tôi không cho một ai đến gần qua ánh mắt hoài nghi hung tợn và mùi hôi hám triền miên trên cơ thể. Nhờ thường thăm em trong thời gian em nằm ở dưỡng viện, tôi tạo được một tình thân để em không ngại khi tôi đến gần. Nếu tôi không cắt tóc, cạo râu cho em thì không một ai khác có thể làm được chuyện đó ở căn nhà em đang sống với mẹ tôi.

Rời một căn mobile home nóng bức sau khi giúp em có một mái tóc mới ngắn gọn mặc dù có vài chỗ lởm chởm vì tôi không quen tay, tôi chợt tin tưởng hơn ở quyết định bỏ nghề viết báo để có thời giờ dành cho gia đình. Tôi không muốn chạy theo những bản tin nóng bỏng nhất thời của cộng đồng, trong khi người thân bị bỏ mặc như một con thú giữa chợ. Tôi từng lớn lên trong một xóm chợ và đã thấy những cảnh khốn cùng mà lòng nhân không thể làm ngơ. Một cuộc sống có ý nghĩa nhất là sống cho tha nhân. Nay tôi nhận thấy xoa dịu nỗi khổ đau ở những người thân có lẽ còn khó hơn làm phước cho những kẻ ở xa. Bỏ rơi họ để tìm hạnh phúc cho riêng mình càng là điều mà tôi không muốn làm.

Tôi ngưng viết báo được một tháng, vừa đủ để cho trí óc được thư thái, sắp xếp lại những gì tôi có thể làm cho những người chung quanh, xong trở lại nghề viết để kiếm sống. Lần này tôi viết tin cho người ta đọc trên đài truyền hình thay vì đài phát thanh. Nam California đang có trên một chục đài Việt ngữ, nở rộ như thời ra báo nhiều năm trước. Công việc ở Little Saigon Television đòi hỏi gấp đôi lượng tin so với đài phát thanh, đọc vào mỗi buổi trưa và buổi chiều trong tuần. Tôi cố gắng thức dậy từ 5 giờ sáng, xuống nhà làm việc trong một góc garage từ lúc 6 giờ kéo dài đến 5 giờ chiều, nghỉ chừng một tiếng đồng hồ dành cho việc ăn trưa và vệ sinh. Có lúc làm việc không khác gì mấy công nhân lao động trong những xưởng may lậu, ngồi dính chặt bên cạnh máy viết, chăm chỉ vì hoàn cảnh chứ không phải vì mong được như vậy.

Được cái mỗi ngày xong tin là hết chuyện, xóa bảng, mai soạn tin mới, không bị nghe điện thoại sau giờ làm việc như trong những ngày làm báo, cũng không cần dự phiên họp mỗi tuần để phải lo chuyện vây cánh, đấu tranh, nói nhiều, nói ít, càng không dính đến xóm nhà báo không bao giờ thiếu chuyện để cãi cọ, đâm chích nhau. Điều kiện làm việc giữa đài và tôi cũng dễ hiểu, cứ “cháo múc” xong thì “tiền trao” vào đầu tháng và giữa tháng. Nếu cần chấm dứt mối quan hệ, một cú phone hoặc một thư email là đủ, đường ai nấy đi vào bất cứ lúc nào.

Tuy lao tâm quần quật, đầu óc mệt lả, mắt cay vào cuối ngày, tôi cũng có được hai ngày nghỉ cuối tuần quí báu để lo cho người nhà, chưa kể những buổi chiều ghé thăm mẹ và mỗi buổi sáng thứ Bảy đưa em đi lọc thận. Dần dà tôi nhận ra sự việc còn có một tấm lòng muốn giúp người khác là điều hạnh phúc nhất trong đời. Bạn có trải qua kinh nghiệm đó thì mới hiểu được điều tôi muốn nói.

Cũng từ lúc làm việc ở nhà, tôi lại bị ý tưởng “Ông Vua Quét Đường” ám ảnh nặng nề hơn, không cho tôi được quên một món nợ với chữ nghĩa. Có lúc nó “vật” tôi suốt ngày, suốt đêm, khiến tôi phải “méc” cho vợ biết. Cưng ơi nó lại hành anh. Nàng không hiểu “Ông Vua Quét Đường” là cái giống gì mà có thể khiến cho tôi phải nói lẩm bẩm như người điên, “Anh sẽ ráng viết một bài với cái tựa ấy.”

