nhà văn Hồ Trường An

phỏng vấn

học giả Nguyễn Ngọc Bích

 

 

Dịch thuật

 

Hồ Trường An (HTA): Thưa anh Nguyễn Ngọc Bích, xin anh cho biết công trình dịch thuật và sáng tác của anh trước năm 1975 như quyển Một nghìn năm thi ca Việt Nam” (A thousand years of vietnamese poetry) hoàn tất cuối năm 1974, hay quyển viết về kiến trúc Việt Nam mà anh dịch thành “Vietnamese architecture”, in ra năm 1971. Xin nói đại khái nội dung của hai quyển ấy.

 

Nguyễn Ngọc Bích (NNB): Tôi xin được phép trả lời về cuốn sau trước. Thực ra, vào năm 1971, tôi đang làm trưởng phòng thông tin của Sứ-quán Việt Nam Cộng-Hòa tại Hoa-thịnh-đốn. Ở vị thế này, hàng ngày văn phòng tôi nhận được đủ loại câu hỏi về mọi khía cạnh của đất nước và quê hương mình chứ không phải chỉ có những câu hỏi về chiến tranh mà thôi. Người ta hỏi về phụ nữ, về giáo dục, về danh lam thắng cảnh, về các nếp sinh hoạt của người Việt, kể cả nấu ăn, về văn hóa, lễ lạc v.v... Chính vì lý do đó mà trong bốn năm tôi chịu trách nhiệm về phòng thông tin VNCH ở Sứ quán HTĐ, ngoài một tờ báo tiếng Anh ra hàng tuần (Vietnam Bulletin) và một tờ nguyệt san mang tên Trời Nam, về sau được thay thế bằng tờ bán nguyệt san Tiếng Quê Hương do phái đoàn VN ở Paris in ra (trong thời gian có hòa đàm ở đây) nhưng được sửa đổi để có tin Hoa Kỳ, tôi còn cố gắng ra hết thảy là khoảng 150 tài liệu mang tên Vietnam Info Series, mỗi tập từ 10-15 trang trở lên và có cái đến trên 120 trang (như cuốn về Chương trình Người Cày Có Ruộng năm 1971). Thành thử tôi thấy khá lạ là một độc giả mới đây viết trong Thế Kỷ 21 là khoảng năm 1971 anh ta đến Sứ quán hỏi tài liệu về Việt Nam, không những không có mà còn bị hắt hủi, xua đuổi. Sự thực là nếu anh đến Sứ quán HTĐ lúc bấy giờ, không những anh sẽ có nguyên một tường dài tài liệu từ trên xuống dưới mà muốn lấy cái nào cũng được. Tất cả 150 số Vietnam Info Series mà tôi nói trên đây ngay giờ vẫn còn tìm thấy được ở Thư viện Quốc hội Mỹ (Library of Congress) hay Thư viện Ollin ở Cornell University.

 

Sở dĩ tôi phải nói hơi dông dài như trên là vì cuốn “Vietnamese architecture” của hai tác giả Nguyễn Năng Đắc và Nguyễn Quang Nhạc, viết thẳng trong tiếng Pháp và được Vietnam Council on Foreign Relations ở Sài-gòn in ra khoảng năm 1970, đã được tôi dịch sang tiếng Anh, trình bầy lại khá trang trọng để thành một số trong Vietnam Info Series. Cái đặc biệt của cuốn này là khi nó được in ra vào đầu năm 1971, báo Washington Star, một trong hai tờ báo chính ở Washington thời bấy giờ, đã có nguyên một bài điểm sách khen là ngay trong chiến tranh mà Sứ quán Việt Nam đã có được một ấn phẩm về văn hóa mà dễ thương như vậy. Báo lớn mà đi điểm một ấn phẩm của một sứ quán, mà lại còn khen, thì thật là chuyện hy hữu, gần như không bao giờ xảy ra cả.

Cuốn “Vietnamese architecture” chỉ là một tiểu sách (pamphlet) khổ 8x11 inches, chừng 32 trang. Do đó nó là một tiểu phẩm so với cuốn sách đồ sộ hơn mà tôi viết về 1000 năm thi ca VN. Cuốn này, tôi đã bỏ ra 14 năm để hoàn tất, bắt đầu từ năm 1959 và đến tháng 11 năm 1974 thì sách được đưa in. Cuốn này, “A thousand years of vietnamese poetry”, được UNESCO bảo trợ, giao cho Asia Society of New York làm việc với tôi trong nhiều năm, và có sự cộng tác của những nhà thơ hàng đầu của Mỹ như W.S. Merwin, Burton Raffel, Robin Morgan, Kenneth Pitchford v.v... Rồi trước khi cuốn sách ra đời vào tháng 2/1975 do nhà xuất bản uy tín hàng đầu của Mỹ là nhà xuất bản Alfred A. Knopf in ra thì tôi cũng đã có dịp trong nhiều năm, từ năm 1966 đến 1971, đi trình bầy trên radio địa phương, truyền hình toàn quốc của Mỹ cũng như đi đọc nơi các đại học của Hoa Kỳ (Columbia, Cornell, Harvard, Antioch, UCLA, v.v...) Những người đi đọc hay trình bầy chung với tôi là những người tên tuổi như Robin Morgan (em gái kết nghĩa của tôi, về sau là một trong những lãnh tụ hàng đầu của phong trào phụ nữ quyền ở Mỹ), Andrea Miller (con gái của Mitch Miller, trưởng ban nhạc Sing Along With Mitch) và nhất là Steve Addis, người nhạc sĩ đã mặc áo bà ba đen đi hát rong khắp miền Nam Việt Nam với Phạm Duy và giờ đây là một giáo sư nổi tiếng về Nhật bản học.

Có lẽ vì vậy mà khi cuốn sách xuất hiện, rất là đẹp, nó đã được điểm bởi rất nhiều báo ở trên toàn quốc Mỹ, không trừ Kirkus Review, Criterion, The New Republic và Library, và hầu hết là ca tụng hết mình truyền thống thi ca Việt Nam (qua những bản dịch của tôi) mà họ cũng nhìn ra là đôi khi rất khác thơ Trung hoa. Có thể chính đây là lý do tại sao nhiều bài thơ tôi dịch trong cuốn đó giờ đây đã được đưa vào các sách giáo khoa của Mỹ, ít nhất cũng là đã vào 40 bộ sách dạy về lịch sử (World History) hay văn học thế giới (World Literature) từ năm 1972 tới nay, từ tiểu học lên đến đại học nhưng phần lớn là sách cho trung học đệ nhất và đệ nhị cấp (mà có bộ in tới 150 nghìn, lại có bộ in tới 200 nghìn bản). Thơ tôi dịch cũng đã được đưa vào nhiều tuyển tập thơ Á đông, như “Voices of modern Asia” (“ Những tiếng nói Á châu hiện đại”) của Dorothy L. Shimer (New American Library, 1973), hoặc đưa vào phim, như phim “Họ Việt, tên Nam” (“Surname Viet, First name Nam”) của Trịnh Thị Minh Hà và “From Hollywood to Hanoi” của Tiana Alexandra. Nhưng điều làm cho tôi hãnh diện nhất chính là 40 bài thơ của Việt Nam đã được đưa vào sách “World poetry” (“Thi ca thế giới”) do Katherine Washburn và John S. Major chủ biên dưới sự giám sát của Clifton Fadiman, một cuốn Book-of-the-Month Club: tôi đã là dịch giả của khoảng 4/5 những bài đó (mấy bài còn lại là do G.S. Huỳnh Sanh Thông và B.S. Nguyễn Trần Huân). (Thiết tưởng cần thưa ngay là một cuốn sách được chọn làm Book-of-the-Month thường là in trên 100 nghìn bản trở lên.) Đây là bằng chứng hùng hồn nhất là thơ Việt Nam đã được xem là ngang hàng với những truyền thống thơ lớn nhất của nhân loại.

 

Mỹ thuật

 

HTA: Ở quyển viết về hội họa cận hiện đại Việt Nam mang tên “An ocean apart”/ “Nghìn trùng xa cách” (Smithsonian in ra năm 1995) cũng như ở quyển “Vietnamese architecture”, anh dựa vào tài liệu chính yếu nào? Hai tác phẩm ấy gây được ảnh hưởng gì trong giới Việt Nam Học Thuật gia của thế giới Âu Mỹ?

 

NNB: Bỏ ra ngoài sự kiện là những sách Anh nêu trên bây giờ đều hiện diện ở trong các thư viện lớn của Hoa Kỳ, ảnh hưởng chính của chúng là từ khi có những tác phẩm đó không ai có thể viết về kiến trúc Việt Nam hay hội họa cận hiện đại của Việt Nam và người Mỹ gốc Việt mà không phải trở về, mà không tham khảo những sách đó được. Nói cách khác, chúng là những mốc đường không thể không đi qua khi nghiên cứu về hai lãnh vực trên. Nhất là cuốn “Nghìn trùng xa cách” được xem là một cuốn danh mục song ngữ mẫu mực hướng dẫn người ta đi vào thế giới hội họa cận hiện đại của Việt Nam và của người Mỹ gốc Việt, hai nhóm “cách nhau một đại dương” nhưng vẫn chia sẻ khá nhiều yếu tính Việt Nam. Cuốn sách này, do đó, nói lên là không chế độ chính trị nào, không một sự thù hằn nào có thể chia cách anh chị em đồng bào của cùng một gốc, một giống nòi mà ra.

 

Cách đây chừng hai năm, có một vị giáo sư về hội họa và mỹ thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh (tức Sài-gòn) sang gặp tôi và nói: Cuốn “Nghìn trùng xa cách” là cuốn catalogue mẫu mực nhất mà chúng ta có về hội họa Việt Nam. Không những các tranh trong đó được in lại với một độ trung thực 100 phần trăm mà có lẽ chỉ Smithsonian mới có thể đảm bảo được, cuốn sách cũng không thiên vị ai hoặc phải nịnh bợ chế độ nào, nó cũng hoàn toàn chính xác trong các chi tiết. Ở trong nước ai cũng thèm có cuốn sách này, những họa sĩ có tranh trong sách được tặng một cuốn và họ quý nó như vàng.

Từ đó, nghĩa là từ 1995 khi cuốn đó ra đời, tôi đã được xem hàng trăm nơi trích dẫn từ cuốn sách, trong cả sách báo tiếng Việt lẫn sách tiếng Mỹ. Sở dĩ vậy là vì cuốn sách không tìm cách giấu sự thật về một giai đoạn lịch sử mỹ thuật, tuy có phần vẻ vang song không thiếu những sự thực đau lòng. Như trường hợp Bùi Xuân Phái, một trong những nhà hội họa lớn nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX, đã bị vùi dập như thế nào chỉ vì ông đã tham gia phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm.

 

HTA: Nghe nói anh cũng là người am tường về thẩm mỹ học, và anh có viết về đồ gốm Việt Nam. Xin anh nói sơ qua về những món cổ ngoạn Việt Nam và tranh dân gian Đông Hồ.

 

NNB: Vâng, tôi có hoàn tất một bản thảo dầy khoảng 600 trang về lịch sử đồ gốm Việt Nam mà tôi xin tạm gọi là Bảy “nghìn năm đồ gốm Việt Nam”. Sách trong căn bản đã hoàn tất được gần 20 năm nay nhưng tôi chưa có phương tiện để in vì in cuốn này sẽ rất mắc (nhiều hình màu v.v...) Thành thử tôi cứ để đó, để lúc nào có nhiều tiền hay gặp cơ hội thuận tiện thì sẽ đem ra trình làng.

