photo: Do Luat

 

ĐỖ LUẬT

BUỔI SÁNG LẠC ĐƯỜNG

 

tản mạn

 

Để tâm hồn lãng đãng đi hoang trên những ngọn cây trơ trụi lá, anh đi qua ngã rẽ để đến chùa. Một thoáng lưỡng lự, rồi anh lái xe đi thẳng để thưởng thức sự tĩnh lặng hiếm hoi của con đường chính chạy xuyên qua thành phố vào sáng sớm ngày Chủ Nhật, mà hằng ngày vốn tấp nập xe cộ ngược xuôi. ̣Để xe chạy chầm chậm trên mặt đường ướt đẫm, anh im lặng ngắm nhìn cảnh vật hai bên. Những ngôi nhà còn ngái ngủ im lìm, con đường còn thấm đẫm mộng mị và cả thành phố còn chưa thức giấc trong giấc ngủ muộn của sáng Chủ Nhật mùa Đông. Chỉ có hàng cây trơ trụi lá dậy sớm, thỉnh thoảng lại rùng mình, rũ đi những bông tuyết còn sót lại từ cơn bão tuyết tối hôm qua khi có ngọn gió từ đâu thổi lại.

Mê mải ngắm nhìn anh đã đi gần hết con đường, và không lưỡng lự anh rẽ phải vào con dốc dẫn đến công viên được xem là đẹp nhất của thành phố. Chiếc xe như muốn trượt khi xuống con dốc còn phủ đầy tuyết, rồi khó nhọc leo lên đến chỗ bằng phẳng ở đỉnh ngọn đồi, nơi dùng làm bãi đậu xe cạnh sân chơi của trẻ con, mà bây giờ người ta vất ngổn ngang những ngọn cây thông còn xanh lá sau dịp Lễ Giáng Sinh. Anh dừng xe lại giữa bãi đậu xe mênh mông tuyết, rồi sực nhớ là đã quên không ghé mua một ly café khi ra khỏi nhà sáng hôm nay.

Ngồi trong xe nhìn xuống chân đồi mênh mông tuyết phủ, anh tự nhủ, chẳng lẽ lại trở về thành phố để có một ly café ? Không thể có tất cả cùng một lúc, anh nói thầm rồi tần ngần vặn cưả kính xe xuống, châm điếu thuốc đầu tiên trong ngày mà không có một ngụm café đen đi kèm như thường lệ. Anh khoan khoái hút thuốc mà nhớ đến cái nốt ruồi xinh xắn trên vành môi tô son màu cánh sen của cô gái ở quầy tính tiền của tiệm café quen thuộc. Hút hết nửa điếu thuốc, không biết có phải do khói thuốc buổi sáng, do mùi thông non mới đốn, hay do mùi son trên vành môi có nốt ruồi xinh xắn vừa nhớ lại, anh cảm thấy người lâng lâng say đắm. Ngả người trên ghế, anh nhắm mắt trầm tư trong khói thuốc. Trăm năm trước ai đã đến đây suy tưởng một chiều mùa Hạ mà trăm năm sau anh lại đến đây trầm tư một sáng mùa Đông ?

Cuộc đời này đầy dẫy những khổ đau nhưng có phải những khổ đau đó làm cho cuộc đời có ý nghĩa ? Thế giới này đầy dẫy những bất toàn nhưng có phải thế giới chỉ hoàn toàn khi nó bất toàn ? Và nỗi khổ đau của cuộc đời, sự bất toàn của thế giới, do con người tự tạo hay thế giới và cuộc đời đã chứa đựng khổ đau và bất toàn tự thân ? Vậy thì cuộc đời khổ đau của con người trong thế giới bất toàn này có ý nghĩa gì và thế nào là cuộc đời có ý nghĩa ? Những sáng suy tư, những chiều khắc khoải, những đêm thao thức đã khiến con người thực sự khổ đau, và lên đường đi tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời, sự thật của cuộc đời.

