Đoàn Nhã Văn





Trần Diệu Hằng và Những Chuyến Đi Không Ngừng Nghỉ

         

Khởi đi bàn viết lữ thứ ở những năm 1980 đến nay, Trần Diệu Hằng đã trình làng 4 tác phẩm. Giữa những tác phẩm có một sự cách khoảng về thời gian, nhất là sự cách khoảng khá lâu khi bà cho chào đời tác phẩm thứ tư, Niềm Im Lặng Của Mây. Dù ngắt quãng trong thời gian sáng tác, nhưng theo dõi những truyện ngắn của bà, người đọc nhận ra như có một sợi dây liên kết, một sợi chỉ hồng xuyên suốt những tác phẩm kể từ truyện ngắn “Chuyến Xe Về Làng Đại Từ” đến những truyện ngắn trong tác phẩm mới nhất.  Ở đó dường như thân phận của người phụ nữ di dân luôn là điểm ưu tư, tâm cảm của họ luôn là niềm réo gọi, mất mát của họ luôn là thôi thúc, xót xa của họ luôn là ám ảnh và niềm im lặng của họ như sức ép đẩy những con chữ để hình thành những truyện ngắn mang tên Trần Diệu Hằng.

          Theo chân những truyện ngắn của Trần Diệu Hằng, người đọc thấy rõ một “mô típ” là những chuyến đi.   Mỗi cơn sóng gió của lịch sử là bắt đầu một chuyến đi. Không phải là chuyến đi của một mà là nhiều người.  Không chỉ nhiều người, mà là nhiều lớp người, nhiều thế hệ. Và không có chuyến đi nào là không đầy bất trắc.

Đi, khởi đầu từ cuộc chạy loạn trên đại lộ kinh hoàng đến cuộc di dân vĩ đại cuối thế kỷ 20. Đi đồng nghĩa với tìm đất sống, và nhiều khi tìm đất sống phải bước qua cõi chết.  Để tìm cõi sinh cho con gái Trí Huệ và Mỹ Huệ, người cha đã nằm xuống, người mẹ phải cạn dòng nước mắt cho thân phận trong cơn loạn lạc, kêu cứu cho con mình. Đi, Trí Huệ phải nằm xuống để cứu lấy Mỹ Huệ khi những đợt sóng đại dương ập đến.  Vì thế, để một mầm sống vươn lên, dường như phải có một hy sinh lót đường.  Đi là bước về phía trước, dù biết rằng phía trước trùng trùng những oan khiên và giăng giăng những hải tặc trên đường vượt biển.

Khi làn sóng thuyền nhân lên cao vào những năm 1979 - 1981, và nhất là khi các nhà văn, nhà báo như Nhật Tiến, Dương Phục, Vũ Thanh Thủy v.v., đến được bến bờ tự do, họ đã góp nhặt và phát hành nhiều tài liệu, gồm cả những tài liệu sống từ chuyến đi của mình để vận động Cao Ủy Tị Nạn đẩy mạnh phong trào chống hải tặc trên vịnh Thái Lan.  Bao nhiêu cuộc họp báo, bao nhiêu trang tài liệu, và biết bao nhiêu trang sách viết về nỗi khổ nạn của thuyền nhân nói chung và người phụ nữ nói riêng khi đối mặt với nạn hải tặc trên đường vượt thoát.  Bao nhiêu xác người vùi sâu vào lòng đại dương mênh mông vì dám chống lại chúng. Hình ảnh những người cha, người chồng, người yêu đã hy sinh để cứu con gái, cứu vợ, cứu người yêu của mình đầy rẫy trên những trang sách. Ít ai trong chúng ta được “thấy” tình bạn cao cả thế nào khi một người bạn gái quyết hy sinh thân mình để cứu một người bạn gái khác giữa cơn thập tử nhất sinh, trên tàu hải tặc, trong những hành trình “đi” đó.  Trần Diệu Hằng là một trong số những trường hợp hiếm hoi cho ta “thấy” được điều này. Có điều, Trần Diệu Hằng không xoáy sâu vào vấn nạn hải tặc, điều bà nhắc đến chỉ là một kỷ niệm của đôi bạn, một xen cảnh, một trích đoạn trong hành trình đi.  Nhưng dù chỉ là một hình ảnh chợt đến của 10, 15 năm sau, hình ảnh đó vẫn còn tươi rói.  Tiếng thì thầm của người bạn gái trong cơn thập tử nhất sinh đó vẫn mồn một bên tai:“Phương, Tú sẽ cố gắng làm nó mê mẩn, may ra Phương thoát.”   Một câu nói bình thường, từ một người phụ nữ bình thường, nhưng ở trong một hoàn cảnh đối diện với tử thần, đã trở nên cao cả.  Một câu nói tô đậm một tấm lòng.  Một câu nói cứu sống được một người con gái thanh tân, một người bạn từ thuở thiếu thời.  Khác với nhà báo, khác với người chép sử, nhà văn không trưng dẫn tài liệu, không ghi lại sự kiện, không tổng kết bao nhiêu người đã nằm xuống.  Nhà văn cũng không khai thác cái thú tính, mà ngược lại, đã nhìn vấn nạn đó dưới một góc độ khác, một góc độ nhân bản, đẩy ngòi bút của mình vào cõi nhân tình, bẫy lên cái cao cả của sự hy sinh thân xác mình để cứu một người bạn gái khác. 