Bây giờ xin nói sơ rất sơ qua một hai chuyện về đồ gốm và cổ ngoạn VN. Đồ gốm Hoa Lộc của Việt Nam, chẳng hạn, rất đẹp dù là đã cách xa chúng ta gần 2500 năm và không hề bị ảnh hưởng Trung-hoa. Một nghìn năm đô hộ của Trung-hoa sau đó, hiển nhiên, đã lưu lại một số ảnh hưởng của họ. Mặc dầu vậy, đồ gốm Lý-Trần vẫn còn lưu giữ được những nét rất độc đáo của Việt Nam mà mấy đặc điểm rõ nhất là: ảnh hưởng của Phật giáo với đề tài lá sen, hoa sen thể hiện ngay trong hình thù của đồ gốm trắng thời đó (chứ không nhất thiết qua các hình vẽ ở trên gốm) và những nét vẽ khá phóng túng, sơ sài, thậm chí đôi khi vụng về cũng có nhưng sống động. Chưa kể một số hình dạng rất mới, rất hiện đại mà ở Tây-phương có khi phải đợi đến thế kỷ thứ 20 mới có. Từ cuối Trần, đầu Lê trở đi, đồ gốm Việt Nam đã cạnh tranh được với đồ gốm Trung-hoa và sứ Bát-tràng đã được đem làm cống phẩm đưa sang Thiên triều (theo “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi). Một lọ bình sứ thời Lê Nhân-tông (năm 1450), Đại hòa bát niên (năm thứ 8 niên hiệu Đại-hòa), hiện được trưng ở bảo tàng nhà vua Topkapi Sarayi ở Istanbul, Thổ-nhĩ-kỳ và được xem là một tuyệt tác của đồ gốm Việt Nam, sản phẩm gần như chắc chắn là của lò gốm Chu-đậu ở Hải-dương (dù như chữ ghi trên lọ bình đó là “Nam-sách châu tượng nhân Bùi thị hý viết” (người thợ ở châu Nam-sách họ Bùi vẽ chơi). Có khoảng một thế kỷ, vì ở Trung-hoa có lệnh cấm xuất cảng đồ sứ Trung-hoa nên đồ sứ Việt Nam hầu như chiếm ngự thị trường quốc tế về cổ ngoạn, và ta chỉ mất thị trường này vào thế kỷ 17-18 sau khi có sự cạnh tranh ngày càng ráo riết của đồ sứ Thái-lan, đồ sứ Nhật và cuối cùng là đồ sứ Trung-hoa trở lại thị trường. Dù như kỹ thuật đồ sứ Việt Nam gần như không bao giờ đọ được với sự tinh vi của kỹ thuật đồ sứ Trung-hoa, tỷ như đồ Giang-tây, song đồ sứ Việt Nam ngày nay vẫn được đánh giá là nhiều khi mỹ thuật hơn, theo nghĩa là sống động, bay bướm hơn hình vẽ (còn gọi là hoa văn) trên đồ sứ Trung-hoa. Điều này dẫn đến một sự hòa hợp lạ lùng trong đồ bleus de Huế, tức sứ hoa lam mà người Pháp tìm ra ở Huế nên gọi như thế. Đích thật, những món sứ bleus de Huế mà đẹp nhất là do Bắc bình vương Nguyễn Huệ cho mang từ Hà-nội vào vì đó là những đồ sứ sản xuất ở các lò Cảnh-đức-trấn (bên Giang-tây, Trung-hoa) do nhà Lê và các chúa Trịnh đặt làm rồi Nguyễn Huệ thấy đẹp quá cho mang vào Phú-xuân, tức Huế sau này. Nguyễn Huệ chưa hưởng được bao nhiêu thì Nguyễn Ánh thu phục lại sơn hà và do đó hưởng cái di sản vĩ đại về đồ gốm này. Có người cho rằng đó là đồ gốm Trung-hoa (vì do thợ Tầu làm ra ở bên đó) nhưng riêng tôi, cũng như một số chuyên gia về cổ ngoạn, thì muốn xem là đồ sứ Việt Nam. Vì sao? Vì các hình mẫu trên đồ sứ đó là do các thợ Việt Nam vẽ rồi gửi sang Trung-hoa đặt làm. Do đó, cái design là hoàn toàn của Việt Nam. Cũng tựa như ngày nay, xe Toyota, xe Honda của Nhật sản xuất ở Mỹ, do các thợ Mỹ trong các nhà máy Mỹ sản xuất ra, song mẫu mã vẫn là do các kỹ sư, các designers Nhật làm ra, và do đó người ta vẫn gọi những xe đó là xe Nhật.

 

Còn về tranh Đông-hồ thì từ thế kỷ thứ 17, trong sách “Thiên nam ngữ lục” đã có nhắc đến loại tranh lợn tranh gà này rồi. Từ đó người Việt Nam, ít nhất ở miền Bắc, cứ nghĩ đến Tết là người ta nghĩ đến mua một hai bức tranh Đông-hồ (tên một làng ở Bắc-ninh chuyên làm loại tranh này) để trưng, trước nhất là để cho vui cửa vui nhà, sau nữa là để mang lại phúc lợi cho gia đình, thân tộc, vì người ta tin là bức tranh có một ý nghĩa tượng trưng, nếu treo một bức “Vinh hoa” (đứa bé ôm con gà trống) hay “Phú quý” (đứa bé ôm con vịt) thì những món này trong năm sẽ đến với gia đình mình. Đây hiển nhiên là một quan niệm ngây thơ nhưng ngược lại, nó cũng biểu hiện một niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của mỹ thuật: nếu ta bị thu hút khi trông thấy một bức tranh đẹp hoặc một người đàn bà đẹp thì cũng tương tự, Vinh hoa phú quý cũng có thể bị bức tranh dụ đến nhà mình được. Chỉ khi nào ta hiểu được lối suy nghĩ tượng trưng này, ta mới nhập được vào thế giới gần như ảo thuật này của cha ông chúng ta trong tranh Đông-hồ hay tranh Hàng Trống hoặc tranh Sịa (ở miền Trung). Và có nghĩ như vậy ta mới hiểu được những truyện Tàu hay truyện ta mà trong đó có người đẹp lẻn ở trong tranh ra nấu cơm cho người tình rồi lại biến mất vào tranh khi tình nhân trở về.

 

Ở trong Nam không có loại tranh Đông-hồ và giờ đây, ta có lịch Tết, nhiều lịch vẽ hay chụp đàn bà thật đẹp nhưng cái thế giới thơ mộng, kỳ ảo kia thì hoàn toàn biến mất. Đó là một sự mất mát không nhỏ.

 

 

Ngôn ngữ học lịch sử

 

HTA: Xin anh nói qua quyển viết về lịch sử ngôn ngữ của chúng ta (tựa là “Những địa tầng ngôn ngữ trong lịch sử tiếng Việt”) mà anh viết chung với chị Đào thị Hợi, phu nhân của anh, vào năm 1982-1983. Hình như chị Đào đỗ Tiến sĩ về môn ngôn ngữ học, có phải? Nếu đúng như thế thì công việc tiến hành thật xuôi chèo mát mái, có phải?

 

NNB: Xin thưa ngay để khỏi bị ngộ nhận là quyển sách mà anh nói chưa hẳn là một tác phẩm dầy về lịch sử tiếng Việt. Cuốn này có lẽ hãy còn chờ một tác giả có nhiều thời giờ để hoàn tất hơn chúng tôi. Tuy nhiên, cuốn sách nhỏ đó là sản phẩm của một chương trình dành riêng cho ngành Việt học được trình bầy tại Đại hội hằng niên của Tổng Hội Giáo Dục Việt Mỹ (National Association for Vietnamese Education, gọi tắt là NAVAE) năm 1982 ở Nam Cali.

 

Vì bài thuyết trình của tôi có khá nhiều khám phá mới mẻ (so với sự hiểu biết về ngôn ngữ học lịch sử VN vào thời điểm đó) nên được không ít người để ý. Sau đó, với sự khuyến khích của một số anh em bạn (trong đó có nhà văn Võ Phiến, nêu ra nhu cầu cần phải sớm công bố những tìm tòi của mình), chúng tôi đã gởi cho báo Văn Hóa của nhạc sĩ Cung Tiến ở Minnesota in làm 3 kỳ rồi lại có người đề nghị chúng tôi đem in thành một cuốn sách mỏng. Chuyện này đã được VICANA (Hội Văn Hóa VN tại Bắc Mỹ) thực hiện rồi phát hành giới hạn (200 bản). Sang năm sau, tôi đem phần khảo cứu về chữ Nôm viết lại thành một bài tham luận trong tiếng Anh để đọc ở Association of Asian Studies Southeast Conference (tức Hội nghị các tiểu bang miền Đông Nam Hoa Kỳ của Hội Á Đông Học, một hội quốc tế lớn có hàng chục nghìn hội viên là học giả chuyên ngành về mọi khía cạnh lịch sử và văn hóa Á đông). Bài này sau đó được kỷ yếu của Hội nghị in lại (họ chỉ chọn in lại trọn vẹn 10 bài xuất sắc trong số các bài tham luận trong năm) và anh giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, lúc bấy giờ coi Viện Nghiên cứu Đông dương (Indochina Institute) ở VĐH George Mason (Fairfax, Virginia), gợi ý để cho Viện in thành một cuốn sách mỏng mang tên “Chữ Nôm, the demotic script of Vietnam” (1983). Một cuốn sách như vậy hiển nhiên không phải là để cho đại chúng nhưng dầu sao, nó cũng đã nhận được những sự góp ý sâu sắc của các nhà ngôn ngữ học lịch sử như cụ Nguyễn Khắc Kham hay G.S. Nguyễn Đình Hòa cũng như các giáo sư người Anh chuyên về ngôn ngữ học Đông Á / Đông Nam Á Châu như G.S. Eugénie Henderson (University of London, nay đã mất) và G.S. Jeremy Davidson (Trường Đông-phương và Phi-châu-học, University of London).

 

Còn chuyện nhà tôi tham gia trong công trình này thì cũng là có thật, qua một số hình thức. Đúng như anh Hồ Trường An nghĩ, nhà tôi, cùng với một chị bạn cùng phòng (“roommate” trong tiếng Anh), cô Dương Thanh Bình, là hai người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đậu bằng tiến sĩ giáo dục về ngôn ngữ học ở Teachers College thuộc Viện Đại học Columbia ở Nữu-ước vào năm 1965. Như vậy, khi có những điều cần tham khảo hay bàn bạc về âm học (phonetics), âm vị học (phonemics) hay ngữ âm học (phonology) hai chúng tôi vẫn có thể bàn thảo một cách hữu ích được. Sau nữa, khoảng cuối thập niên 1960 nhà tôi đại diện Bộ trưởng Bộ Giáo dục VNCH, lúc bấy giờ là Bác sĩ Nguyễn Văn Thơ, trong Tổ chức các Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO, Southeast Asian Ministers of Education Organization). Trong cương vị này nhà tôi có nhiều dịp đi sang họp ở một số nước Đông Nam Á như Thái-lan, Mã-lai, Singapore, Nam-dương. Khi sang Bali và Nam-dương, nhà tôi chú ý thấy người Nam-dương có nhiều nét và nếp sinh hoạt giống người mình nên thường về chia sẻ với tôi. Từ đó, chúng tôi thấy những thuyết như của G.S. Nghiêm Thẩm và một số nhà nhân chủng học người Tây phương về liên hệ Nam Á (Austroasiatic), Nam Đảo (Polynesian) là có thật. Dựa vào đó, chúng tôi khai triển thuyết (mà giờ đây được nhiều người xem là khá thuyết phục) nguồn gốc của tiếng Việt, tỷ dụ cách đây 3000-4000 năm, là một nguồn gốc Mã-lai Đa đảo (Malayo-Polynesian). Thuyết này, chính tôi đã khai triển thành bài “Tiếng Việt, tiếng Nhật và họ Mã-lai Đa-đảo” có in trong Dòng Việt số 2, tập 2, ra năm 1994 mang tên “Tuyển-tập ngôn-ngữ và văn-học Việt-nam”, trang 437-480). Song song với công việc tôi làm, trong vòng hơn 20 năm qua, Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng (trước ở Seattle, tb. Washington, và giờ ở miền Nam Cali) lại còn làm một công việc vĩ đại hơn, đó là ông đã khai triển thành một cuốn từ điển với hơn 100 nghìn thí dụ, so sánh tiếng Việt (những chữ không phải là tiếng Hán) với các ngôn ngữ của các nhóm dân tộc láng giềng với ta, nghĩa là khó có thể phủ nhận được.

 

Hoạt động diễn thuyết, viết tựa, bạt và điểm sách

 

HTA: Anh đi diễn thuyết nhiều nơi. Trên diễn đàn, anh thường giới thiệu nhiều quyển sách có giá trị. Anh viết nhiều bài Tựa, bài Bạt xuất sắc cho nhiều tác phẩm của thân hữu và cho những quyển do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ do anh và chị Trương Anh Thụy chủ trương xuất bản. Anh có ý định tuyển chọn những bài xuất sắc để hình thành một cuốn sách như loại tạp bút của nhà văn văn Võ Phiến không? Nếu có hoặc không, xin anh cho biết lý do.

 

NNB: Có một vài sinh hoạt tôi làm việc đều đặn như anh vừa nêu. Đó là vì tôi chủ trương, một nền văn hóa không thể phát triển hay ngày một tiến lên được nếu ai cũng thờ ơ trước những công lao mà người nghệ sĩ đã đóng góp cho xã hội, nhân quần. Do đó, cần có một lớp người chủ động đi tìm ra những cái hay, của lạ trong sinh hoạt văn nghệ của một cộng đồng (nên nhớ là cộng đồng hải ngoại của người Việt cũng đã đến gần 3 triệu người, nghĩa là bằng dân số của một nước nhỏ) rồi đem giới thiệu với mọi người. Chính Hồ Trường An là một gương mẫu trong việc làm này với những tác phẩm mà tôi gọi là giới thiệu các tác giả của HTA. Mai mốt tổng cộng những tác phẩm loại này của HTA cũng sẽ tới hàng chục cuốn, chúng sẽ làm vốn cho người nào viết văn học sử của chúng ta sau này.