Suốt mấy tháng vật vã với bài viết trong những giờ rảnh rang hiếm quí, tôi thường nghe vợ chọc, “Sao thấy anh quét hoài mà chưa xong bài?”

 Tôi không hiểu tại sao “Ông Vua Quét Đường” lại đeo tôi dữ dến như vậy, thúc đẩy tôi phải ráng ngồi dậy, dùng “tàn lực” để khơi lại nguồn hứng khởi gần như đã tắt ngúm sau một đêm lửa trại rộn ràng tiếng đàn lời hát. Suy ngẫm riết rồi tôi cũng đoán ra, không biết có đúng hay không. “Ông Vua Quét Đường” bao hàm ý nghĩa đổi thay trong cuộc sống, từ một ông vua xuống một kẻ quét đường, vô thường như trong kinh sách nhà Phật. Tôi bị vướng mắc với ý tưởng đó một phần vì đời tôi đang có nhiều biến chuyển từ sự nghiệp, gia đình, thể xác ở bên ngoài cho đến nội tâm ở bên trong. Tôi chắc chắn không là một “ông vua,” nhưng hình như trong mỗi người đã có sẵn một ông vua và một kẻ quét đường, đổi chỗ cho nhau như kiếp người cứ phải bay lên rồi lại rớt xuống trong một trái bóng pha lê, bay rớt liên tục.

Mỗi cơn động đất trong cuộc đời lại đẩy tôi ra khỏi một lối sống quen thuộc, được gầy dựng lại với một tâm tư mới. Ban đầu tôi còn quay lại, cố bám víu một chút tàn dư của quá khứ, xong phải bỏ dần vì mỗi lần nhìn lại tôi vẫn cảm thấy có một nỗi buồn khôn tả. Buồn vì biết mình không thể nào sống lại trong quá khứ, mà muốn đi tới thì phải xa lìa những tập quán cũ, xa lánh những gì mà mình từng cho là nguồn vui trong cuộc sống, kể cả bạn bè với những bữa nhậu, chức vụ và tiền tài, sáng tác và danh vọng. Sống với những tập quán cũ chỉ đưa tôi về quá khứ, lại bay rớt triền miên trong một trái cầu trong suốt và bít kín.

Muốn cắt lìa hết những dấu vết của năm xưa cũng không hẳn dễ. Mỗi buổi sáng tôi vẫn mặc chiếc áo “hood” màu xanh mà nay đã phai màu để chạy bộ ra công viên. Trùm chiếc áo trên người, tôi không thể quên những bước cuối cùng trong hành lang của đài phát thanh năm xưa. Sáng nào cũng vậy, khoác chiếc áo lên lại nhớ bức tường với mấy tấm ảnh, hoặc chiếc bàn nằm khuất trong xó. Mấy tuần trước đây, nhân dịp lái xe ngang địa điểm của đài cũ, tôi không cưỡng được nỗi nhớ, đành vòng xe ở ngã tư đường Brookhurst để trở lại góc Margo. Chiều hôm ấy bãi đậu xe vắng tanh. Đài phát thanh đã dời đến một địa điểm khác, xa khu phố Bolsa. Thoáng thấy khoảng đất hẹp bên cạnh tòa nhà, tôi chợt nhớ gốc cây olive và muốn “thăm” nó. Khu đất vẫn yên tịnh, kín đáo và mát như thuở nào. Riêng cây olive đã chết khô, bị đốn xuống thấp chỉ còn trơ gốc với ba thân cây trơ trụi, bằng phẳng. Tôi ngồi bên cạnh gốc cây trong mấy phút, hồi tưởng những khoảng khắc mà chúng tôi đã từng chia sẻ. Nó là cây olive độc nhất trong khu văn phòng này, và cũng là cây duy nhất bị khô héo. Mặc dù cây đã mất hết sự sống, không còn lớp vỏ sần sùi với những nhánh đâm chỉa lởm chởm, tôi vẫn có cảm tưởng gốc cây đã chờ ngày tôi trở lại trước khi tan rã theo bụi trần.