Đi, còn là tìm lối để trở về như hình ảnh trở về của một cụ bà đi lạc giữa những đường phố Mỹ, gọi hoài, ngoắt hoài những chuyến xe qua, để về làng Đại Từ bên kia bờ biển Thái Bình, của những năm đầu 1980. Bà cụ là một trong nghìn vạn những người phụ nữ Việt bị xô giạt bởi những lớp sóng thời cuộc.  Họ như những cây cổ thụ của vùng nhiệt đới đã xum xuê cành lá, bám chặt rễ ở một ngôi làng nào đó, ở một lũy tre xanh nào đó trên mảnh đất mang tên Việt Nam.  Một sớm một chiều bị bứng cả gốc rễ và trồng lại ở một vùng xa lạ giữa miền Bắc Mỹ.  Vì thế, rễ cũ không còn khả năng bám đất, mà rễ mới chưa kịp nhú ra, để nuôi lá cành, thân xác.  Vì thế, cây không còn xanh tán. Tuổi già luôn cô đơn, da diết nhớ về quê xưa. Cái da diết nhớ về cây đa đầu ngõ, lũy tre cuối thôn, hay chiếc cỗng sơn son của ngôi làng xưa cũ. Hình ảnh bà cụ chở hết cái da diết nhớ quê của một người lớn tuổi trên đất lạ quê người.

Đi, trong truyện của Trần Diệu Hằng còn là những bước đi bời bã, có khi là trốn chạy, khi phải đối diện với những suy nghĩ cũ càng, những định kiến hẹp hòi về người phụ nữ của thế giới đàn ông, như “tôi” trong “Nhìn Lại Douala lần cuối”.  Đi về một nơi hẻo lánh của quả địa cầu, cuối cùng lại gặp cái vòng lẩn quẩn định kiến đó.  Lại một hành trình đi khác.

Đi, còn là một quay lại cố hương để nhìn lại quá khứ, như họa sĩ N trong truyện Mầu Khâm Liệm, trước khi dứt khoát chôn hẳn những dĩ vãng vào cuối lòng đất. Đi, còn là một sự trở về của thế hệ thứ 2, của Hoàng Hạc, một cô gái của tuổi hai mươi, lớn lên trên vùng Bắc Mỹ, tìm trở về nguồn, làm thiện nguyện, giúp đỡ những người ốm yếu bệnh tật ở một vùng đất mà chính mẹ của cô đã phải bỏ ra đi.  Nhưng rồi chuyến đi (hay trở về) của cô rồi cũng kết thúc, rồi cô lại chuẩn bị một hành trang mới, một vali rất nhẹ, để lại bắt đầu một chuyến đi mới, rời khỏi nơi mình vừa mới trở về.  

Và, đi còn là bước tới, đối diện với thực tại, đối đầu với tương lai.  Vì thế, đi còn là một hành trình chôn vùi cái cũ, khâm liệm quá khứ, đắp khăn sô lên dĩ vãng để hành trang không còn cồng kềnh, để lòng nhẹ nhàng mà hòa nhập vào cái mới, vào cuộc sống hiện tại.