 

Tuy nhiên, khi giới thiệu một tác phẩm hay một tác giả, tôi không chủ trương ca tụng người đó lên mây vì đây là cách hữu hiệu nhất để giết chết nền văn nghệ của chính mình. Người tác giả hay làm nhạc, thấy mình được ca tụng, nở mũi lên một lúc, song biết đâu chính người ca tụng mình lại là người hại mình. Lấy một tỷ dụ. Tôi biết một người khá quen thuộc trong cộng đồng, có lẽ vì nể nang và đặc biệt vì được tặng mỗi lần có một sản phẩm mới cần lăng-xê, anh liền ca tụng cái CD đó lên mây (“hay nhất, tuyệt nhất, tình tứ nhất, cảm động nhất...”). Khổ nỗi, nếu cái gì cũng nhất thì cái nào là thực sự có giá trị, thực sự hay? Thế là mỗi khi tôi đọc được đến cái chữ “nhất” này là lập tức, tôi bịt tai lại và quyết định không mua cái CD đó nữa. Thế có phải là tác giả cái CD kia mất một khách hàng, đôi khi thật oan uổng.

 

Mỗi khi viết giới thiệu (viết Tựa hay viết Bạt), tôi chú ý làm nổi bật lên một nét nào đó đặc sắc hay đặc thù của sản phẩm hay tác phẩm tôi có trước mắt. Như vậy, bài giới thiệu có thể không cần dài song người đọc tôi có thể rút ra ngay được một kết luận dựa trên nội dung bài tôi viết hay giới thiệu. Nếu là người đồng cảm, nghĩa là cùng tần số với mình thì có thể mình chạy ngay đi mua tác phẩm kia. Chứ tôi cũng không tìm cách ngoa ngôn mà nói là tác phẩm này, đối với bất cứ ai là cũng có thể thưởng thức hay thấy có điều bổ ích. “Cần phải có trong tủ sách của mọi nhà”, chẳng hạn, thì không phải là một lời phê bình mà đó là một lời quảng cáo dầu cù-là.

 

Còn anh hỏi tôi có ý định đem gom những bài giới thiệu đó thành một cuốn sách tạp bút như một số người đã làm không thì phải thú thật, tôi chưa có ý định đó. Lý do đơn giản: những bài viết đó, ngay dù công phu, vẫn chưa phải là những bài giới thiệu thật đầy đủ hay thật đúng nghĩa của nó. Nó thường chỉ là một vài nét phác họa, sơ sài, những “pièces de circonstance” như người ta nói trong tiếng Pháp. Chưa phải là những bài thật nghiêm chỉnh.

 

Một việc làm khác tôi làm đều đặn trong vòng 15 năm, từ 1985 đến khoảng năm 2000 rồi lác đác hơn những năm sau này, là việc viết “tổng kết văn học” (hiểu là “hải ngoại” là chủ yếu) hàng năm cho các số Xuân của một vài tờ báo hải ngoại (như Nhân Bản ở Pháp, Độc Lập ở Đức, và nhất là Ngày Nay ở Houston, Texas). Những bài này được một số người đánh giá cao và ở bên Úc, tôi biết đã có người dùng làm tài liệu giáo khoa để cho các sinh viên đọc hàng năm. Nhiều người đã khuyến khích tôi gom hết cả mấy bài đó lại rồi in thành một cuốn sách chừng dăm trăm trang gì đó. Tôi rất muốn làm chuyện này song lại ngại một phần là vì, trong khi viết để cho đúng kỳ hạn, đôi khi tôi cũng đã mắc phải một vài lỗi, thiếu chính xác ở chỗ này hay hơi thiên lệch ở chỗ kia dù như tôi đã cố gắng hết sức. Vì vậy nên nếu có làm chuyện này thì có thể tôi cũng cần phải bỏ ra nhiều thời giờ để xét lại, duyệt lại cho tránh bớt được những khiếm khuyết kia đi.

 

Có khuynh hướng học thuật

 

HTA: Có người cho rằng anh có khuynh hướng học thuật. Như khi viết cái Bạt cho quyển “Thi kinh Quốc phong” của cụ Kim Y Phạm Lệ Oanh phiên dịch thơ thái cổ của Trung hoa và biên soạn (về phân loại, nguồn gốc, giải nghĩa ngôn ngữ v.v...), anh làm cho độc giả có cảm tưởng như đó là một thiên tiểu luận đúng hơn là một bài Bạt. Anh nghĩ sao đây? Bài ấy đưa ra nhiều kiến thức chính yếu cốt giúp cho độc giả nắm bắt một vài điểm then chốt trong phần Quốc phong, có đúng không?

 

NNB: Có lẽ anh nói đúng và đó có thể cũng là một cái tật của một người như tôi, được huấn luyện quá lâu năm trong môi trường đại học của Âu Tây và Nhật bản, rồi tôi lại còn đi dạy, đi huấn luyện giáo sư trong nhiều năm (như sáu năm tôi làm teacher trainer ở Trường Sinh ngữ VĐH Georgetown, 1980-1986, rồi ba năm ở hãng COMSIS, Tiến sĩ Trần Hương Mai làm giám đốc, 1994-1996), làm thầy hướng dẫn luận án (cấp cao học và tiến sĩ) cho một số người (từ Ấn độ sang đến Hoa kỳ) nên tôi có thói quen đòi “nói phải có sách, mách phải có chứng”. Từ đó, khi mình viết cũng đâm ra có thói quen dễ ngả về học thuật. Nhưng đối với những sách như “Thi kinh Quốc phong” của cụ bà Kim Y Phạm Lệ Oanh thì nhiều người lại cho bài Bạt của tôi rất hữu ích tuy so với một bài bạt bình thường thì người ta cho là bài của tôi có thể hơi quá dài.

 

HTA: Bộ Kinh Thi có 4 phần: Quốc phong, Đại nhã, Tiểu nhã và Tụng (phần nầy chia làm ba phần nhỏ như Chu tụng, Lỗ tụng và Thương tụng). Nhưng tại sao phần Quốc phong chẳng những được các học giả chú ý lại còn phổ biến hơn trong dân gian Trung Hoa? Có phải nó hợp tâm tình của dân gian không?

 

NNB: Quả có vậy. Quốc phong là tiếng nói dân gian dù như người Trung quốc, trong một thời gian dài, dưới ảnh hưởng của lối diễn dịch Tống nho (chủ yếu theo học phái mà người ta gọi là Chu-Trình, tức Chu Hy và Trình Di), đã cố gắng giải thích những bài thật đơn sơ như là lời của bà hậu này hay ông vua kia. Thành thử một bài như bài “Quan quan thư cưu” ở đầu tập đã bị biến thành lời của bà Hậu phi cho nó sang, trong khi đó ngày nay ai cũng có thể hiểu được đó chỉ là một bài tình tứ về quan hệ trai gái đoan trang mà thôi, khác với những bài Vệ phong mà Dương Quảng Hàm cho là nói về những tục dâm bôn của dân nước Vệ. (Trong ngôn ngữ ngày nay, có lẽ ta chỉ nói là những bài Vệ phong có phần phóng túng hay hơi sexy một chút thôi chứ có lẽ chữ “dâm bôn” thì là quá nặng.)

 

HTA: Có kẻ bảo Kinh thi là ca dao miền Hoa Bắc, còn Sở từ là ca dao miền Hoa Nam. Tại sao còn có người bảo Sở từ là do Tống Ngọc sáng tác? Sự khác biệt tình ý giữa Kinh thi và Sở từ ra sao? Còn những điểm tương đồng của cả hai nữa.

 

NNB: Sở từ mà bảo là ca dao, tôi e không đúng. So với Kinh thi, nhất là Kinh thi Quốc phong thì Sở từ cao hơn nhiều. Như Nguyễn Khắc Phi viết trong “Từ điển văn học” (của Hà nội) thì: “Sở từ gồm những câu dài ngắn không đều xen kẽ tiếng đệm ỏhềõ để điều tiết âm điệu, nồng đượm màu sắc trữ tình và lãng mạn, chồng chất những hình ảnh tượng trưng lấy trong thế giới tự nhiên, ngôn ngữ bóng bảy, đẹp đẽ, tinh tế”. Khuất Nguyên ở thế kỷ IV trước C.N., người sáng tác nhiều khúc trong Sở từ, đặc biệt là khúc Ly tao, được xem là tác giả có cá tính đầu tiên trong lịch sử thi ca của Trung quốc. Đó cũng là đặc điểm của miền Nam (ở đây là miền Nam Trung hoa), nơi con người ta rộng rãi hơn, phóng túng hơn nên cũng có cá tính hơn. Còn Tống Ngọc thì chỉ là một đệ tử của Khuất Nguyên, và ông cũng chỉ có đôi ba bài trong đại tuyển tập mang tên Sở từ. Tuy nhiên, người ta cho là ông đã có công dựa vào hình thức của Sở từ để đẻ ra thể phú.

 

Về mặt tình ý như anh hỏi thì Kinh thi và Sở từ rất khác nhau, thậm chí không có bao nhiêu chuyện tương đồng. Một bài nghiên cứu ở miền Bắc đã viết về Sở từ như sau: “Khuất Nguyên đã viết tới 23 trước tác nổi tiếng (trong “Sở từ”) bao quát một phạm vi nội dung phong phú. Đó là thiên Quốc tụng xinh xắn giản dị, Cửu ca tươi tắn và linh hoạt, Thiên vấn hùng tráng và kỳ lạ, Ly tao cùng phần lớn của Cửu ca sôi sục như mưa giông, chớp giật, vừa huy hoàng rực rỡ lại vừa cô đọng sâu lắng”. Không ai có thể mô tả Kinh thi Quốc phong như thế được. Một đoạn khác còn nói: “Ly tao còn nói lên những thể nghiệm sâu sắc trong đời sống của nhà thơ, đạt tới mẫu mực của tác phẩm thơ tự truyện, trữ tình tuyệt mỹ, diễn tả toàn bộ thân thế sự nghiệp, tình cảm và hoài bão chính trị “trị quốc, tu thân” của bản thân nhà thơ... So với Kinh thi, sáng tác của Khuất Nguyên về cú pháp, khuôn khổ cũng như về phương pháp thể hiện đều đạt tới bước phát triển, đổi mới về căn bản, phù hợp với việc thể hiện những nội dung tương đối phức tạp”. (Nguyễn Đại viết trong “Sở từ”, Đào Duy Anh và Nguyễn Sĩ Lâm dịch và chú thích, Nhà xb Văn Học, Hà nội, 1974). Có điều vì là cuốn sách viết và in ở Hà-nội thời còn bao cấp, thời Mác-Lê còn ngự trị nên ông Nguyễn Đại không dám nói đến một nét căn bản của Sở từ và Ly tao, đó là tính cách tâm linh và tôn giáo (ảnh hưởng Đạo giáo rất mạnh) của những tác phẩm này.

 

Ca dao, dân ca và âm nhạc Việt Nam

 

HTA: Ca dao Việt Nam đa số là những bài bộc lộ tình ý trai gái hơn là mỉa mai nhân tình thế sự, có đúng không? Xin anh nói qua tính chất chính yếu chung của ca dao và đặc tính của ca dao ở từng miền Bắc Trung Nam.

 

NNB: Anh giao cho tôi một công việc hơi nặng đấy. Người ta có thể viết dễ dàng một cuốn sách vài trăm trang về đề tài này. Nhưng thôi, tôi xin nói như thế này. Tôi cho là có một sự liên hệ rất chặt chẽ, gần như hữu cơ giữa ca dao Việt Nam, dân ca và âm nhạc Việt Nam. Tôi đã nhiều lần được mời đi diễn thuyết về dân ca ba miền thì tôi để ý: miền Bắc nhiều nhạc tình (tỷ dụ, hầu hết các bài hát Quan họ Bắc-ninh, hay đa phần những bài hát ghẹo, hát xoan như ở Phú-thọ thì là những bài thơ tình được phổ nhạc). Vào đến miền Trung thì dân ca và âm nhạc Việt Nam xem ra phong phú nhất, đa dạng nhất. Ở đây chúng ta có Hát Giặm Nghệ Tĩnh, hát Bài chòi ở Quảng-nam (???*), Nam ai Nam bình ở Huế, rồi các loại hò (như Hò giã gạo, Hò trên sông), loại lý (như Lý con sáo, Lý qua đèo, Lý quạ kêu v.v...) Sở dĩ vậy là vào đến miền Trung dân tộc Việt chung đụng với một nền văn hóa khác, văn hóa Chàm (hay còn gọi là Chăm), một nền văn hóa với một nền âm nhạc rất phát triển. Vào đến trong Nam, đất nước rộng mở hơn, con người ta cũng bắt đầu thuần nhất hơn nên tuy nhạc miền Nam khá phong phú, nó không có cái da diện và đa dạng của nhạc miền Trung. Người ta lại trở lại nhạc tình và nhạc ru em dù như vẫn có những nét mới so với dân ca dân nhạc hai miền kia. Tỷ dụ như ảnh hưởng nhạc Ấn-độ trong các cách syncopation (tức là ngắt nhịp xong lại hát tiếp) hay tính cách tươi vui, nghịch ngợm ít thấy trong dân ca miền Bắc hay miền Trung. Tóm lại, miền Bắc cổ kính, có chiều sâu lịch sử, nhạc miền Bắc là loại nhạc đã được lọc qua thời gian; nhạc miền Trung là một nền nhạc phong phú, đa dạng đến từ nhiều nguồn gốc khác nhau (tỷ dụ, so các điệu Bắc với các điệu Nam); còn nhạc miền Nam thì mới hơn, vui đời, phá phách hơn.