Một buổi chiều khác tôi đã cắt cỏ, tưới cây ở sân sau nhà. Như mọi lần, tôi kết thúc công tác của gã-đàn-ông-lớn-tuổi-nhất-trong-nhà với cây chổi quét lá trên sân gạch dưới gốc cây mận. Cây này sung sức, khỏe như trai mới lớn, cành lá mọc um tùm chỉ sau mấy tháng không tỉa, ngày nào cũng có lá hoặc nhánh bông rơi rụng xuống một góc sân. Từ ngày đọc tập truyện ngắn trong cuốn “Thiên Thần Quét Lá” của nhà văn Vĩnh Hảo vào mùa xuân vừa qua, tôi thương vô cùng mấy chú tiểu, những vị thầy của một đời tu và nhất là không còn hấp tấp với “tiết mục” quét lá mận như ngày trước. Truyện ngắn “Người Quét Chợ” có một đoạn khiến tôi rung cảm, nhớ lại những lúc từng nhìn lên tường để quên những chuyện eo sèo ở chung quanh:

“Thầy tập trung tâm mình vào từng động tác quét, lắng nghe tiếng chổi khua nhẹ trên đất, nhìn ngọn chổi vờn trên cỏ rác… không phút giây nào mà không lắng lòng vào việc quét. Đến độ, thầy với cây chổi chỉ là một. Vì vậy, âm thanh náo loạn của chợ búa không ảnh hưởng, không tổn hại gì đến tự tâm thanh tịnh của thầy.”

Phải chi tôi có thể quét chợ được như thầy. Ngày xưa, xưa thật là xưa, sau mỗi lần cắt cỏ sau nhà, tôi muốn quét lá thật nhanh để còn có thời giờ ngồi ngoài sân nhâm nhi mấy chai bia trước khi vào nhà trình diện với vợ. Có lúc tôi mua máy thổi điện về thổi ào ào một khoảng sân bé tí tẹo, dồn hết lá vào một góc và hốt “nhanh, gọn” vào thùng rác. Dạo này tôi thường quét lá chậm rãi hơn, tưởng tượng mỗi chiếc lá là một ý tưởng xấu, một lời nói bậy, một tội lỗi mình đã gây ra cho người khác trong quá khứ. Quét sạch sân như quét sạch tâm hồn, chuộc lại những lỗi lầm u mê. Ngày nào còn mở miệng thì còn nói bậy, và ngày ấy còn cả khối lá rụng để mà quét. Thế nên mỗi lần cầm lên cây chổi, tôi tự nhắc mình hãy tránh làm những điều hại người khác, cho dù điều đó chỉ là những ý tưởng vẩn vơ ở trong đầu.

Một bữa kia đang quét lá “vẩn vơ” như vậy, tôi chợt nhớ đến “Ông Vua Quét Đường” và tin rằng mình đã nghĩ sai lầm về ông ấy. Ngày ông mới đến trong đầu, tôi tưởng ông là một kẻ thất chí, buồn bã trước cảnh đổi đời, nay thân phận chỉ còn là một kẻ quét đường vào mỗi buổi sáng tinh sương. Thật ra không chắc đúng như vậy. Biết đâu ông vua ấy đang vui, đang quét sạch tội lỗi trên những con đường mà ông từng gây ra những đau thương cho người khác. Tâm cảnh tôi đã thay đổi, nên giờ đây tôi thấy có một vị vua đang tung tăng cầm chổi, vừa quét vừa múa hát như biết mình đang làm một công việc hữu ích nhất trong đời.

“Quét xong chưa mà mặt vui vậy?” vợ hỏi với ánh mắt hoài nghi trong lúc nhìn tôi đang cầm chổi múa ngoài sân.

“Dạ thưa em, anh quét xong rồi,” tôi toe miệng cười, biết rằng nàng không hiểu ý tôi muốn nói là tôi đã viết xong bài “Ông Vua Quét Đường.”

Hoàng Mai Đạt

Westminster, 31 tháng 7, 2010
Đăng trên nguyệt san Chánh Pháp tháng 9, 2010.