ĐOÀN NHÃ VĂN

Truyện Ngắn Võ Ðình: Dấu Lặng và Dấu Hỏi

 

 

Nói đến Võ Ðình là nói đến sự đa dạng trong các lĩnh vực nghệ thuật mà ông tham gia. Viết về ông, để được đầy đủ, phải nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, trong mỗi lĩnh vực đó.  Bài viết này không có tham vọng như thế, mà chỉ giới hạn ở một góc độ nhìn, về Võ Ðình, người dựng truyện.

Xuôi theo những truyện ngắn của VÐ, người đọc sẽ bắt gặp nhiều điều tiềm ẩn sau những trang văn chắc lọc. Kết thúc những truyện ngắn thường là mở ra những câu hỏi hoặc đọng lại những điều đáng suy ngẫm về cuộc đời, nhân sinh, làm ray rứt người đọc.  Truyện của ông, phần lớn, nằm trong mạch “suy nghiệm”, như thế. Chẳng hạn, những chân tóc trắng phau của người con gái hôm nay với người tử tù ba chục năm trước, trong truyện Còi Sương, có gì liên quan? Con rùa bị nẻ lưng trong truyện Phòng Sau, với con rùa bị đánh tét đầu trong truyện Án Mạng có liên hệ chăng? Mà tại sao là RÙA, một trong bốn con vật thiêng của biểu tượng: Lân, Ly, Qui, Phụng? Rồi mái tóc chuyển màu từ bạc thành đen nhánh và sau đó lại trở về bạc trắng của Tân trong truyện Trắng Ðen có phải nằm trong ý nghĩa thế sự xoay vần trong vòng: đen-trắng, trắng-đen?  Hình ảnh người phụ nữ đứng tuổi ôm cây sồi già trong một ngày mưa lớn, cũng như người đàn ông trôi tuột vào bên trong người đàn bà được giải thích thế nào. Rồi nguồn gốc những món đồ thờ trên bàn thờ của Bà Soa ra sao? v.v... Và một trong những điều suy nghiệm ấy, cứ ẩn hiện trong tôi, mỗi khi dở lại những truyện ngắn của ông, chính là hình ảnh “đâu đó trong mỗi con người Việt Nam đã từng sống một quá khứ ở Việt Nam đều có một cái bàn thờ.” Bàn thờ, trong ý nghĩa thiêng liêng, là biểu tượng của sự biết ơn và tôn kính. Trên bàn thờ của mỗi lưu dân, ngoài hình ảnh các đấng tối cao trong tôn giáo, còn là hình ảnh các vị tiền nhân trong tộc họ. Dù giàu hay nghèo, dù thoải mái hay bương chải trong đời sống, ai ai cũng có những dịp, những giây phút để tìm về cội nguồn, mà cái tìm gần gũi nhất, đó chính là cái bàn thờ. Thắp một nén hương, tâm hồn ấm lại. Nói một lời nguyện cầu trước bàn thờ, như giảm được những lo âu trong đời sống, hướng tới cái bình an.  Mà, hình ảnh bàn thờ không chỉ tụ hội hình ảnh của tiền nhân, là nơi cúng kiếng những người đã khuất, đó còn là nơi khởi đầu cho những gặp gỡ, là cớ để quay về của những người thân trong một gia đình, trong một tộc họ sau những tháng ngày xa nhau trong cuộc mưu sinh, ở những ngày giỗ, kỵ. Bàn thờ chính là sợi dây vô hình, kéo người với người gần lại với nhau, dù rằng bao bất đồng có xảy ra trong cuộc sống, ngay cả ở những người cùng dòng máu. Ðó là nơi, mà người ta có thể tha thứ mọi lỗi lầm. Ðó là chốn mà “thù hận anh em bỗng nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà”. Và đó cũng là một phần tư tưởng tiềm ẩn của nhà văn.