 

Nhạc miền Nam: Cổ nhạc não nùng

 

HTA: Người Nam Kỳ thời tiền chiến sống phè phỡn về vật chất, nhưng sao cổ nhạc của họ lại ai oán não nùng? Còn người Bắc Kỳ phải vật lộn với cuộc mưu sinh, nhưng tại sao những bài dân ca điệu Bắc nói chung và nhất là các điệu hát Quan họ Bắc-ninh lại vui tươi tình tứ?

 

NNB: Anh hỏi một câu thật là khó trả lời và tôi cũng không nghĩ là ai đã có sẵn câu trả lời. Trong những trường hợp như thế này, tôi thiết nghĩ chỉ còn một cách, đó là thử đưa ra một giả thuyết rồi xem có ai phản bác không. Vậy giả thuyết của tôi là như thế này: Trước hết là ngay trong nhạc cổ điển của Việt Nam cũng đã có sự đối lập Bắc-Nam, với điệu Bắc thường vui nhộn và điệu Nam thường ai oán. Rồi có thể có thêm yếu tố miền Nam lúc đầu là một vùng đất quá rộng và dân quá thưa đi. Như trong truyện “Rừng mắm” của Bình Nguyên Lộc mô tả hay trong truyện ở “Gả thiếp về rừng” trong sách “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam, người ta có thể đi xuồng cả nửa ngày không gặp ai nên thèm, rất thèm được gặp một linh hồn khác. Xong lại cũng có thể cái buồn ai oán não nùng của nhạc miền Nam có gốc gác ở chuyện miền Nam là miền đầu tiên của đất nước mất vào tay người Pháp nên cũng như nhạc Chàm trước khi dân tộc này mất nước trở nên đặc biệt buồn thảm và ai oán. Ba bốn yếu tố như thế cộng lại thành một nét đặc sắc cho một dòng nhạc. Một thứ buồn rất dễ lây lan để trở thành một nét nổi bật của cả một nền âm nhạc.

 

Còn cái vui tươi của Quan họ Bắc-ninh, theo tôi, là sản phẩm của một sự đấu tranh trường tồn chống thiên tai, chống thù trong, giặc ngoài song cũng được ít nhiều thiên nhiên ưu đãi (đất phì nhiêu, nhiều tài nguyên v.v...), trái hẳn với những cái khô cằn, chó ăn đá, gà ăn muối của một vài vùng ở miền Trung.

 

Ngôn ngữ văn chương

 

HTA: Hồi tiền chiến, tại sao tiếng Bắc lại được thông dụng trong văn chương hơn tiếng Nam? Rồi sau Hiệp Định Genève, đất nước chia đôi ra Bắc Nam. Ở miền Bắc vẫn có những nhà văn gốc Nam Kỳ viết tiếng Nam như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức... Còn ở miền Nam có những nhà văn gốc Nam Kỳ viết tiếng Nam như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên, Nguyễn thị Thụy Vũ... Nhưng tại sao tiếng miền Trung nói chung và tiếng Huế nói riêng lại ít được sử dụng. Túy Hồng tuy có viết giọng Huế, nhưng không rặt ròng Huế, mà lai căng ngôn ngữ miền Bắc lẫn ngôn ngữ miền Nam. Và trong trên 30 quyển tiểu thuyết lẫn tập truyện của Nhã Ca chỉ có vài ba cuốn được chị ấy viết bằng giọng văn Huế? Tại sao ngôn ngữ miền Trung đi vào văn chương ít oi và khó khăn như thế? Hay là ngôn ngữ ấy thiếu nhạc tính chăng?

 

NNB: Tôi không tin chuyện sau này, chuyện anh nói tiếng Trung có thể do “thiếu nhạc tính” mà ít được dùng trong văn chương. Anh đã có bồ người Trung bao giờ chưa? Chứ riêng tôi hồi nhỏ đã theo đuổi một mối tình vô vọng với một cô gái Huế, cô ta “dỏ dẹ dễ thương” kinh khủng. Thay vì nói “anh ơi”, cô ta lại nói “an nơi” làm con tim mình cứ lịm đi. Rồi “mô, tê, răng, rứa” tùm lum, nghe vui tai, nghe tình lắm. Cho nên người Huế rất nhiều người làm thơ, bởi thơ đi rất gần với nhạc, như ta có thể thấy được trong thơ Hàn Mặc Tử hay gần ta hơn thơ Hoàng Xuân Sơn.

 

Nhưng anh nói cũng đúng là ít người dùng tiếng Huế làm ngôn ngữ văn học. Tại sao? Theo tôi có lẽ tại vì vấn đề này liên hệ đến vấn đề tiếng địa phương trong văn học. Vấn đề này là một vấn đề rất khó giải quyết. Vì để cho một tiếng nói dân tộc được thống nhất, người ta cố tạo ra một tiếng nói tiêu chuẩn. Xưa, đó là tiếng Bắc (tiếng Hà-nội). Rồi từ khi đất nước chia đôi (sau 1954), tiếng Nam (tiếng Sài-gòn) trở thành tiếng tiêu chuẩn của miền Nam, của Radio Sài-gòn, của Truyền hình Việt Nam. Nhưng những tiếng địa phương thì sao? Tiếng Quảng-nam, chẳng hạn. Liệu có thể viết được một cuốn sách rặt tiếng Quảng (“Eng ơi eng, v.v...”) không? Tôi nghĩ chắc hơi khó. Người ta có thể làm một màn giễu, kể một truyện cười bằng tiếng Quảng được, chứ nguyên một cuốn truyện thì e làm cho người đọc mà không phải là người Quảng chắc mệt đừ! Chính vì vậy mà chưa có một cuốn truyện dài viết toàn bằng tiếng Quảng.

 

Ở một nước như Pháp, cái áp lực của tiếng Parisien, tiếng tiêu chuẩn miền Toulouse cũng làm cho rất khó có một cuốn truyện viết toàn bằng tiếng Provenậal. Ở Tây-ban-nha, mãi gần đây với uy tín ngày càng cao của thành phố Barcelona, người ta mới thấy một sự phục hưng của tiếng địa phương Catalan. Ở Anh, phải đợi đến Robert Burns (TK 18) mới có thơ viết bằng tiếng địa phương Scottish chứ viết nguyên một cuốn sách bằng Scottish cũng vô cùng hiếm. Chỉ ở Mỹ là ta thấy có sách tiểu thuyết viết từng đoạn theo tiếng Anh giọng da đen. Có lẽ do vậy mà ta thấy ít sách viết toàn bằng tiếng Huế, tiếng địa phương miền Trung.

 

Ngành Việt Nam học và Trường Viễn Đông Bác Cổ

 

HTA: Theo anh, ở hải ngoại có những ai là người Việt Nam Học Thuật có sở tri vững chắc? Xin anh kể luôn những học thuật gia gốc người Âu Mỹ tìm hiểu sâu xa về văn học nghệ thuật Việt Nam mà anh đã từng gặp gỡ, kết giao.

 

NNB: Anh hỏi tôi một câu thật khó trả lời, trước nhất vì nếu nhắc tên đến người này thì lại có thể phiền lòng đến người khác; thứ nữa là vì tôi không thể nói là biết hết về những đóng góp của tất cả mọi người được. Đó là chưa kể, hiểu thế nào chữ “hải ngoại” của anh? Nhà nhạc học Trần Văn Khê, chẳng hạn, phải xem ông là một nhà Việt Nam học ở hải ngoại hay là một người ở trong nước trong lúc này? Trường hợp nhà nhân chủng học Lê Văn Hảo cũng vậy, đánh giá ông trên những bài ông viết trong thời gian ở với CS hay là sau này khi ông đã sang Pháp? Thành thử may ra, ta chỉ có thể nhắc được lác đác đến một vài người ở hải ngoại như cụ Nguyễn Khắc Kham ở Bắc Cali, một nhà ngữ học và từ điển học cẩn trọng hàng đầu, một người được hầu hết các nhà Việt Nam học ở hải ngoại coi là bậc thầy, kể cả tôi dù tôi chưa được học “thầy” Kham một ngày nào. Những người như ông Hoàng Xuân Hãn, ông Lê Thành Khôi (sử gia trước kia dạy ở Collège de France) hay anh Tạ Trọng Hiệp ở Pháp thì cái sở tri của họ cũng đáng để cho chúng ta liệt kê vào hàng các học giả hàng đầu về Việt Nam ở hải ngoại. Về Nôm học, những người như G.S. Lê Hữu Mục ở Canada hay G.S. Đoàn Khoách, hiện ở San Diego, cũng là những bậc kiệt hiệt. Trong ngành sử học thì ngoài những giáo sư như G.S. Nguyễn Thế Anh ở Pháp, G.S. Phạm Cao Dương ở Mỹ, hiện chúng ta có một lớp sử gia hậu sinh nhưng vô cùng sáng láng như các anh Tạ Chí Đại Trường ở Nam Cali, anh Trần Gia Phụng ở Toronto, anh Nguyễn Đức Cung ở Philadelphia, v.v... là những người rất giỏi, kể không hết được. Về nguồn gốc dân tộc nhóm của ông Cung Đình Thanh ở Úc (và báo Tư Tưởng của ông) đã đào sâu được khá nhiều vấn đề, từ khảo cổ học đến DNA học. Ở Úc cũng có hai nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc Tuấn, cũng như anh Đặng Tiến ở Pháp, là những cây bút xuất sắc. Ta cũng không nên quên những nhà phê bình nữ vừa sản xuất mạnh, vừa có cá tính như chị Thụy Khuê ở Pháp hay Nguyễn Tà Cúc ở Mỹ. Lại có cả những ngành mà rất ít người đi vào như ngành thực vật dân tộc học của G.S. Đinh Trọng Hiếu ở Pháp hay ngành Phật học chuyên về Việt Nam như G.S. Như Hạnh Nguyễn Tự Cường ở George Mason University. Tóm lại, một toàn cảnh rất phong phú mà không cách nào trả lời trong đôi ba câu được. Mới đây, G.S. Nguyễn Văn Trung cũng mang nguyên bộ sách về Việt Nam của ông đem tặng Thư viện Quốc hội Mỹ, chứng tỏ những sách đó là có giá trị cao.

 

Ngành Việt Nam học này giờ đây được dạy ở nhiều đại học lớn ở trên thế giới chứ không phải như trước kia, chỉ dạy ở Pháp (ngoài Việt Nam) là chủ yếu còn lác đác ở Mỹ và Anh, Nhật, Nga và Trung-quốc. Theo dõi những thành tựu về Việt Nam học trên thế giới bây giờ là cả một việc nhiêu khê, và hàng năm đã phải có những hội nghị quốc tế thì mới hòng theo dõi được một phần. Đó là vì bây giờ, có những nhà Việt Nam học người Thụy- điển, Phần-lan, Hòa-lan, Đức, Úc-đại-lợi, Đài-loan v.v... Mà nhiều người đã trở thành những chuyên viên hàng đầu (so cả với người Việt) như các ông Xuân Phúc (tức Pierre Schneider) về chữ Nôm, chẳng hạn, hay Christopher Goscha về địa lý chính trị và lịch sử. Chỉ riêng về một ngành như lịch sử đồ gốm hay cổ ngoạn Việt Nam, những nghiên cứu tiên phong là do các học giả người Nhật (Okuda Seiichi, Ito Kenji, Shimazu Noriki, Yabe Yoshiaki, Mikami Tsugio và nhất là Moritomo Asako), người Úc (John Guy), người Anh (ở Singapore như William Willetts) ngoài người Pháp (Lefebre d'Argencé) và người Mỹ (John Stevenson, Louise Allison Court), không kể những chuyên gia người Phi-luật-tân (Vợ chồng Locsin), Nam-dương (như Abu Ridho và Cheng Lammers, Sumarah Adhyatman) v.v... Người ngoại quốc nghiên cứu về Việt Nam thường có cái nhìn so sánh chính xác hơn chúng ta. Trong khi Việt Nam ta thì lại dễ có khuynh hướng cho mình là cái gì cũng nhất, cũng “đỉnh cao này, đỉnh cao nọ”. Chính thật đây là một lối nhìn thiển cận, một loại “ếch ngồi đáy giếng” làm trì trệ học thuật về đất nước, dân tộc. Thành thử, tôi cho là bất cứ người Việt nào muốn đi vào ngành Việt học, trước khi tỏ ra ngạo mạn, hãy nên đi học thật kỹ xem người nước ngoài đã tìm được ra những gì về đất nước quê hương mình. Vì sao? Vì chúng ta dễ chủ quan cho là mình đương nhiên phải hiểu chuyện Việt Nam hơn người nước ngoài. Không chắc!

