ĐOÀN NHÃ VĂN

Vài Ý Nhỏ Về Những Dòng Lục-Bát-Gãy Của

HOÀNG XUÂN SƠN

đọc sách

 

 

          Ðã lâu, tôi không đọc thơ lục bát nữa, trên các tạp chí cũng như trên các diễn đàn trên mạng. Bởi, trước tiên, tôi vẫn nghĩ, lục bát là thể loại dễ làm, nhưng rất khó hay.  Rất hiếm thấy những bài lục bát sau này làm xao xuyến người đọc. Ðọc hoài những bài lục bát không hay ấy, thật phí thời gian. Thứ đến, tôi nghĩ rằng nó đã qua thời kỳ đỉnh cao và không còn là thể thơ của hôm nay.  Cho nên, tôi hiếm khi dừng lại ở những bài lục bát bắt gặp, đó đây.

 

Từ lâu, tôi vẫn nghĩ, lục bát được khởi đi thật đẹp từ Nguyễn Du. Lục bát được tiếp tục bởi Huy Cận, Bùi Giáng, Viên Linh, Cung Trầm Tưởng và những Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy v.v.  Ðó là những người “ăn ở” thật lâu, với lục bát. Chính sự ăn ở lâu dài ấy, cùng với bản lãnh nghệ thuật của mỗi người, họ đã để cho đời nhiều bài lục bát hay, nhiều câu lục bát xôn xao lòng người.   

                         

          Từ lâu, tôi vẫn nghĩ, lục bát của Nguyễn Du mang cái đẹp cổ độ. Lục bát Huy Cận với những  mang mác buồn hiu. Lục bát của Bùi Giáng rong chơi theo tháng ngày. Lục bát của Viên Linh với những hình tượng ma lực. Lục bát của Cung Trầm Tưởng đầy mãnh liệt như thể xẻ đôi sông núi v.v. Ở họ, những câu lục bát xoáy vào trái tim nhân thế. Ở họ, lục bát như mở ra một vùng mênh mông, trời - bể. Ở họ, lục bát như tách đôi nhật nguyệt, ngày - đêm. 

 

Xin được chép lại vài câu lục bát đẹp của một vài thi sĩ vừa nhắc bên trên.

 

Này là lục bát Viên Linh:

 

Ở đây sầu đã tan tành

Người đi chưa đủ về quanh chiếu ngồi.

 Hoặc

Mưa đưa tôi lại Sài Gòn

Trán căng nhiệt đới hồn còn Ðông Dương

Gặp em trở lại lầu chuông

Dang tay nện xuống hư không một chày.

 

 Hoặc

 

Chiều nay mưa dưới âm ty

Ta nghe kiếp trước thầm thì hỏi han

 

Ðây là Cung Trầm Tưởng, trước 1975:

 

bù em góp núi chung đồi
thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ.
bù em xuôi có ngàn thơ
vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương
quên thôi, bông sẽ phai hường
mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu

 

Và lúc ông đi tù, sau 1975

 

Sớm đi đội gió đỉnh đầu

Tưởng như hồn chết giữa vầu nứa khô

Ðường lên giang nứa nhấp nhô

Ngã nghiêng mây núi, lệch xô đất trời

 

Và ngay cả Thanh Tâm Tuyền, ngọn hải đăng của dòng thơ tự do, cũng có những câu lục bát hay:

 

Trót nghe não tiếng cười đùa

Xóm hoa mưa đổ hương xưa nghẹn ngào

Thuở buồn ai đẹp phương nao

Cuối đầu trinh khóc xôn xao trêu người.

 

 

Tôi vẫn nghĩ, ở thời điểm hôm nay, hiếm có một nhà thơ nào còn “dám” thủy chung với lục bát, khoan nói đến chuyện tạo nên những câu thơ thu hút hồn người. Cho đến khi tôi bắt gặp tập thơ “Lục bát Hoàng Xuân Sơn”.

 

Phải công nhận ông là một người can đảm trong sự chọn lựa của mình. Can đảm, bởi hiện nay rất hiếm người còn đu mình vào thể loại này. Nó như một trang sách cũ, đầy ắp những kỷ niệm đẹp. Nhưng dù đẹp thế nào, sách cũng phải sang trang.  Nhiều người đến với nó, một vài bài, năm bảy đoạn, rồi đi. Nó như một bến đỗ, chứ không phải nơi chốn định cư cuối cùng.  Vậy mà HXS đến, và ở lại với nó khá lâu dài. Ông chấp nhận cái bào mòn ghê gớm của thời gian, với thể loại này.