Không chỉ giới hạn ở phận người, chúng ta còn thấy VÐ rất chú ý đến chim chóc, cỏ cây, hoa lá. Rất nhiều truyện ngắn, ông đã lấy thế giới thực vật làm nhân vật của mình. Có khi là nhân vật chính như cây chanh, nho biển. Có khi là nhân vật phụ như : cây sồi già, rau má dại, me đát, rau bướm bạc, rau bát bát, v.v..  Với cây cỏ, ông cũng gần gũi, trân quý như con người. Ông để ý đến từng chiếc lá héo, ông mừng vui với từng nụ mầm, xẻ thân cây mà nhú lên. Ông khấp khởi khi cây thay hình đổi dạng, khi mường tượng thấy từng phân rễ len lỏi vào mạch đất, hay từng chiếc lá reo vui, phát triển tự nhiên theo khí trời. Viết về cỏ cây một cách gần gũi, thân tình, ông như một người nông dân chính hiệu. Nói “ông”, tức Võ Ðình, về ý nghĩ trên, thực ra tôi hơi “ăn gian”. Lẽ ra, phải là nhân vật của ông, mới chính xác. Mà nghĩ cho cùng, nếu dựng nên chỉ một nhân vật như thế, thì không có gì đáng nói. Có điều, dựng nhiều nhân vật, cùng một “tạng” như thế, thì quả thật, không thể nào không nghĩ đến người dựng truyện có một tấm lòng như những nhân vật của ông.

 

Võ Ðình tạo được một mặt tĩnh rộng lớn trong vùng truyện ngắn. Cái tĩnh đó hình thành từ cung cách ông diễn tả, ở cái ung dung trong suy nghĩ của nhân vật, ở cái tâm thế tự tại trong nhiều tình huống khác nhau. Thực ra, theo tôi, nếu đọc kỹ ông, chúng ta thấy hé lộ lên điều khác: cái "Động" nằm ẩn tàng sau bầu không khí tĩnh mịch, im ắng đó. 

Cuộc đời là chuỗi dài của những chuyển động. Cái này nối tiếp cái kia, không ngưng nghỉ; cũng như biển, hết đợt sóng này đến đợt sóng khác vỗ vào bờ; cũng như trái đất, hết vòng này đến vòng khác; đời sống con người cùng cỏ cây cũng luân chuyển theo ngày tháng. Cái “động” này ảnh hưởng đến cái động khác của cuộc đời. Võ Ðình gom góp bao nhiêu biến chuyển của đời sống, bao nhiêu cái vọng động của từng nhân vật, rồi chiếu rọi qua thấu kính của ông, biến thành cái tĩnh. Cái chúng ta bắt gặp trên những trang sách của ông, là những cái bóng điển hình của cái thực, từ bên ngoài đời sống. Cho nên, đọc ông, từ cái tĩnh bề mặt, nhìn ngược lại, về bên kia thấu kính, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều cái, từ khẽ khàng, thánh thót, đến vọng động, sục sôi, và xa hơn, đến hừng hực, nóng bỏng của cuộc đời.  

Tôi muốn lấy vài ví dụ nhỏ để minh chứng cho điều nay.

Truyện Bạn Cũ, chẳng hạn. Hai người bạn gặp nhau trong một không khí đầy tĩnh lặng. Ôn lại chuyện xưa, nhắc đến những người bạn thiếu thời. Qua bao nhiêu dâu bể, cái nhìn của họ về mọi thứ đã lắng đọng. Vậy mà, đằng sau cái tĩnh ấy là hừng hực lửa của một thời tuổi trẻ, là sục sôi ước vọng của thời mới lớn.  

Truyện Cây Chanh, ông cũng dùng một phong cách ấy. Không khí truyện rất tĩnh, làm bẩy lên cái động: tiếng động của lá chanh khô rơi xuống nền gạch men. Nghe tiếng lá rụng, để rồi nhìn về cuộc  đời đầy hận thù, lắm phong ba, nhân loại vẫn đầy rẫy áp bức, tù đày, bệnh tật, đói khát, thì tiếng động khẽ khàng của tiếng lá rơi mở ra một khung cảnh khác. “Cuộc đời não nề như vậy thì bốn giờ sáng thức giấc nghe chiếc lá khô rụng trên nền gạch có là gì mà sao tôi thấy bi thiết đến thế. Tôi lắng tai. Một hai chiếc lá rụng nữa, khẽ khàng.”  Nghe tiếng lá rụng, của ông, tôi lại nghĩ đến một nhà thơ, Trần Ðăng Khoa, có hai câu thơ “Ngoài hiên rơi chiếc lá đa / Tiếng rơi rất mỏng, chắc là rơi nghiêng”. Một tiếng rơi rất mỏng, hay một tiếng rụng khẽ khàng, cũng vậy. Bắt được tiếng rơi của lá, như thế, là một sự tinh tế.  Cái tinh tế đó tạo nên điểm sáng cho một ý thơ, cho một bản văn.  Sau này, TÐK có lần nói, ông chỉ phịa ra chiếc lá đa, chứ ngôi chùa mà ông viếng lúc đó, không có cây đa. Ừ thì là phịa. Tiếng rơi mỏng đó, vẫn ...thơ như thường. Tuy nhiên, tiếng rơi mỏng ấy không lay động được như tiếng rụng khẽ khàng của VÐ, dù âm thầm mà nghe bi thiết, khẽ khàng mà lại đầy giục giã, để rồi sáng ra, “tôi” phải bứng cây chanh ra khỏi chậu, đặt nó xuống lòng đất, sau hai mươi năm, ép nó sống trong “tù đày”.