 

Nói thế không có nghĩa là tất cả những gì người ta tìm ra về mình là đều đúng cả. Chỉ có một cái niên đại về lọ bình 1450 (Đại-hòa bát niên) ở Topkapi Sarayi (Thổ-nhĩ-kỳ) mà cả thế giới đã đọc sai không biết bao nhiêu kiểu thành thử ta có đọc họ, ta cũng vẫn cần có con mắt phê phán. Điều này không chỉ áp dụng với các học giả nước ngoài về Việt Nam (hay cả về nước họ nữa) mà còn cần áp dụng hơn bao giờ hết với những tên tuổi lớn như các cụ Hoàng Xuân Hãn hay Dương Quảng Hàm, Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp v.v... tại vì không phải tất cả những gì quý vị này nói hay viết đã là đúng hết. Thái độ thần tượng hóa một vài tên tuổi trong học thuật chỉ chứng tỏ là mình thiếu tin tưởng ở khả năng học thuật, khả năng đào sâu vấn đề của mình và chưa chi đã có thái độ nô lệ trên con đường đi tìm sự thật.

 

HTA: Xin anh nói sơ lược về trường Viễn Đông Bác Cổ mà lớp hậu sinh trong Nam chúng tôi chỉ biết cái tên mà thôi.

 

NNB: Trường Viễn Đông Bác Cổ, trong tiếng Pháp là Ecole franậaise d'Extrême-Orient (tắt là EFEO), là một định chế khoa học được đặt ra để nghiên cứu về Đông-dương và toàn bộ vùng Viễn-đông (Extrême Orient), chủ yếu là Tàu và Nhật, và Á-châu. Tuy có tên là trường nhưng hoàn toàn không có lớp học hay thầy dạy mà chỉ có những công trình nghiên cứu dùng thư viện của trường hay/và với sự hướng dẫn của những thành viên trong trường. Nó cũng là chỗ ghé chân cho những học giả, tỷ dụ như từ Âu-châu, lúc bấy giờ muốn sang nước ta nghiên cứu về một đề tài nào. Đó là lý do tại sao một nhà khảo cổ học người Thụy-điển như ông Olov Janse, sau khi học về ngành này ở Pháp, đã sang Đông-dương để bắt đầu khai quật một vài di chỉ khảo cổ. Lúc đầu, ông còn khai quật ở Bắc-ninh và tìm ra những mộ cổ nhà Hán, trong đó có những mẫu nhà tí hon làm bằng đất nung cho phép ta biết rất rõ nhà cửa ở Việt Nam, ít nhất cũng ở vùng Bắc-ninh, cách đây gần 2000 năm mặt mũi ra sao. Về sau, ông đi vào vùng Thanh-hóa và đã tìm được ra cả một nền văn minh trống đồng mà sau này được gọi là “văn minh Đông-sơn”, một nền văn minh rực rỡ của Việt Nam cổ đại. Đồng ý là những diễn dịch của ông đôi phần cũng bị ảnh hưởng bởi cái gốc Âu-châu của ông và do đó cần phải tu chỉnh lại nhưng ta chớ nên quên ngay câu châm ngôn mà cha ông dạy cho chúng ta, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, mà rồi coi nhẹ phần đóng góp của những người có công lớn bước đầu đó.

 

Trường Viễn Đông Bác Cổ, bắt đầu từ năm 1901, đã có tập san nghiên cứu rất giá trị mang tên Bulletin de l'Ecole franậaise d'Extrême-Orient (tắt là BEFEO) ra đều đặn cho đến ngày nay. Về sau, trường lại còn ra những ấn phẩm thất thường mang tên Publications de l'Ecole franậaise d'Extrême-Orient. Một tác phẩm như “Mélanges sur Nguyễn Du” do Maurice Durand và anh Tạ Trọng Hiệp chủ biên hoặc “L'oeuvre de la poétesse vietnamienne Hồ Xuân Hương” của Maurice Durand là những ấn phẩm thất thường của trường. Trái lại, bài nghiên cứu vô cùng giá trị của Henri Maspero và có thể nói là đặt nền móng cho việc nghiên cứu tiếng Việt theo góc độ ngôn ngữ học lịch sử, “Etudes sur la phonétique historique de la langue annamite: Les initiales”, dài tới 127 trang khổ lớn, lại cũng chỉ là một bài trong tập san nghiên cứu BEFEO (số 12, ra năm 1912) mà thôi. Rất tiếc là Henri Maspero đã chết quá sớm để có thể hoàn tất được thiên khảo cứu vĩ đại này ngoài các “âm đầu” (les initiales) nói trên. Tuy nhiên, Henri Maspero cũng như Aurousseau và Paul Pelliot cũng đã đóng góp nhiều thiên khảo cứu rất giá trị về sử Việt Nam, tất cả là sản phẩm của những năm họ phục vụ ở trường Viễn Đông Bác Cổ.

Hiển nhiên, ngày hôm nay sự nghiên cứu về mọi khía cạnh của lịch sử, văn hóa, khảo cổ học hay ngôn ngữ học của Việt Nam đều tiến xa hơn những thành tích nêu trên nhưng có thể nói, những nhà Việt Nam học đầu tiên của Việt Nam mà nghiên cứu theo những phương pháp mới (như Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Tố, Dương Quảng Hàm, Hoàng Xuân Hãn...) đều ít nhiều học ở lò Viễn Đông Bác Cổ mà ra, nếu không trực tiếp thì cũng gián tiếp. Đáng tiếc là Trường Viễn Đông Bác Cổ, trong hơn nửa thế kỷ đặt ở Hà-nội, đã phải dọn về Pháp khoảng năm 1956 dưới áp lực của chính quyền Hồ Chí Minh, cắt đứt hẳn cái học của người Pháp về Việt Nam trong một thời gian. Khoảng 20 năm nay thì những liên hệ giữa Hà-nội và Pháp được nối lại, trong đó có Trường Viễn Đông Bác Cổ, và trường bây giờ có một chi nhánh ở Hà-nội do Philippe Papin cầm đầu.

 

Về Nguyễn Chí Thiện

 

HTA: Được biết, anh là một trong những người có công nhất giới thiệu Nguyễn Chí Thiện, qua các bản dịch tiếng Anh, với thế giới. Tại sao toàn thể sự nghiệp thi ca của Nguyễn Chí Thiện, anh đem chia ra làm hai quyển: thi tập “Hoa địa ngục” và thi tập “Hạt máu thơ”? Sự phân chia ấy anh dựa vào đâu? Theo thời gian sáng tác hay theo phân loại?

 

NNB: Nào tôi có biết gì về chuyện tập “Hoa địa ngục” của anh Nguyễn Chí Thiện được chia làm hai phần như anh nói đâu! Tháng 9 năm 1980, cuốn “Hoa địa ngục” của anh Thiện, sau khi sang được đến Mỹ, được hai anh Viên Linh và Nguyễn Hữu Hiệu in ra thành tập “Tiếng vọng từ đáy vực” và ít tuần sau, lại xuất hiện dưới cái tên “Bản chúc thư của một người Việt Nam” do báo Văn Nghệ Tiền Phong in ra, cả hai tập đều đề tác giả là vô danh. Thấy thơ hay, một số nhạc sĩ đem phổ nhạc vào một số bài, trong đó có Trần Lãng Minh, Phạm Duy, Phan Văn Hưng... và gần đây cả Nguyễn Văn Thành trong nhóm Dân Chủ Ca. Mãi đến năm 1982, qua một bức thư của ông Patrick J. Honey viết cho G.S. Huỳnh Sanh Thông ở Yale, chúng ta mới biết tập thơ mang tên “Hoa địa ngục” và tác giả của nó có tên là Nguyễn Chí Thiện. Nhưng cái hại đã xảy ra rồi vì người thì bảo đó là thơ của Lý Đông A (dù ông này đã chết từ 1946), người thì bảo Nguyễn Chí Thiện thật đã chết trong ngục tù CS còn Nguyễn Chí Thiện như ta biết ngày nay là NCT giả dù đây là một người bằng da bằng thịt, đứng trước mặt ta, người độc nhất mà tôi biết là thuộc cả hơn 700 bài thơ ông làm ra trong 27 năm tù.

 

Tập “Hoa địa ngục” mà ta nói trên đây có khoảng 400 bài thơ với những bài gọi là “Những ghi chép vụn vặt” thì mỗi bài chỉ 4 câu còn bài dài nhất là bài “Đầm lầy” dài hơn 500 câu (nghĩa là dài gần gấp rưỡi “Chinh phụ ngâm” hay “Cung oán ngâm khúc”). Sau khi anh Thiện ở Việt Nam ra và sang Mỹ vào tháng 11 năm 1995, anh mới cho in tiếp phần hai của tác phẩm, đó là phần “Hạt máu thơ” (in ra năm 1996). Nhưng theo anh ấy, cả hai phần đều thuộc về một tác phẩm lớn, để đời của anh mà anh muốn in chung và gọi chung là “Hoa địa ngục”. Gần đây, chúng tôi ở Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ đã làm được theo ước nguyện của anh Thiện là in cả hai phần thành một bộ “Hoa địa ngục” coi như là toàn tập, gồm hơn 700 bài, nghĩa là hết cả sự nghiệp thi ca của anh lại trong một cuốn sách thật đẹp, dầy hơn 570 trang.

 

HTA: Anh đã tìm thấy tính chất gì trong thi ca của Nguyễn Chí Thiện? Tại sao có hàng nghìn nhà thơ miền Nam Việt Nam làm thơ tố Cộng mà không có ai nổi tiếng bằng Trần Dần, Phùng Quán, Văn Cao vào thời kỳ Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc và thơ của Nguyễn Chí Thiện trong khoảng 30 năm nay?

 

NNB: Nếu trả lời chung câu hỏi của anh thì có lẽ đúng nhất là những tác giả miền Bắc vì ở ngay trong lòng chế độ nên họ nhìn ra một cách chính xác hơn những yếu kém, những tồi tệ của xã hội CS trong khi các tác giả miền Nam hay ở hải ngoại lúc này, phần lớn chỉ biết CS từ bên ngoài nhìn vào. Thành thử cái chống Cộng của những người anh nêu tên là dựa vào những điều kiện có thật, mắt thấy tai nghe, do đó sắc sảo hơn cái chống Cộng hời hợt của một thái độ chống Cộng chung chung.

 

Bà kia tuổi sáu mươi rồi

Mà sao không được phép ngồi bán khoai?

Cụ kia tuổi bảy mươi hai

Mà sao hội họp mệt nhoài không tha?

 

hay

 

Những thiếu nhi điển hình chế độ

Thuở mới đi tù trông thật ngộ!

Lon xon không phải mặc quần

Chiếc áo tù dài phủ kín chân...

là những cảnh thật, hay nói như người trong nước lúc này, là “những người thật, việc thật”nên nó rất dễ thuyết phục người nghe, người đọc.

Còn riêng về Nguyễn Chí Thiện thì tôi cho thơ anh, trong những bài thành công nhất, đã đạt đến cái hiện thực đúng nghĩa nhất, cái mà người Pháp gọi là naturalisme (tự nhiên chủ nghĩa) của Flaubert hay của Emile Zola, như ta nói là “khơi khơi”, không tô vẽ, không thêm thắt, dù như để cho thành công thì cũng phải có nghệ thuật nữa. Cái naturalisme này cũng là một nét đặc thù của chủ nghĩa hiện đại. So bài “Nhìn từ xa tổ quốc” của Nguyễn Duy, ta cũng thấy cùng cái đặc tính này.

 

HTA: Xin anh cho biết sự phổ thông và sự lưu hành của thơ Nguyễn Chí Thiện trong thế giới tự do và trong các cộng đồng kiều bào ở hải ngoại.

 

NNB: Khỏi nói, thơ anh Nguyễn Chí Thiện được nhiều người xem như là tiếng nói tiêu biểu của dân tộc ta dưới “thời Cộng sản ấm no, hạnh phúc tràn lan, Thiên đường mặt đất” này. Cứ xem: Gần như liền sau khi tập thơ xuất hiện vào cuối năm 1980, ở Mỹ, Phạm Duy và Trần Lãng Minh đã phổ nhạc một số bài (10, rồi 20 bài trong trường hợp PD), anh Phan Văn Hưng phổ nhạc ở Pháp rồi tiếp tục ngay cả sau khi anh dọn sang Úc, đến khi thơ của anh được dịch sang tiếng Đức, một nhạc sĩ người Áo, ông GĂnter Mattisch, làm một suite symphonique cảm hứng từ thơ Nguyễn Chí Thiện. Gần đây nữa, anh Nguyễn Văn Thành cũng phổ một vài bài của anh trong Website Dânchủca. Tôi xem đây là một bằng chứng hiển nhiên về sức hút của thơ Nguyễn Chí Thiện.