 


 

Sau những chuyến đi dài, những phụ nữ di dân thường im lặng, chịu đựng khi đối diện với niềm đau. Trước những cơn sóng dữ của thời cuộc, họ không hề trách móc trời gần, kêu réo trời xa. Chạm với thực tế cuộc sống phủ phàng, với lời ong tiếng ve của những người làm chung, họ cũng chỉ im lặng, chịu đựng.  Với những cử chỉ suồng sã của xếp lớn, họ cũng lại im lặng chứ không hề làm lớn chuyện. Im lặng và chịu đựng, với họ, dường như một thứ châm ngôn, mà nếu không tuân theo, chắc họ không thể sống. Im lặng giữa một cuộc sống hội nhập không phải vì họ không biết phân biệt phải, trái, trắng, đen, mà là vì họ còn muôn ngàn chuyện thứ khác phải lo, đáng lo hơn, đáng để thời giờ, để tâm trí vào hơn. Im lặng không phải là buông xuôi.  Im lặng là để dành thời gian và sức chịu đựng cho những mầm sống mới, cho những trang sách mới, cho những bước chân chập chững vào đời.  Và một khi đã vì gia đình, họ sẵn sàng mọi thứ, như hình ảnh gà mẹ chịu đựng bao nghịch cảnh, luôn xòe đôi cánh để bảo vệ đàn con của mình. Niềm im lặng của họ như lũy tre xanh muôn đời lặng im, mà vẫn bao bọc, chở che, rộng lượng, nhất là có thể uốn cong đến tận cùng mà không hề gãy. Và ở chốn tận cùng đó, như ta đã biết, không có gì trên cõi đời này có thể sánh bằng, đó là trái tim người mẹ.

Trong thiên chức làm mẹ của họ, lo cho con từ lúc cất tiếng khóc chào đời, dõi theo từng bước đi, từng nỗi ấm đầu của con, ấm lòng trước những câu hỏi ngây thơ của và lo lắng cho những bước chân vào đời cho lớp tuổi 18, 20.  Trong cái lo đó, trong cái nhọc nhằn đó, trong cái hy sinh vô bờ bến đó, lắm khi con mình không hiểu nổi, cho đến lúc nhắm mắt, xuôi tay.  Lúc đó, người con mới nhận ra được cái cao cả, thiêng liêng của tình mẹ.

“Một nỗi mất mát khủng khiếp trán ngập tâm hồn tôi. (...) Tôi hụt hẫng, thất thoát, chới với.  Suốt chừng ấy năm trên miền đất này, có phải mẹ đã ôm giữ quá khứ cho tôi bắn về tương lai như một mũi tên? Có phải mẹ đã âm thầm giăng chiếc lưới an toàn cho tôi lao mình trong cuộc đu dây giữa những chốn rời khỏi và những nơi đi tới? Có phải mẹ chậm đủ để cho tôi nhanh vừa? (...) Có phải mẹ đã đem nỗi buồn Việt Nam thiên cổ đổ ập vào lòng nước Mỹ trẻ tươi, mẹ rạch một đường sâu hoắm đổ ập vào tôi khiến tôi ngộp thở giẫy giụa nhưng khi mẹ chết đi nửa phần kia của tôi tắc thở ngưng sống? (...) Tôi ân hận vì đã không chịu học tiếng Việt một cách chăm chỉ để có thể nói những lời yêu thương êm đềm bằng thứ ngôn ngữ gần gũi với trái tim mẹ tôi trong những ngày sau cùng của cuộc đời bà” (Đèn Cù)

Và đến khi mẹ mất đi, hàng loạt những câu hỏi đặt ra để tự vấn mình.  Nhưng đã muộn.  Chỉ khi đối diện cái mất mát lớn lao đó, người con mới hiểu, mới cảm câu nói của người đi trước:“Trên thế giới có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt diệu nhất vẫn là trái tim người mẹ.” (Maxim Gorki)

 