Lấy thêm một truyện ngắn nữa, Ðời Hoa, chẳng hạn. Cái sơ yếu lý lịch của bà Hoa, quả là sơ sài. Một truyện ngắn liệt kê những điều ngắn củn, như thế, của một người bình thường như bao phó thường dân khác, có gì là quan trọng. Nhưng mà, không hẳn như thế. Bởi chắc gì bản lý lịch này là của riêng bà Hoa. Mà không chừng, nó như một cái bản mẫu cho rất nhiều người, những người Việt bồng bềnh theo vận nước nổi trôi. Mà cho dù chỉ là của riêng bà đi nữa, thì đằng sau đó là một trời vọng động, của một người trôi giạt tứ phương, trải qua bao nhiêu đời chồng, thuộc nhiều chủng tộc khác nhau. Một con thuyền đã lênh đênh mấy lượt, tấp vào những bến đỗ đã bao lần. Cuộc đời như vậy mà “tĩnh” làm sao được?

Rất nhiều truyện ngắn khác của ông cũng nói về cái động xuyên qua cái tĩnh, như thế.  Biến cái động của cuộc đời, thành cái tĩnh trên trang sách, là một trong những thủ pháp nghệ thuật đã tạo nên hấp lực trong vùng truyện ngắn của ông.

 

Truyện ngắn của VÐ mang nhiều chất tùy bút. Ðang nói về nhân vật này, ông nhảy qua nhân vật khác. Ðang nói về cây “nho biển”, ông phóng qua cây tràm. Từ cây tràm, ông liên tưởng và nhắc tới đủ thứ, nào là Rừng mắm, rừng tràm của Bình Nguyên Lộc, nào là cây quế, cây hòe của cụ Nguyễn Du, nào là Hồng Nương của Nhất Linh. Không chịu dừng ở đó, ông tới luôn cái chuyện “xông”: “Ngứt một lá, vò, thơm mùi khuynh diệp. Thả dăm chiếc lá vào nồi, thêm vài tép sả, đun nóng, dù không cảm cúm mà “xông” một phát cũng sướng!” (“Nho Biển”)

Viết về một tiếng rao hàng, như “Chiếu hôn”, “Giò” của người bán chiếu, bán giò, ông lại nghĩ đến ông ... Tố Hữu, nằm trong tù Lao Bảo, nghe tiếng rao ngoài song sắt, vụt lên những ý thơ. Viết về “Ông Hai Lâu”, ông liên tưởng đến “Ông H.O.” của Hà Thúc Sinh, hay ông bạn khó tánh trong “Ngọn Cỏ Bồng” của Nguyễn Bá Trạc. Viết về bát canh tập tàng, ông luận đến cái thiếu của rau má, rau bát bát. Từ bát canh tập tàng đó, đi xa hơn, ông nhớ đến cái ấm, lạnh, cái xót xa, u uẩn của Bà Huyện Thanh Quan, bao nhiêu đời trước. Và, cái chất “tùy bút”, không chỉ bảng lảng trong nội dung truyện, mà lắm khi, còn hiển hiện ở ngay cả cái câu kết.  Chẳng hạn, “Chỉ có mình, vâng, chỉ có mình mới là đến từ rất xa. Rất, rất xa.” Cái câu kết này, dường như, chẳng ăn nhập gì đến nguyên mạch truyện Nho Biển.  Bởi lẽ, theo tôi, Võ Ðình muốn tô đậm cái trống trải mênh mông trong mỗi con người, nỗi cô đơn bần bật của từng nhân vật.  Nỗi trống trải đó, nỗi cô đơn đó, nói cho cùng là của “mình”. Một mình. Rất riêng.