 

Trong 25 năm từ ngày tập thơ được in ra và biết đến rộng rãi, nó đã được dịch sang nhiều thứ tiếng: Ngục ca sang tiếng Anh (NNBích, 1982), tiếng Pháp (Võ Văn Ái, 1983, bên cạnh bản dịch tiếng Anh của Penelope Faulkner), rồi chính tập thơ sang tiếng Anh lại được tuyển dịch bởi Nguyễn Thị Hằng (1984), Huỳnh Sanh Thông (1984), Nguyễn Ngọc Bích (hai tập, 1996), Nguyễn Ngọc Phách (1996), tiếng Đức do Bùi Hạnh Nghi (1992), tiếng Tiệp do Jachym Topol (1995), tiếng Pháp (2000), tiếng Tàu, tiếng Nhật, tiếng Hòa-lan... Chưa kể là nhiều nhà trí thức lớn trên thế giới cũng đã lên tiếng khen ngợi thơ của N. C. Thiện với nhà văn, nhà thơ người Đức, Erich Wolfgang Skwara, “đặt (ông) lên cùng bệ đá với những thần tượng thơ khác của tôi như Rimbaud, Trakl và Hởlderlin”.

Ở hải ngoại, anh phải có dịp đi theo anh Nguyễn Chí Thiện đến các nơi anh ấy nói chuyện (như tôi có dịp vào cuối năm 1996 tháp tùng anh ấy đi một vòng Úc-châu, đi qua 5 tiểu bang, 6 thành phố) thì mới thấy hết cái ma lực của anh ấy trước đám đông. Và theo như tôi hiểu, giờ đây, anh Thiện vẫn giữ nguyên được cảm tình của đồng bào hải ngoại, như chuyến đi vừa rồi của anh sang Úc trở lại cho thấy. Trong một vòng 4 thành phố, anh ấy đã bán hết 900 tập truyện “Hỏa lò” và 160 tập thơ “Hoa địa ngục” toàn tập. Có người cho tôi biết: “Thực ra nếu anh ấy đem gấp đôi chỗ sách ấy thì bán vẫn hết được như thường”.

 

HTA: Còn cuốn hồi ký “Hỏa lò” của Nguyễn Chí Thiện thì sao? Nó có những đặc sắc gì đối với các cuốn “Cùm đỏ” của Phạm Quốc Bảo, “Đại học máu” của Hà Thúc Sinh, “Đáy địa ngục” của Tạ Tỵ. Nó có được phổ biến rộng và được kiều bào tiếp đón nồng nhiệt như thơ của Nguyễn Chí Thiện không?

 

NNB: Câu trả lời trên của tôi đã cho thấy phần nào sự đón tiếp nồng nhiệt cuốn “Hỏa lò” của anh Nguyễn Chí Thiện, ít nhất ở Úc. Riêng ở Mỹ, Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ tung cuốn sách ra tháng 7 năm 2002, tháng 8 in lại, rồi tháng 9, tháng 10, và tháng 1 năm sau, như vậy là tiêu thụ 5000 cuốn trong vòng hơn 6 tháng, một kỷ lục đối với sách ở hải ngoại. Ngay hiện giờ, chúng tôi không còn tới một bản và rất nhiều tiệm sách đang đòi mua thêm. Theo tôi, cái đặc sắc của cuốn “Hỏa lò” so với những hồi ký “học tập cải tạo” của các tác giả kia (tuy đều là những tác phẩm xuất sắc) chủ yếu nằm ở chỗ anh Nguyễn Chí Thiện phản ánh được cả một thế giới ở bên ngoài, từ các tù hình sự đến các tù chính trị, từ các tù nhân người Hoa, chẳng hạn, bị tù sau khi chạy cuộc Đại Cách Mạng Văn Hoá của Mao và Giang Thanh ở Trung-quốc sang nước ta để rồi vẫn mục xương trong nhà tù VNCS (số phận của những người “tỵ nạn” bị kẹt giữa hai chế độ CS), đến các tù phụ nữ - nổi bật trong những chuyện như “Đàn bò sữa” hay “Trăng nước sông Hồng”. Để so sánh, phụ nữ rất vắng bóng trong các hồi ký “học tập cải tạo” mà anh có nêu tên. Trái lại, trong tập truyện “Hỏa lò” của anh Nguyễn Chí Thiện, không ít người đọc xong muốn biến truyện thành phim - chúng thực và sống động đến mức đó.

 

HTA: Anh hiểu biết gì về con người văn chương của Nguyễn Chí Thiện? Có phải đây là một nhà thơ xáp nhập văn chương và hành động làm một hay không? Cuộc sống của ông ta ra sao? Qua ông ta, anh biết thêm những văn thi sĩ nào thoát ly chế độ Cộng Sản miền Bắc? Họ hoạt động ra sao trên phương diện văn hóa trong bầu không khí tự do? Từ ba năm qua, ông ta có những dự định sáng tác thêm những gì nữa không anh?

 

NNB: Anh Nguyễn Chí Thiện, theo như tôi thấy, là một con người thật đơn sơ. Anh đơn sơ, trước tiên là vì sống với CS khi họ tìm cách san bằng hết mọi người xuống mẫu số thấp nhất, tức là nghèo mạt hạng ngang nhau, thì cũng khó mà vươn lên để thành giàu có hay đòi hỏi gì nhiều. Ta có thể đọc những bài thơ đầu trong tập thơ “Hoa địa ngục” của anh để trông ra chuyện này. Vào tù CS, anh lại còn học được một cái thói là sống mà không đòi hỏi gì hết - vì có đòi hỏi cũng bằng không, nó đâu có chịu cho mình có sách, có báo, có giấy, có viết gì đâu. Vậy thì làm thơ chỉ biết học thuộc lòng và để trong đầu mà thôi. Cuối cùng, do sự huấn luyện này, anh thành một cái máy nhớ - ở một mức độ mà ta không thể nào hiểu được nếu như ta không ở trong hoàn cảnh của anh. Theo tôi, chính sự kiện anh nhớ được hơn 700 bài thơ của anh là một bằng chứng rõ ràng, hùng hồn nhất đối với những ai muốn nghĩ là có thể có được một Nguyễn Chí Thiện giả đang đi giữa chúng ta trong khi Nguyễn Chí Thiện thật, nếu không phải là Lý Đông A thì cũng là một người đã chết trong ngục tù CS - một đòn chơi của CS để chia rẽ cộng đồng chúng ta.

 

Về Hồ Xuân Hương

 

HTA: Về Hồ Xuân Hương, anh có dựa theo tài liệu hay tư liệu của ai? Tài liệu của học giả Hoàng Xuân Hãn có đáng tin cậy không? Nếu đáng, thì có bao nhiêu phần trăm?

 

NNB: Về Hồ Xuân Hương thì trong một thời gian dài, ở miền Nam có tiếp nối công việc phê bình loại thơ dung tục của bà, song chủ yếu để dùng vào mục đích học đường và thi cử, ngoại lệ có lẽ chỉ có một hai bài của Lữ Hồ (đặt ra câu hỏi “Có chăng một bà Hồ Xuân Hương?” trong Sáng Tạo, 1958), Nguyên Sa và nhất là cuốn sách của Đỗ Long Vân (“Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương”, Trình Bày xb, 1966). Ngoài Bắc thì có vẻ họ hơi lúng túng về chuyện dạy thơ HXH trong học đường, ngoại lệ cũng có một bài của Nguyễn Đức Bính (“Người Cổ nguyệt, chuyện Xuân Hương” trong Văn Nghệ số 10/1962) và bài của Xuân Diệu về “Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm” lần đầu in trong Văn Nghệ (1959), sau được tăng bổ và in lại ở nhiều nơi. Song về mặt nghiên cứu thì có loạt bài của Trần Thanh Mại (trong hai năm 1963-64) về thơ chữ Hán và một số thơ Nôm của nữ sĩ trong cuốn “Lưu hương ký” (1814). Cụ Hoàng Xuân Hãn kết hợp những tìm tòi của Trần Thanh Mại với một số chi tiết cụ tìm ra được về Hồ Xuân Hương trong sách “Đại-Nam dư địa chí ước biên” và mấy bài thơ chữ Hán bà viết về Vịnh Hạ Long để viết một bài dài rất giá trị trong Tập san Khoa học xã hội in ra ở Paris vào cuối năm 1983-đầu 1984. Nhưng trước đó ta đã có cuốn “L'Oeuvre de la poétesse vietnamienne Hồ Xuân Hương” của ông Maurice Durand, có ghi lại thơ của bà bằng chữ Nôm, từ năm 1968 (Trường Viễn Đông Bác Cổ in ra).

 

Anh hỏi tôi về sự đáng tin cậy hay không của ngòi bút Hoàng Xuân Hãn về Hồ Xuân Hương. Tôi xin thưa như thế này: cụ Hoàng Xuân Hãn thì làm cái gì cũng khá cẩn thận và uyên bác, do đó bài của cụ có làm cho học thuật về Hồ Xuân Hương tiến hẳn lên một bước khá xa. Tỷ dụ, qua bài đó ta mới biết được cuộc đời tình duyên của Hồ Xuân Hương cũng như là có một số thơ của Hồ Xuân Hương được lưu trữ trong Fonds Landes ở Pháp. Song nếu ta dựa vào những bài thơ trong Fonds Landes này thì thấy thơ Nôm Hồ Xuân Hương khá tồi so với những bài quen thuộc hơn từ trước tới giờ. Vì thế mà sau này lại có thuyết của ông Đào Thái Tôn cho là thơ họ Hồ đã bị “thế tục hóa” (thuyết ông đưa ra trong cuốn Thơ HXH, từ cội nguồn vào thế tục, 1993). Nghĩa là, nếu cụ Hoàng Xuân Hãn có đem được đến cho ta một số thông tin khá chính xác về Hồ Xuân Hương, những thông tin đó lại làm rối vấn đề hơn là giải quyết được chuyện đời và thơ của nữ sĩ. Rồi có những người tiếp nối công việc của cụ Hoàng Xuân Hãn song lại đi vào những hướng phiêu lưu như anh Phạm Trọng Chánh ở Pháp, làm rối mù vấn đề thêm hơn nữa. Về mặt phê bình thì Đỗ Lai Thúy có đi theo Mikhail Bakhtin để đưa ra thuyết hội hóa trang và nêu ra “hoài niệm phồn thực” trong thơ bà - cả hai quan niệm tôi cho đều có lý - và Trần Khải Thanh Thủy thì liều lĩnh hơn song khẳng định được về khía cạnh phụ nữ quyền và tính dục.

 

Riêng tôi, tôi cố gắng nghe hết mọi phía và tìm cách đưa ra được một số nhận định tổng hợp trong cuốn “Hồ Xuân Hương: Tổng luận” sẽ ra nay mai. Nhưng trong mọi trường hợp tôi cố gắng trở về nguồn (qua những bản Nôm, như được thu thập trong cuốn sách của G.S. Nhan Bảo), nói có sách mách có chứng để tránh tối đa những luận thuyết phiêu lưu, vô căn cứ.

 

HTA: Tại sao thơ chữ Hán của Hồ nữ sĩ lại đoan trang ngùi ngậm. Còn thơ chữ Nôm của bà lại trâng tráo, táo bạo? Hay là chữ Hán không đủ năng lực để bà phô diễn tình ý lẳng lơ chăng? Đọc hai thứ thơ chữ Hán lẫn thơ chữ Nôm đó, có người sẽ nghĩ rằng tất cả thơ Nôm đều không phải là thơ của bà mà của nhiều người gán ghép cho bà. Anh nghĩ sao? Trong loại thơ Nôm của bà, các học giả cần gì phải tìm kiếm bài nào thực, bài nào giả cho mất công?

 

NNB: Tôi đã có lần bàn khá sâu sắc về thơ Hồ Xuân Hương với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Ông cho rằng đọc thơ bà thì phải định được cho ra phong cách. Và phong cách của bà độc đáo đến độ không dễ ai theo được hay mạo danh được. Tôi cũng đồng ý: Nếu có ai nghĩ là làm thơ như Hồ Xuân Hương là dễ thì tôi chỉ xin vị đó thử làm một bài theo phong cách đó xem sao, xem nó có đọ được với thơ Hồ Xuân Hương thứ thiệt không? Tức khắc ta sẽ biết liền. (Đâu là phong cách Hồ Xuân Hương, tôi đã thử định nghĩa trong “Mười nguyên-tắc hiệu-đính thơ Hồ Xuân Hương” trong sách “Hồ Xuân Hương: Tác phẩm”).

 

Vậy thì vấn đề là: Ta có một khối thơ chữ Hán mà chắc chắn là của bà (hay ít nhất cũng là của một bà Hồ Xuân Hương, “Hoan trung Cổ nguyệt đường Xuân Hương nữ sử”) và một khối thơ Nôm, nói chung là thuần nhất, bấy lâu nay được truyền tụng là của bà.