 

Với tựa đề “Lục Bát Hoàng Xuân Sơn” nhưng thực ra, cõi lục bát này không còn là thể lục bát nguyên thủy, sáu-tám nữa. Lục bát xưa là thứ sáu trên, tám dưới, câu này mời gọi câu khác, như hai bờ sông chạy dài hun tút, như suối gọi suối tuôn đổ ra song; song gọi song cùng nhau ra biển.  Lục bát xưa, sáu-tám rành rành như sự phân chia của trời và đất.  Lục bát xưa mang những âm điệu trầm buồn, mang mác mênh mông. Trong khi đó, lục bát của HXS, tôi tạm gọi là lục-bát-gãy. Câu sáu đã gãy ra, câu tám đã đổ xuống. Thứ gãy và đổ đó như thể tiêu biểu cho cuộc sống nhiều sóng gió, đầy gập ghềnh của những tâm hồn lữ khách, hôm nay. 

 

Lục bát của HXS không có cái chất ma quái như ở Viên Linh, không chứa cái mãnh lực ở Cung Trầm Tưởng, cũng khác hẳn cái đẹp u sầu của Thanh Tâm Tuyền.  Lục bát của HXS không là lục bát cổ điển. Lớp áo sáu, tám đã thay đổi hoàn toàn. Lục bát của HXS không còn là lục bát như hai bờ sông, bên sáu, bên tám, kéo dài hun hút.  Lục bát của HXS là thứ lục bát gãy và đỗ, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sáu và tám gãy ra, đỗ xuống.

 

“Theo mùa mận chín qua sông

miếng thơ miếng đạn

miếng tròng trành

hoa

(...)

Cõi riêng mùa hạn chắc giờ?

trái chua mận cắn

chia bờ

xót ___________________xa”

(Qua sông)

 

 

Câu thơ bị ngắt đi, mang nỗi đau xót, nghẹn ngào. Miếng thơ, miếng đạn, miếng tròng trành là những chữ mới. Mới và đẹp. Không còn là khổ thơ, hòn đạn; cũng không còn là cái tròng trành, chơi vơi. “Miếng” làm cho câu thơ lạ hơn, và đi xa hơn. Từ đó, đẫn đến đoạn cuối bài thơ một hình ảnh đẹp khác. “Xót” và “Xa” là hai bờ khổ lụy. Giữa chúng là một đường nối dài về cõi chân trời. Cái chia bờ, không còn là nỗi xót xa bình thường, nó đã trở thành cái đau xót, xốn xang, và miên viễn.

 

 Hoặc là

 

“Một vòng dang rộng xa khơi

một ôm hụt hẫng

phiên trời thâm căn

ngồi nghe thương thế lịm dần

với mốc meo nắng

với tần ngần mưa

          với mưa

                   với mưa

                             với mưa

với môi bằn bặt âm thừa khổ sai...”

(Vẫn ngồi)

 

Mốc meo nắng, tần ngần mưa đã không còn là cái nắng, cái mưa bình thường.  Ðó là cái nắng của lịm dần thương thế. Ðó là cái mưa của bằn bặt của âm thừa khổ sai. Cái nắng đó đã vượt qua cái “nắng mưa là bệnh của trời” của Nguyễn Bính. Cái mưa đó cũng đã rời bỏ cái mưa man mác buồn của Huy Cận. Gãy và đổ trong câu thơ làm cho cơn mưa từng đợt, kéo đến, rồi đi, rồi lại đến. Và mưa như không dứt, giữa một dòng đời vốn đã nhiều meo mốc. Câu thơ đứt khúc nhưng tứ thơ lại kéo dài. Hơn thế nữa, rất nhiều chữ mới bắt gặp trong những vần lục bát của ông.  Mới trong cách dùng, và mới trong chỗ đứng của nó.

 

Ðó là bản lãnh nghệ thuật của thi sĩ.

 

          Lục bát của HXS đã phá vỡ cái khung xưa cũ, sáu trên, tám dưới. Khi vũ trụ thay đổ, con người thay đổi, nhân tình thay đổi, xã hội thay đổi, y khoa thay đổi v.v., thì thể thơ cũng thay đổi. Ðó là một quy luật bắt buộc để sống còn. Không chỉ xóa nhòa cái sáu, tám của xưa cũ, thơ lục bát của ông còn đi xa hơn, phá vỡ cái âm điệu du dương thường hằng. Mở đầu của câu sáu, không còn vần bằng như ngày xưa, đầy êm ái nữa, mà là những trúc “trắc”, khó lường. Chữ tiếp theo cũng là vần trắc, như kéo dài cái trắc trơ, gập ghềnh ban đầu. Xin chép ra đây một vài ví dụ.