Trộn lẫn giữa tùy bút và truyện ngắn, trong mạch truyện của VÐ, rõ ràng là một sự cố ý.  Dĩ nhiên, có điểm mạnh và yếu trong lối chọn lựa này, khi đánh giá dưới góc độ nghệ thuật. Tuy nhiên, rất hiếm người, cố tình, chọn con đường như thế, cho dòng truyện ngắn của mình.

 

Có người cho rằng chữ nghĩa của Võ Ðình nhiều màu sắc. Chưa hẳn. Bởi, nếu đọc kỹ, lượng màu trong “truyện” của ông chẳng có gì vượt trội, nếu so với những nhà văn đương thời. Dẫu vậy, trong lĩnh vực màu sắc này, VÐ có một điểm riêng. Ðó là, dường như ông “rộng rãi” với những nhân vật nữ nhiều hơn. Nói thế, không có nghĩa là những nhân vật “đàn ông” của ông không được khắc họa bằng màu sắc. Có, nhưng họa hoằn lắm. Có, nhưng chỉ là những nét rất đơn giản của cái áo, của chòm râu, có khi là mái tóc, thế thôi. Chấm hết. Còn ở “đàn bà”, ông vẽ đậm hơn, tô nhiều gam màu, kỷ lưỡng hơn, ở những góc độ khác nhau, và ngay cả ở nhiều phần khác nhau trên cơ thể.

Thử lấy một truyện ngắn “Sáng-Chiều”. Nhân vật “ông già”, cùng lắm là VÐ cho ông ấy mặc áo gió, màu mắm ruốc. Chấm hết.  Ngược lại, ở những nhân vật nữ, chính lẫn phụ, ông dường như săn sóc bên ngoài một cách khá kỷ càng. Từ cô bé mặc bộ đồ bộ màu sặc sỡ, đến “Chị đàn bà thỉnh thoảng ngưng băm, thò tay vào háng, gãi tung tóe. Chị mặc bộ đồ màu hồng tươi, điểm những bông hoa đỏ xanh to tướng. Áo quần quá sít sao, vú mông thừa thải, chực chui ra ngoài. Chị ngồi chồm hổm, thắt lưng tụt xuống, phơi cặp mông phốp pháp, trắng hếu.” Ðến một người nữ khác, trong cùng truyện ngắn; “Chị con gái, tóc đỏ rực, áo hở bụng, ngồi cười banh ra trên yên xe, móng son bó dép cao gót chín phân.”

          Hoặc như truyện “Ðầu Ðồng”.  Người cha không có lấy một nét vẽ, ngược lại người con gái được ông để ý nhiều hơn.  Hai mươi năm sau, cô bé đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, về lại vùng đất cũ với người tình, nhớ lại chuyện ngày xưa ấy, VÐ lại cũng chẳng có một nét màu cho người tình của nàng. Chỉ có nàng với những màu sắc riêng biệt.

          Hay truyện “Bạn cũ” chẳng hạn. Nhân vật chính là Văn. “Tôi” đi thăm Văn, một người bạn của nửa thế kỷ trước, tại Paris. Vậy mà ông vẫn hà tiện với Văn, nhân vật chính của mình. Ông để ý đến cái sắc của bà vợ nhiều hơn, dù chỉ là một thoáng gặp. Và không chỉ bà Văn, mà ngay cả cô người làm, dù chỉ được “tôi” gặp một lần duy nhất, ông cũng đã bỏ công, khắc họa những đường nét, nhiều màu sắc khác nhau.

          Còn nhiều trường hợp như thế nữa, rải rác trên những trang văn của ông.  Cũng chính ở điểm này, người đọc lại thấy một khía cạnh khác trong bút pháp khắc họa nhân vật của Võ Ðình: ông khắc họa những gã “đàn ông” bằng cách đào sâu vào phần tư tưởng của họ, qua lối suy nghĩ, qua những boăn khoăn, qua nỗi niềm u uẩn giấu kín tận đáy lòng. Nói cách khác, ông khắc họa họ bằng cách đi vào thế giới nội tâm. 