Nếu ta chấp nhận hai người là một (đa phần các học giả giờ đây chấp nhận chuyện này) thì có vấn đề hai loại thơ, Hán và Nôm, của bà khác nhau quá. Giả thuyết Hoàng Xuân Hãn: thơ chữ Nôm loại dung tục là thơ tuổi trẻ của bà còn thơ chữ Hán của bà là thơ làm ra khi đã luống tuổi, con người không còn cái nghịch ngợm, cái hoang đàng của tuổi trẻ nữa. Riêng tôi e nghĩ thế là sai mà sự thật là ngược lại. Thơ “Lưu hương ký” là thơ có trước còn thơ loại dung tục là thơ làm ra sau, khi bà đã về già hay ít nhất cũng đã có tuổi, không còn chồng con để mà phải lo “giữ nếp, giữ lề”. Có thế ta mới hiểu được tính cách “giải phóng”con người của loại thơ sau này hay là những trao đổi giữa bà và ông Chiêu Hổ (Xin xem cuốn “Hồ Xuân Hương: Tác phẩm” của tôi, in ra năm 2000).

 

Tôi cũng muốn thêm điều này nữa: Đúng là thơ chữ Hán và cả thơ chữ Nôm trong “Lưu hương ký” có khác thơ chữ Nôm trong những bài được truyền tụng là của bà. Song có lẽ nó cũng không khác đến nỗi ta không thể nhìn được ra một liên hệ nào giữa hai loại: Thơ chữ Hán của bà, chẳng hạn, có những câu như “Tâm tại Vu-phong / Hồn tại Vu-phong / Ân ái thử tao phùng” (trong bài “Xuân đình lan điệu”) mà ai cũng biết Vu-phong tức Vu-sơn, nơi vua Sở Tương-vương mơ được làm tình “mây mưa” với Vu-sơn Thần-nữ; hoặc câu “Nhất tự sầu phân duệ / Hà nhân noãn bán khâm?” (trong một bài gửi người tình Mai Sơn Phủ, nghĩa là: “Từ lúc buồn chia biệt / Ai người ấm nửa chăn?”), nghĩa là cũng táo bạo lắm chứ không phải chỉ tình tứ hay “đoan trang, ngậm ngùi”! Đến thơ chữ Nôm trong “Lưu hương ký” cũng không phải toàn là “đoan trang, ngùi ngậm” mà có thể khá sexy như: “Mùi hương trong nệm cả đêm thâu” (cũng một bài họa Mai Sơn Phủ) hoặc “Năm canh hồn bướm thêm bơ bải...” (“Tặng Tốn Phong từ”), nghe ra vẻ phờ phạc...

 

Về cụ Hoàng Văn Chí

 

HTA: Tôi thấy trong quyển “Duy văn sử quan” về phần triết học tâm linh, cụ Hoàng Văn Chí không nói cái cốt tủy của Phật giáo. Đó là tinh thần bất nhị (le non-deux / le non-dualisme). Cả bên Lão giáo, cụ không nhấn mạnh thuyết vô vi. Lại nữa cụ quên so sánh những điểm dị đồng (les nuances) giữa thuyết Lão Tử và thuyết Trang Tử. Ngoài ra cụ bỏ rơi ông Tuân Tử và ông Hàn Phi Tử. Có lẽ cụ cho ông Tuân và ông Hàn Phi đề cao sự thống trị và chế độ độc tài của kẻ cầm quyền nên cụ không muốn nhắc tới hai ông này chăng? Anh nghĩ sao?

 

NNB: Xem chừng HTA có nhiều phần đúng trong mấy nhận định trên đây. Tôi được cụ Hoàng Văn Chí coi như người em trong gia đình nên tôi cũng khá quen thuộc với lối suy nghĩ của cụ. Một, cụ là một người của hành động chứ không thuần tuý chỉ là một người suy tư dù như cụ có một nếp suy tư khá độc lập, khá sâu sắc, ít lệ thuộc vào các uy quyền đi trước mình. Nếu cần phải cãi lại đức “Vạn thế sư biểu” thì cụ cũng sẽ cãi phăng, không coi ông ra gì, vì cụ cho ông Khổng sống cách ta hơn 2500 năm, làm sao ông ấy có hết được các câu trả lời cho cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay. (So sánh thái độ này với thái độ của những người CSVN giáo điều: Mác sống cách đây đã hơn 150 năm, vậy mà nhiều người CSVN vẫn còn muốn và bắt người khác tin là ông có hết cả các câu trả lời cho thời hậu hiện đại.)

 

Tôi cũng đồng ý là những nhận định nêu trên của HTA là những nhận xét có cơ sở đối với tác phẩm của cụ Chí. Tuy nhiên, là một người đi tìm căn bản tư tưởng cho một lối sống mà cụ mong là người Việt Nam ta sẽ noi theo, cụ nhấn mạnh cái này, không nhấn mạnh cái kia chứ cụ không nghĩ cụ là một nhà biên khảo về lịch sử triết học Trung-hoa. Những ngờ vực của HTA về tại sao cụ không nhắc đến Tuân Tử và Hàn Phi Tử có lẽ cũng không phải là chuyện quá đáng.

 

HTA: Tôi có cảm tưởng cuốn “Duy văn sử quan” của cụ Hoàng văn Chí là một sự gán ghép nhiều bài thuộc về văn hóa chứ không dựa vào cái trục chính yếu của đề tài. Thế có nghĩa là có là nhiều đề tài không liên hệ với nhau được tác giả xâu kết lại thành một quyển sách. Anh có đồng ý không?

 

NNB: Đó là một sự thật. Khi sinh thời, cụ Hoàng Văn Chí có một số đệ tử, các anh chị em trẻ ở trong vùng Virginia-Maryland-D.C. mong được tìm hiểu về nguồn gốc, về văn hóa của chúng ta và về cách nào thích nghi với một nền văn hóa mới và mạnh như của Mỹ và Tây phương. Hàng tuần, trong một thời gian mấy năm, họ hẹn nhau lên nhà cụ ở khu Bowie, Maryland, nghe cụ thuyết trình về một số vấn đề, trong đó có cả những vấn đề do các anh chị em nêu ra và mong được nghe ý kiến của cụ. Những chương trong cuốn “Duy văn sử quan”, do đó, ít nhiều là sản phẩm của những buổi gặp gỡ này. Nhưng khi chuẩn bị để cho cuốn sách ra đời, cụ có tìm cách ráp chúng lại, dẫn đầu bằng một chương mang tên “Đi tìm một ýthứchệ nhânvăn” (lối viết của cụ). Chỉ hơi tiếc là cụ mất trước khi cuốn sách được xem lại một lần chót (để cho các chỗ lỏng lẻo được ráp nối lại kỹ càng hơn). Tủ Sách Cành Nam của chị Trương Anh Thụy in cuốn sách như một hành động tưởng niệm dành cho một nhà văn hóa lớn của Việt Nam, suốt đời tận tụy với sứ mạng đi tìm con đường khai mở cho tương lai dân tộc tiến lên.

 

Cộng tác với người khác

 

HTA: Trên bình diện văn hóa, anh đã và đang giao thiệp với những ai làm văn hóa? Xin kể đặc tính về công trình biên khảo của những người ấy.

 

NNB: Từ rất nhỏ tôi đã học được thói cộng tác với người khác, từ những ngày còn làm xì-cút, nghĩa là hướng đạo sinh, sống theo bầy (sói con) hay toán, đội (thiếu). Trong văn hóa cũng vậy, tôi chủ trương làm việc chung với mỗi người trong chúng ta đem cái phần ưu điểm hay khả năng đặc biệt của mình vào một công tác chung. Đó là lý do tại sao từ 1984-85, chúng tôi - nghĩa là anh Đặng Đình Khiết của nhóm Xác Định, chị Trương Anh Thụy của Tủ Sách Cành Nam và tôi, thuộc Hội Văn hóa Việt Nam tại Bắc Mỹ - đã chủ trương lập ra Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ thay vì cứ mỗi cơ sở sống èo uột trên những khả năng không mấy dồi dào của mình. Dù như ít năm sau, anh Khiết đã phải rời Tổ Hợp (mà lý do sức khỏe là một yếu tố quyết định), Tủ Sách Cành Nam và Hội Văn hóa của tôi vẫn tiếp tục được cho đến ngày nay. Trong hơn 20 năm, Tổ Hợp đã in được khoảng 40 tác phẩm, không nhiều nhưng nói chung là rất chọn lọc và được đồng bào hưởng ứng khá tốt. Trong số những tác giả Tổ Hợp xuất bản phải kể đến những tên tuổi quen thuộc như: Đoàn Thêm, Mai Thảo, Nhật Tiến, Phạm Duy, Hồ Trường An, Xuân Vũ, Võ Đình, Nguyễn Chí Thiện, Nguyễn Sỹ Tế... Nhưng chúng tôi cũng không ngại ngần in ra những sách do các tác giả mới xuất hiện lần đầu nhưng có giá trị: Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Bích Thuận, Nguyễn Viện, Irina Zisman v.v... Nếu sự chọn lọc của chúng tôi không khéo hay thiếu cân nhắc thì thiết tưởng Tổ Hợp đã chết từ lâu rồi. Đằng này, ngược lại, nếu chúng tôi không giàu được thì cũng vẫn sống đủ mạnh để có thể tiếp tục góp tiếng vào nền văn học hải ngoại. Gần đây, chúng tôi còn dám đi vào lãnh vực nghiên cứu biên khảo bằng cách in sách của Đông Phong (“Bọc trứng, một cẩm nang tuyệt diệu cho tuổi trẻ”), cụ Đặng Cao Ruyên (“Bể dâu trong dòng họ Nguyễn Du” và “Truyện Kiều: tác giả, nhân vật và luân lý”) hoặc sách Omar Khayyam (thơ Ba-tư) của chính tôi viết ra, hoặc Tủ Sách Thời Sự Việt Nam & Thế Giới, nghĩa là khá liều lĩnh. Tổ Hợp mới đây cũng thử in sách cổ điển của Việt Nam, như “Cung oán ngâm khúc” dưới dạng song ngữ (Anh-Việt), mà in thật đẹp, không thua gì sách bảo tàng viện của Pháp hay Mỹ, với các tranh minh họa của họa sĩ Mai Lân (1920-2004).

 

Một lãnh vực văn hóa khác tôi có cộng tác là tham gia vào các chương trình diễn thuyết hay giảng dạy (qua com-piu-tơ) của Viện Việt Học, như giảng về văn học Việt Nam. Hay lạ lùng hơn nữa là dự án làm tự điển chữ Nôm trên mạng dù như tôi chỉ là một thành phần thứ yếu trong ban biên tập. Sau mấy năm làm việc âm thầm, với một ban biên tập gồm 13 người trên bốn quốc gia (Mỹ, Pháp, Đài-loan, Đức), đến Tết năm ngoái (Ất Sửu 2005), trên Website của Viện Việt Học (ở Cali), chúng tôi đã công bố cuốn “Tự điển chữ Nôm trích dẫn”. Vì đây là cuốn tự điển chữ Nôm đầu tiên có trích dẫn các câu thơ lấy từ các tác phẩm cổ điển về chữ Nôm của Việt Nam và ngay các câu trích dẫn, có ghi xuất xứ rõ ràng, cũng được ghi lại theo đúng nguyên bản chữ Nôm (chứ không phải đã phiên sang Quốc ngữ) nên, theo tôi, đây là cuốn tự điển chữ Nôm giá trị nhất mà ta có cho đến ngày nay. Đây là một thành tựu lạ lùng vì, trước hết, tự điển Nôm này theo đúng nguyên tắc của Larousse (“Un dictionnaire sans exemple est une squelette”, một cuốn từ/tự điển mà không có thí dụ thì chỉ là một bộ xương khô) và nhất là vì tất cả mọi người ở trong ban biên tập đều làm việc không công, làm việc tình nguyện mà kết quả lại cao hơn tất cả những nỗ lực làm tự điển chữ Nôm ở trong nước cũng như ở hải ngoại (như ở Pháp hay ở Nhật) từ trước tới giờ. (Để so sánh, Nôm Foundation của Ngô Thanh Nhàn và John Balaban ở Mỹ đang tìm cách quyên để có được tối thiểu 100 nghìn đô-la Mỹ rồi mới chịu tiến hành làm tự điển Nôm.)

 

Hiện tôi cũng tham gia vào trong một dự án mang tên Di sản Người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Heritage Project) của tổ chức Smithsonian (hệ thống bảo tàng lớn nhất thế giới), tuy chỉ trong một vai trò khiêm tốn là liên lạc với báo chí và cộng đồng Việt Nam. Dự án (do Tiến sĩ Phạm Hồng Vũ phối hợp) sẽ có triển lãm đầu tiên về 31 năm định cư của người Việt sang Hoa Kỳ vào tháng 1 năm 2007 tới đây.

 

Thơ của các nước so với Việt Nam

 

HTA: Xin anh nói sơ lược về thơ Bài Cú của Nhật Bản. Điệu thơ đó không thể đi vào thi ca Việt Nam là tại lý do nào?