 

Rớt xuống ngôi đời chùng chình

mưamưa

chiều. xó – làm thinh bữa rời

áo biển nom như trăng. ngời

như gương lược. kín

như trời, ngực thơm

(...)

cổ kính đời xưa cũng dường

áo sông ra biển chớp nguồn

thôi

giăng.

(Chương sông)

 “Phóng bút

vào nơi thâm sâu

vầng trăng bỗng trở nên màu

mực tươi”

(Ðọc Thảo An, Mùa chớm trăng)

 

“Ngủ. Chìm khuôn mặt trẻ thơ

cơn mộng thắm đau giữa mùa xanh non

đánh thức mắt môi

chín ròn

trái. Xui cắn ngập bờ son điệp trùng

diễmdiễm

ngày êm tơ nhung

hồng tươi bông nhũ

ngập ngừng. cánh. nâng...”

(Ðọc Hồ Trường An, Thiên đường tìm lại)

 

Hoặc như

                   Vạt nước hắt sương đi xa

                   trời mưa quyên đỗ

thâm tà áo

bâu”

(Cõi chia)

 

 

Lục bát Hoàng Xuân Sơn đã thay đổi cấu trúc 6/8, như một bứt phá khỏi cái dĩ vãng xuôi chiều của ca dao, vượt khỏi cái dìu dịu của tiếng ru em ê a, trầm buồn. Lục bát HXS như một sự thay áo mới. Tuy vậy, lục bát của ông, ở một số bài, vẫn còn phảng phất những hình ảnh cũ như: bóng tiệp, tà huy, phồn hoa, cỗ lụy,  bạch nhật, thanh thiên v.v.... Những cái cũ đó, đặt trong cái gãy và đổ của lục bát hôm nay, như có điều gì không đặng lắm. Ở đó, nó không chuyên chở được trọn vẹn cái tâm, thế; Ở đó, nó chưa gói tròn cái thương, đau; Ở đó, nó không bẩy lên đủ cái chia, lìa; Ở đó, nó chưa lột trần cái thất, tán của hôm nay. Nói cách khác, ở những bài ấy, cái gãy đổ ở câu chữ chưa kéo được cái cảm của người đọc vào cái đổ vỡ của nhân tình.

 

Lục bát của Hoàng Xuân Sơn, nói cho cùng, là lục bát cố vẫy vùng ra khỏi vùng sông cũ. Ðọc ông, để thấy rằng: trên đoạn đường tiếp nối của 6, 8, ông đã ngả mũ chào những người đi trước. Chào hết sức trân trọng. Và chào xong, đường ai nấy đi. Ông muốn tiếp nối con đường 6, 8 nhưng qua ngả rẽ của riêng mình.  Trên con đường hun hút ấy, đó đây ma lực của những hồn thơ cũ còn ảnh hưởng, còn vấn vương phần nào đến cõi lục bát của ông.

Làm thơ, là thả những tờ giấy vào lòng cuộc đời. Mà lại là những tấm giấy trơn.

 

“Làm thơ ơi hỡi làm thơ

Cầm lên thả xuống một tờ giấy trơn”.

 

Vâng, đôi khi một tờ giấy trơn thả giữa dòng đời vẫn có thể tạo ra những cảm giác lạ cho người có duyên, nhặt được nó. Thơ ca, nói cho cùng, không phải là thức ăn ngon cho tất cả mọi người. Vì thế, lục-bát-gãy của Hoàng Xuân Sơn càng kén chọn bạn đọc. Tuy nhiên, một khi cái duyên đã bén, cõi thơ này để lại ấn tượng mạnh, và mở ra những điều kỳ thú khác cho bạn đọc, khi chính họ chứ không phải tác giả, khám phá sự liên hệ của đời sống hôm này, với những dòng lục bát của HXS.

 

Ngắn gọn, lục-bát-gãy của Hoàng Xuân là mẫu lục bát bị cắt, chia, xô, đẩy, như cuộc đời đầy những ra đi, đổ vỡ, chia lìa, thất tán.

 

Đoàn Nhã Văn (Lê Tạo)

10/2010

http://www.gio-o.com/AN/DoanNhaVan.html