          Thực ra, theo tôi, màu sắc là để làm nổi bật hình ảnh. Mà hình ảnh chỉ là tầng thứ nhất trong nghệ thuật. Ở tầng thứ nhất này, ai cũng dễ dàng nhận thấy. Cái mà nhà văn muốn người thưởng ngoạn hướng đến, không phải chỉ là cái bề mặt ấy, mà là phải vượt qua nó, để đến hình tượng. Từ hình tượng, đi thêm một bước nữa, xa hơn, khó hơn, là cái “hồn” của tác phẩm. Ðó mới là điểm chính của nghệ thuật.  Ðưa người đọc vào tận cái “lõi” ấy, từ hai phương thức khác nhau, trên hai phái tính khác nhau, là một thủ pháp nghệ thuật khác của VÐ, trong vùng truyện ngắn của ông.

          Ngoài ra, truyện ngắn Võ Ðình mang nhiều nét huyền ảo. Tuy nhiên, ông không đẩy cái ảo đi đến chỗ mạnh bạo và đầy cực đoan, như  Trần Vũ, chẳng hạn.  Cái ảo của ông là cái ảo tạo nên sự gợi mở, để đưa độc giả chạm với những tình huống cần suy gẫm.  Cái ảo của ông là cái ảo của hé lộ, nhằm liên kết sự kiện này với sự kiện kia, tạo nên những liên tưởng nơi bạn đọc, mà ở đó, chất liệu hiện thực khó chuyên chở hết.  Rất nhiều truyện ngắn của ông chứa đựng những cái ảo, ngoạn mục như thế. Chính ở những truyện ngắn mang chất ảo này, ông đã tạo ra một bầu không khí “lạ” so với những nhà văn đương thời. Tuy nhiên, chất ảo cũng chỉ là một trong nhiều thủ pháp nghệ thuật mà ông sử dụng.  Do đó, không thể đặt quá nặng vào thủ pháp nghệ thuật này khi đánh giá truyện ngắn của ông. 

 

Có một truyện ngắn, theo tôi, có điểm cần bàn, đó là truyện “Bàn thờ nhà bà Soa”. Trong truyện, VР cho bà Soa quay lại quá khứ từ những năm đầu thế kỷ 19, dù đã rào đón rằng bà là người giỏi Sử, ngay những năm còn đi học ở quê nhà.  Bà Soa, lăn lộn trên xứ người đến gần nửa thế kỷ, sống xa rời người Việt, lại có thể nhớ vanh vách năm 1830 xảy ra sự kiện gì, có loạn nào, do ai cầm đầu, như một người từng ăn nằm với lịch sử. Bà Soa có thể nhớ đến Vua Minh Mạng có bao nhiêu người con. Ừ, thì cho rằng chi tiết này thuộc loại “có thể nhớ được”, nhưng mà chi tiết khác: người con thứ 11 của Minh Mạng là ai, được phong tước hiệu là gì? Bà nhớ tuốt. Thử đặt một câu hỏi: Bao nhiêu bạn đọc của ông Võ còn nhớ được những chi tiết này? Thậm chí, bao nhiêu nhà văn Việt Nam còn nhớ, sau những tháng năm dâu bể? Chẳng lẽ những nhà văn của ta đều thua trí nhớ một Bà Soa, một người lưu lạc nửa thế kỷ quê người, qua bao nhiêu bến đỗ? Tôi thực sự không có ý hạ thấp trí nhớ của các nhà văn Việt Nam. Ðiều tôi muốn nói đến là trí nhớ quá tốt của bà Soa. VÐ đẩy đi khá xa điều này, xa đến nỗi nó làm cộm lên những nghi ngờ từ người đọc.

         