NNB: Câu hỏi của Anh mở ra một đề tài mà nói cả tháng cũng không hết được. Vậy tôi xin rất vắn tắt. Thơ Bài cú (Haiku) của Nhật-bản là thể thơ có lẽ ngắn nhất của nhân loại, vì nó chỉ có 17 âm tiết: 5-7-5. Có người bảo, nếu thế thì nó vẫn còn hơn thơ lục bát của Việt Nam, chỉ có 14 âm tiết thôi (6+8).

 

Nhưng đích thực không phải, nếu ta biết là tiếng Nhật là tiếng đa âm, có khi một từ (mot, word) cũng đã đến 3-4 âm tiết rồi, tỷ dụ như con chim cuốc tiếng Nhật gọi là “hototogisu”, tới 5 âm tiết lận. Trái lại, tiếng Việt thì một từ thường là một âm tiết, hiếm khi mới đến hai âm tiết. Vậy thì thơ Bài cú (mà thỉnh thoảng người ta cũng gọi là thơ Hài ) chắc chắn phải là thể thơ ngắn nhất của nhân loại.

 

Cái lạ lùng là trong 17 âm tiết, tương đương với 5-6-7 từ, mà người Nhật làm ra được một bài thơ, thế mới lạ. Mà còn hay nữa! Song tôi không đồng ý với anh HTA khi anh cho là loại thơ này không đi vào được thi ca Việt Nam. Xin thử nghe mấy bài Bài cú tôi dịch từ tiếng Nhật (cả ba bài đều là của Basho, thi bá của Nhật-bản):

 

Ao trì cổ!

Một chú ếch nhảy vô:

Nghe động tiếng.

 

Cảnh cô độc,

Chú đến xem không, độc

Một lá đồng.

(“Một lá đồng” ở đây là tắt cho “Một lá ngô

đồng”)

 

Chiều tàn thu:

Một con quạ vừa sà

Trên củi mục.

 

Vì thế nên trong khoảng một hai chục năm gần đây, cũng đã có một số người Việt tìm cách làm Haiku Nhật-bản trong tiếng Việt, mà chị Trương Anh Thụy là một.

 

HTA: Xin anh nói qua thi ca vào hai triều đại Lý, Trần. Hình như vào hai triều đại này thơ Thiền phát triển sung mãn thì phải?

 

NNB: Điều này nhiều tác giả đã nói rồi nên tôi thiết nghĩ ta không cần bàn lại nữa. Có chăng thì là tôi nghĩ, chúng ta hãy còn một số ngộ nhận về thơ nhà Lý-nhà Trần. Tỷ dụ, chưa mấy ai nói hay viết về ảnh hưởng của Sở từ trên thơ của Trần Quốc Tảng (như trong bài “Phóng cuồng ca”). Hoặc người ta vẫn còn đi tìm nghĩa của “long xà địa” trong thơ của Không Lộ Thiền sư, người bảo là chuyện địa lý song người thì lại bảo không có từ ngữ địa lý nào nói đến chuyện “rồng rắn” cả. Trong khi đó, nếu ta trở về những hình ảnh của Phật giáo Ấn-độ thì chúng ta sẽ hiểu ngay “long-xà” là con rắn thần Naga, con rắn bảo vệ, hộ vệ cho đức Phật.

 

 

HTA: Lý do nào anh nghiên cứu thơ và cuộc đời của thi hào Ba Tư Omar Khayyam? Anh thấy Omar Khayyam mà nhớ tới Lý Bạch và Tản Đà chăng?

 

NNB: Từ nhỏ tôi không thích bị tù túng vào một lãnh vực nào cả, nhất là trong sự học. Vì thế thời gian tôi học ở Princeton, rồi Columbia University (ở New York), tôi đã bỏ ra rất nhiều thời giờ tìm đọc những nền văn hóa ít quen thuộc đối với người Việt. Đó là lý do tại sao tôi để ý đến Omar Khayyam. Nhưng lúc bấy giờ chủ yếu là qua bản dịch tuyệt vời, tuy khá thoát, của Edward Fitz Gerald. Về sau tôi mới có dịp đi tìm hiểu nhiều hơn về tác giả, rồi truyền thống thơ ca và triết học Ả-rập, Ba-tư v.v... nghĩa là về Hồi giáo và thế giới Trung-Đông từ những nền văn hóa đầu tiên của nhân loại trong vùng Lưỡng Hà (Sumer, Akkad, Babylonia, Đế quốc Ba-tư...) Còn câu anh hỏi là tôi có liên tưởng đến Lý Bạch hay Tản Đà khi nghiên cứu Omar Khayyam không thì xin thưa: tuy tôi không có ý thức nhớ đến hai nhà thơ kia nhưng tiềm thức thì rất có thể.

 

HTA : Ngoài Omar Khayyam, anh còn thích các nhà thơ Cận Đông và các nhà thơ Trung Đông nào nữa không? Nếu có, xin anh nói khái quát tính chất thi ca các đương sự.

 

NNB: Có, cũng khá nhiều. Từ Rumi đến Hafiz, mà Goethe rất thích, rồi đến cả Khalil Gibran, nhà thơ Li-băng, tác giả cuốn Tiên tri (“The Prophet”), của thời cận đại. Rồi cũng vì tôi thích tranh Ba-tư nên lại phải biết về “Sách vua” (“Shahnameh”) của Firđâusi, với những huyền thoại ở trong đó. Mô tả tính chất thi ca của các đương sự thì không khéo mất đi cái hay. Chi bằng tôi chỉ xin trích ra đây đôi câu của Rumi (1207-1273) như bài này trong tập “Masnavi”:

 

Đẹp của em là khỏa thân mà rực rỡ,

Mịn da mềm không một dấu nữ trang

Hay mảnh lụa vô duyên làm hư da em trắng...

... Hồn trong trắng, hai thân mình mịn muốt,

Trẻ nên căng đầy nhựa sống xuân trinh,

Ta nhập một để cùng nhau đi miết...

 

hoặc

 

Mỗi khi rượu trong tay ta uống cạn

Rồi đê mê không còn biết trời trăng

Trăm chuyện lạ từ tay ta bỗng hiện

Thơ tràn về như nước đổ từ non.

 

Còn có cái điên dại nào hơn được bài này của Hafiz (1320-1391):

 

Ta chạy rông / khắp các nẻo đường la ầm ĩ,

Ném đá vào cửa sổ, để chuông reo trong óc,

Bứt tóc tứ tung, xé quần áo rồi cột tất cả

Vào một cây củi đốt cháy rụi.

Thử hỏi đêm nay, Hafiz làm gì hơn được

Để mừng cái vui, cái điên dại

Được thấy Chúa khắp đòi nơi?

 

HTA: Xin anh cho biết động lực nào hướng dẫn anh hoặc thôi thúc anh công việc nghiên cứu văn hoá Việt Nam nói riêng, văn hóa ngoại quốc nói chung. Hình như anh khảo cứu văn hóa nước nào có cái tinh thần Đông Nam Á tức là có liên quan tới tinh thần văn hóa Việt Nam. Có đúng không?

 

NNB: Không hẳn, anh ạ. Sau khi học cử nhân ở Princeton ra, tôi bỗng nhìn ra một thiếu sót khá lớn trong cái sở học của mình. Đó là, mình biết nhiều về nước Pháp, nước Mỹ, nước Anh, nước Đức hơn mình biết về những nước láng giềng của mình. Ngay nước Tàu là nước mình tưởng là mình biết nhiều nhất trong các nước ấy, sự hiểu biết của mình về Trung-quốc nói chung vẫn rất hạn hẹp: dăm bài thơ Đường, đôi ba truyện như “Tam Quốc chí”, “Đông Châu liệt quốc”, “Tây du ký” hay “Thủy hử”, một vài bộ mặt triết học như Khổng-tử và Lão-tử, Trang-tử v.v... Song nghĩ lại, dù như mấy nước như Cao-ly, Nhật-bản, Việt Nam bị ảnh hưởng Trung-quốc, ta cũng không biết gì nhiều về họ. Do vậy, ta bị ảnh hưởng Trung-quốc tới đâu, ta giữ được nếp riêng của ta tới đâu, thực sự ta cũng không biết vì không có căn bản để so sánh. Chính vì vậy mà khi vào Viện Đại Học Columbia ở New York, tôi quay sang học sử Á-đông, rồi văn học Nhật-bản, học luôn cả tiếng Nhật và tiếng Cao-ly (ít hơn). Dần dần, tôi mở rộng sự tò mò của tôi đến các nước khác nữa như Cao-miên, Ai-lao, Nam-dương... và cả những dân tộc thiểu số của Việt Nam để có căn bản so sánh. Như Angkor tức Đế Thiên Đế Thích, chẳng hạn, tôi đã đến thăm hai lần và bao giờ tôi ra đi cũng với một sự ngưỡng mộ vô bờ bến về cái qui mô vĩ đại của toàn bộ khu di tích này và bàn tay khéo léo, con mắt nghệ thuật cao cường của người thợ Cao-miên từ những thế kỷ xa xưa.

 

Cuối cùng, tôi khám phá ra rằng chỉ biết về Á-đông và Đông-Nam-Á không cũng chưa đủ. Để có những căn bản so sánh thực sự chính xác, chúng ta cần phải có một cái nhìn toàn thể, toàn cầu, để đi tìm ra những cái phổ quát của nhân loại. Lúc bấy giờ ta mới nhìn ra chỗ đứng đích thực của ta, của Việt Nam, trong nền văn minh thế giới.

 

Hồi ký sinh hoạt và một câu hỏi

 

HTA: Anh đi diễn thuyết nhiều nơi, nhiều lần, anh tiếp xúc nhiều những văn nghệ sĩ, những chính trị gia, những người hành động nổi tiếng, anh có dự định viết một quyển hồi ký hay không? Có hay không, cũng xin anh cho biết lý do.

 

NNB: Chắc chưa đâu, anh ạ. Vì lý do nhiều người không ngại đến với tôi có lẽ do họ không nghĩ tôi thuộc loại người thích mang chuyện đi “ngồi lê đôi mách”. Thành thử tuy tôi được cái may mắn gặp và biết khá thân một số nhân vật lịch sử thuộc các lãnh vực sinh hoạt khác nhau, tôi chỉ muốn gần họ để học hỏi mà thôi.

 

HTA: Trong “Đôi lời bộc bạch” của bộ trường giang “Chuyển mùa” của chị Trương Anh Thụy, chị ấy có viết một câu về anh mà làm không ít người thắc mắc: “Có một lần, anh Nguyễn Ngọc Bích bị bạn bè chê trách rằng 'Anh cứ để thiên hạ lợi dụng hoài!' Anh thản nhiên trả lời: 'Chẳng ai lợi dụng được tôi cả, trừ tổ quốc tôi”. Anh có thể cho biết được rõ hơn ý nghĩa của câu nói đó, nếu như chị Thụy đã thuật lại đúng lời của anh.

NNB: Tôi có nói đúng như thế hay không thì tôi cũng không dám khẳng định một trăm phần trăm. Nhưng nói theo cái ý đó thì tôi chắc chắn là có nói đôi ba lần như vậy. Vì đó cũng là cái tương quan của tôi đối với đàn bà, phụ nữ, bạn bè, ở một bên và quê hương, tổ quốc tôi ở một bên. Đã hơn một lần, tôi nói với cả người yêu của tôi là nếu phải chọn giữa tổ quốc và người yêu thì tôi sẽ chọn tổ quốc. Đó là vì khi tôi nhỏ, tôi có ý nghĩ ngồ ngộ là người yêu thì tôi có thể có hơn một người chứ tổ quốc thì tôi chỉ có một mà thôi. Vậy thì người yêu là một trong nhiều người mà mình yêu trong một đời người, trái lại tổ quốc thì chỉ có một, nói cách khác tổ quốc là một đối tượng để yêu tuyệt đối. Có người bảo tôi: “Mày ngu! Tổ quốc là gì mới được chứ? Có chăng một tổ quốc mình sờ mó được?”. Vậy thì chỉ có những người nhân danh Tổ quốc mà đến với anh thôi. Lúc bấy giờ anh còn nói thế không?

 

Tôi công nhận là có không thiếu người, đoàn thể, đảng phái tìm cách dụ anh, dụ tôi đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, hy sinh cho Tổ quốc trong khi họ chỉ ngụ ý là làm cho họ, phục vụ những tham vọng của chính họ. Vì thế nên ta rất dễ bị lừa, như lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh cho ta thấy bao lần những vụ lọc lừa như thế cứ nhắc đi nhắc lại hoài. Nhưng đối với người tinh ý, có óc phân tích rạch ròi thì tôi cho, có Tổ quốc và có những người, đảng phái, lực lượng lợi dụng danh nghĩa tổ quốc. Khi tôi để cho Tổ quốc lợi dụng, thế có nghĩa là Tổ quốc (đích thực) thì có thể kêu gọi được những hy sinh tối cao, tối thượng của tôi (kể cả cái chết) cho quyền lợi của Tổ quốc, để bảo đảm cho quê hương và dân tộc tôi trường tồn. Vì mất Tổ quốc, theo tôi, là mất hết.

 

Hồ Trường An: Xin cám ơn học giả Nguyễn Ngọc Bích.