***

Trần Diệu Hằng, bước những bước gian nan của người phụ nữ trong thời kỳ tao loạn nên cảm nổi đọa đày của người phụ nữ khác.  Trần Diệu Hằng trong thiên chức làm mẹ nên đã nhìn thấy cái đau, cái xót xa của những người mẹ Việt Nam khác, ở nhiều cảnh ngộ khác nhau, từ những chuyến đi khác nhau trong đời. Và vì thế, chữ nghĩa của bà sống và động; sống để in lại tươi rói những vết hằn lịch sử; và động để đẩy những cảm giác này nối đuôi những thích thú kia, lôi cuốn độc giả giở những trang sách tiếp theo, nhất là ở tập truyện Niềm Im Lặng Của Mây.  Tác phẩm này cho thấy một Trần Diệu Hằng khác, rất khác so với những tác phẩm trước. Khác, trước hết là ở không khí truyện, một thứ không khí đầy kịch tính có lúc đặc quánh, có khi ngột ngạt, có lần căng cứng như sợi dây đàn.  Cái không khí đó được dàn dựng theo từng góc đời, từng mảng sống của mỗi nhân vật.  Thứ đến là ý truyện và bố cục không có sự lập lại nhàm chán. Có những truyện được kết hợp giữa cái cổ điển và hiện đại như Đèn Cù, giữa cái hiện thực và cái huyền ảo như Mầu Khâm Liệm hay Trí Huệ, Mỹ Huệ. Có truyện, cái kết thúc cũng là cái khởi đầu như “Nhìn lại Douala lần cuối’ hay “Nhân Vật X”. Tác phẩm cho thấy cái xoay xở trong nhiều chiều kích ở cùng một thể loại, truyện ngắn.

Ở nghệ thuật dựng truyện, Trần Diệu Hằng thường kết thúc truyện ngắn bằng cách mở ra hình ảnh mới.  Chẳng hạn hình ảnh Trí Huệ và Mỹ Huệ mất đi để Tâm Huệ được hồi sinh.  Trí Huệ mất trên đường vượt biển.  Mỹ Huệ mất đi trên đất Mỹ.  Cả Trí và Mỹ đều qua những chuyến đi để rời đất Việt, tại sao Tâm Huệ lại lại hồi sinh trên đất Việt? Tại sao không là Thăng Long, đất ngàn năm văn hiến, Hà nội 36 phố phường hay Sài gòn thủ đô của kinh tế, của nơi tiếp nhận nhanh nhất những trào lưu mới, mà lại là miền Trung?  Hay như trong truyện ngắn “Trong khi chờ đầu thai”, dấu chấm hết đã hạ xuống, nhưng chắc chắn truyện không dừng ở đó, mà ngược lại, truyện cho chúng ta thấy cái khác vọng sống và được sống của Kỳ Hương.  Dấu chấm hết chỉ là chấm hết một quá khứ để bắt đầu bằng một niềm hy vọng mới mới, khai sinh một cuộc sống mới. Truyện đã hết nhưng cứ vương vấn người đọc. 

Ngoài ra, tập truyện còn mang nhiều hình ảnh ẩn dụ sâu sắc, như hình ảnh rặng Tre Lìa Cội, chẳng hạn.  Rặng tre này kết quả của những giọt nước mắt, của hai tâm hồn nghệ sĩ một trẻ – V, và một già – N, mà V rất giống đứa con trai đã mất của N.  Trái tim họ rung động, hiểu thấu khốn cùng của nhau, khi tranh của họ được trao cho nhau: “Nước mắt V chảy xuống thấm vào lòng đất phía sau lưng N và nước mắt N chẩy xuống thấm vào lòng đất phía sau lưng V.  Sau khi hai người chia tay nhau rồi, dưới gốc tre nơi họ khóc nảy sinh ra hai chồi măng mọc sát gốc nhưng một ngọn ngã về hướng đông một ngọn ngã về hướng tây.  Năm 2001, người trong thôn ấp đạt cho rặng tre một cái tên mới: Tre Lìa Cội.” (Mầu Khâm Liệm)