Bước vào từng truyện ngắn của VÐ, độc giả khó đoán được kết thúc của nó. Và ở mỗi kết thúc, luôn gợi mở những câu hỏi, những suy tư nơi người đọc, như đã nói. Tuy vậy, có một điểm dễ nhận ra: một phần quá khứ ở những nhân vật của VÐ thường gắn liền với Huế, với Paris. Huế là nơi rời xa, cũng là nơi đã trở về. Paris là nơi đến, cũng là nơi đã ra đi. Hay xa hơn, nhiều nhân vật của ông đã rời xa Việt Nam từ hằng hơn 50 năm trước, bươn chải qua bao châu lục. Sống trên xứ người lâu như thế, nhưng trong mỗi nhân vật vẫn còn ẩn tàng những nỗi niềm của quá khứ  mang đậm chất Việt Nam. Mà dường như, những người càng xa quê hương, về địa lý, càng nhớ quê hương quay quắt. Những người rời quê hương càng lâu, những kỷ niệm thuở ấu thời càng được trân giữ. Như có một sợi dây vô hình, níu kéo người ra đi với mảnh đất tiên tổ ngàn năm để lại.  Ở họ, ông quật dậy những ước vọng xưa cũ. Ở họ, ông khơi lại những hừng hực một thời trai trẻ. Ở họ, ông mở ra những giằng co giữa cựu và tân. Ở họ, ông dàn trải những nỗi niềm uẩn khuất. Và cũng ở họ, ông mở ra những cái nhìn khác về cuộc đời, những góc độ khác trong cõi nhân sinh. Họ có liên quan gì đến VÐ không? Thoạt nhìn, cứ tưởng rằng không. Vậy mà “có”ù đấy.  Nếu đọc một phần tiểu sử của ông, chúng ta có thể hình dung được sự liên hệ này. Từ đó, có thể suy ra rằng: VÐ dựng truyện từ ngay chính cái kinh nghiệm sống của mình, hay nói cách khác, ông hư cấu để làm nên những truyện ngắn hay là từ những chi tiết thực của cuộc đời. Và, trong số những truyện ngắn hay, có thể kể đến: G, Chiếc Vòng, Luân Hồi Trong Một Ðêm Tuyết, Án Mạng v.v.  Ðây là những truyện ngắn xứng đáng góp phần trong tuyển tập những truyện ngắn hay của Việt Nam, nếu có một tuyển tập như vậy, được thực hiện. Dù mỗi truyện có một cách dàn dựng riêng, một tiêu biểu riêng trong đời sống, nhưng đều có chung một điểm: lạ ở không khí truyện, một thứ không khí hiếm thấy trong khu rừng truyện ngắn Việt Nam. Thứ đến, là cách dàn trải ý truyện, một cách dàn trải tưởng chừng đơn giản mà lại công phu, ở đó, tư tưởng ẩn mình dưới những con chữ. Cho nên, đọc lần đầu, rồi đọc lại nhiều lần sau, vẫn thấy sự hấp dẫn. Ðiều này làm ta liên tưởng đến những con thú rừng, luôn cố giấu đường đi cũng như vết tích. Muốn tìm ra những dấu chân của chúng, không dễ dàng gì. Và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, đó là chữ nghĩa cô đọng mà ông đặt vào trong từng câu văn. Hiếm thấy những câu văn “gầy” trong những truyện ngắn của ông.

Ðọc đi đọc lại những truyện ngắn hay được nhắc đến bên trên, tôi lại phát hiện thêm một điều khác: "Chiếc Vòng" được viết trong năm 1978, "G" viết trong năm 1979; "Luân Hồi Trong Một Ðêm Tuyết" được viết trong năm 1987, riêng "Án Mạng" được mới viết gần đây, năm 2000. Thời gian viết những truyện ngắn này, thoạt đầu, tôi không chú ý lắm. Nhưng ngẫm nghĩ, quả tình, nó cho thấy một điểm thú vị khác khi nhìn lại quảng thời gian sáng tác truyện ngắn của nhà văn.

 

Truyện ngắn của VÐ là những lát cắt mạnh bạo, nhưng đầy sự chắc lọc, của đời sống, mà xuyên qua đó, người đọc có thể thấy được chiều sâu trong suy tưởng của mỗi nhân vật, đồng thời cũng nhận diện được cái trống trải, mênh mang của dòng đời, và nắm bắt được cái cô đơn, bần bật nơi mỗi phận người. Mỗi truyện ngắn đánh dấu một nỗ lực cách tân. Và trong nỗ lực cách tân ấy, dường như ông không chủ tâm tạo nên từ ngữ mới cho bản văn.  Ông đẩy ngòi bút vào hướng khác: luôn tìm kiếm những thủ pháp nghệ thuật tương xứng với những mẫu tiêu biểu của đời thường để tạo nên những trang văn đẹp.  Từ những cuộc đời đầy biến động, ông đã rọi qua một thấu kính của riêng mình, làm nên những bức tranh tĩnh đầy chất nghệ thuật. Nhưng quan trọng hơn cả, điều tiềm ẩn mà nhà văn để lại sau những trang chữ của mình, chính là khoảng thinh không, đầy vấn vương, suy nghĩ, hay những câu hỏi, còn quấn quít sau khi gấp sách. Và, theo tôi, cũng chính những dấu lặng và dấu hỏi này, đã làm nên tên tuổi Võ Ðình, trong vùng truyện ngắn.

 

Ðoàn Nhã Văn

12-2007