--

Tre gần gũi với người dân Việt hơn bất cứ một giống cây nào khác.  Với người nông dân, tre lại là một người bạn thiết.  Từ trong nhà ra đến ngoài đồng ruộng, cái gì cũng bằng tre: chõng tre, đũa cái, đũa con đều tre, gồng gánh, thúng, mẹt v.v..., đều từ tre mà ra cả.  Tre còn là hình ảnh đẹp trong triết lý Á Đông, đứng thẳng chứ không cuối đầu.  Xa hơn, cây tre còn là trong số rất hiếm những loại cây có thể uốn cong mà không hề gẫy.  Tre còn là một chở che, rộng lượng.  Một hướng về Đông, một hướng về Tây là hình ảnh chia xa, dù cùng một gốc.  Đó là định mệnh, chứ không phải chọn lựa.  Định mệnh đó không chỉ cho một người, một thế hệ, mà là nhiều thế hệ, như thế hệ của V và của N. Ghép V và N lại, chúng ta có một VN.  VN là viết tắt của Việt Nam.  Định mệnh chia lìa của rặng tre lìa cội, của V và N cũng là một thứ định mệnh của dân tộc như 50 người lên núi, 50 người xuống biển của tổ tiên.

Một điểm khác cũng cần nói đến, là ở Niềm Im Lặng Của Mây, Trần Diệu Hằng cài đặt vào truyện ngắn ít nhiều những tư tưởng của Phật Giáo, mà đậm nhất là chữ “Tâm”, đặt cái tâm lên hàng đầu, xem cái tâm là trụ của kiếp người. Thêm vào đó, triết lý nhị nguyên, cũng lãng đãng đó đây trong truyện ngắn của bà.  Qua nhân vật chính, bà đã dàn dựng để chuyển tải ý tưởng, đưa nhân vật đi giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiên đàng và địa ngục, bước đi giữa bên này và bờ kia, giữa vinh và nhục, giữa thắng và bại, giữa yêu thương và hận thù, giữa chia lìa và hội ngộ, giữa trốn chạy và tìm về v.v.

 

***

 

Karl Marx từng nói “chỉ có loài thú mới quay lưng lại nỗi đau khổ của con người mà chăm sóc riêng cho bộ da của mình”.  Truyện của Trần Diệu Hằng không có những cảnh tượng chăm sóc riêng cho bộ da ấy.  Truyện của bà viết về những chuyến đi, những niềm im lặng, ở đó lấp lánh những tình Mẹ, tình yêu, tình người. Tuy nhiên, đằng sau những chuyến đi ấy, ở cuối những niềm im lặng ấy, và ở giữa những dòng chữ ấy, ta bắt gặp các loài thú.  Chúng không những chỉ chăm sóc riêng cho bộ lông của mình, mà còn, nhiều khi ăn cả thịt của đồng loại. 

           Đi, như ta đã thấy, là ý tưởng chủ đạo ở thế giới truyện ngắn mang tên Trần Diệu Hằng và cũng chính là hành trình của những người phụ nữ di dân.  Nhưng quan trọng hơn, “đi” còn là hành trình trong nghệ thuật của Trần Diệu Hằng từ Vũ Điệu Của Loài Công đến Niềm Im Lặng của Mây.  Ở đó, bà từ chối lập lại mình, dù lập lại những thành công đã đạt được. Nói rõ hơn, ở đó, sự biến chuyển không những chỉ ở trong tâm thức, cái nhìn vào cuộc đời, cái cảm trước nỗi đau của người chung quanh, mà còn là hướng bước tới của nghệ thuật dựng truyện.  Bà đã đẩy truyện ngắn của mình lên một bậc, đưa nó vượt lên trên “tầm” thường.  Vì thế, nếu có một sự tuyển chọn trong tương lai, theo tôi, phần lớn những truyện ngắn trong tập này có thể đứng chung với những truyện ngắn hay khác, của những nhà văn đương thời, cùng một đề tài: Phụ nữ di dân.

Ngắn gọn, thế giới truyện ngắn Trần Diệu Hằng là thế giới của những chuyến đi không ngừng Nghỉ: đi trong nghệ thuật và đi ngoài cuộc đời. Đi, ở mặt nổi, là những cuộc hành trình cam go và bất trắc. Nhưng dù cam go thế nào, bất trắc ra sao, đằng sau những hành trình ấy, luôn là những ngọn lửa ấm của tình người, và đẹp hơn cả, vì tình người nên những ngọn lửa ấy không bao giờ tàn lụi.

Đoàn Nhã Văn

4/2003

 

Những tác phẩm của Trần Diệu Hằng

1.       Vũ Điệu Của Loài Công, 1984

2.       Mưa Đất Lạ, 1986

3.       Chôm Chôm Yêu Dấu, 1989

4.       Niềm Im Lặng Của Mây, 2001