Có những người không bao giờ tìm thấy sự thật để chìm đắm nhanh như hòn đá rơi xuống mặt hồ. Và có những người tìm thấy được sự thật nhưng lại không đủ sức chịu đựng sự thật, đã chìm đắm từ từ như con tàu đụng phải đá ngầm đang dần dần chìm xuống biển sâu. Chìm đắm ngay lập tức hay chìm đắm từ từ cũng là chìm đắm, mà sự khác biệt là khoảng thời gian dài ngắn, mà thời gian của kiếp người thì hình như lại mong manh hơn con người hằng tưởng, nên con người bơ vơ, con người sợ hãi để thấy nỗi cô đơn không cùng của thân phận mình mà tìm nơi nương tựa, tìm nơi trú ẩn. Có phải từ đó khởi nguồn tôn giáo và thi ca ? Chắc vậy, anh nghĩ. Trong một thời gian dài nhiều người đã tìm được nơi trú ẩn, được che chở trong tôn giáo bằng những phẩm vật dâng lên cúng dường, bằng những ngọn nến thắp lên dưới chân tượng thánh, bằng một đoạn Tâm kinh, bằng một đoạn Phúc âm, bằng những điều răn, bằng những giới luật, bằng lời sám hối, bằng lời xưng tội, bằng lời cầu nguyện và lời cầu xin trước những khổ đau của cuộc đời. Tôn giáo đã cứu vớt biết bao người đang chìm đắm, và mang lại niềm tin để con người có thể chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt của cuộc đời, dù niềm tin đó dựa vào tha lực hay có được từ tự lực.

Cũng trong thời gian dài đó, một số ít người đã tìm thấy nơi nương tựa, chốn ngụ cư trong thi ca bằng cách chịu đựng sự thật mình tìm thấy, nói lên điều mình tin tưởng và chấp nhận mọi phiền não để sống trọn vẹn điều mình tin tưởng trong nỗ cô đơn vời vợi. Thi ca đích thực không lẩn tránh sự thật, tự cựu vớt mình, tự khích lệ mình để từ đó cứu vớt những người khác, khích lệ những người khác, mang lại niềm tin cho người khác trước những khổ đau của cuộc đời. Thi ca đã an ủi biết bao người đang chìm đắm, và khí hậu hà khắc của cuộc sống đã có thể chịu đựng nổi.

Với sự có mặt của tôn giáo và thi ca, thời tiết của cuộc đời đã có một sáng đầu Thu lành lạnh khi nhìn những chiếc lá đầu tiên rơi về đất con người băn khoăn nghĩ đến con người; và khí hậu của cuộc sống đã có một chiều đầu Xuân ấm áp khi nhìn những chiếc lá mới trên cây đến từ đất con người thiết tha tìm đến con người. Nghĩ đến những người khác mà tìm đến để cùng biến đổi nỗi khổ đau vô hạn thành niềm hạnh phúc hữu hạn có phải là ý nghĩa của cuộc đời hay đó là làm cho cuộc đời có ý nghĩa ? Anh bâng khuâng tự hỏi. Rồi dù sao đi nữa thì từ đó, trong một thời gian dài, dài đến nỗi tưởng chừng là mãi mãi, con người đã cảm thấy bớt bất an mà sống với ý nghĩa của cuộc đời tìm thấy được.

Thế rồi điều gì ̣̣đã xẩy ra để những gì tưởng chừng là mãi mãi nay đã trở thành câu chuyện ngày xưa ? Con người bàng hoàng tự hỏi khi một sáng thức dậy bỗng nhận ra thế giới toàn những bất toàn như chưa bao giờ bất toàn đến thế, và cuộc đời toàn những khổ đau như chưa bao giờ khổ đau đến thế. Con người bơ vơ như chưa bao giờ bơ vơ đến thế, con người sợ hãi như chưa bao giờ sợ hãi đến thế. Và nỗi cô đơn thì không cùng, không tận, trên tất cả mọi nỗi chịu đựng. Lại những sáng suy tư, lại những chiều khắc khoải, lại những đêm thao thức trước những mê lộ của cuộc đời và những mê cung của cuộc sống mà con người gọi là thời đại bi thảm của chúng ta.

Có điều gì đó đã xẩy ra ? Anh nghe mình thất vọng hỏi thầm. Vì chẳng phải đã có lần tôn giáo được xem là nơi trú ẩn cuối cùng của con người đó sao ? Vì chẳng phải con người vẫn đốt lên những ngọn nến, vẫn dâng lên những phẩm vật, vẫn đọc những đoạn Tâm kinh, vẫn đọc những đoạn Phúc âm, vẫn đọc những điều răn, vẫn đọc những giới luật, vẫn xưng tội, vẫn sám hối, vẫn cầu nguyện và vẫn cầu xin hằng ngày, đôi khi hằng tuần hay hằng tháng hoặc hằng năm đó sao ? Vì chẳng phải con người vẫn tôn kính vinh danh Đấng Cứu Thế đã đến cuộc đời này để chịu đóng đinh trên cây Thập Giá cứu chuộc cho con người đó sao ? Vì chẳng phải con người vẫn thành tâm đảnh lễ đấng Giác Ngộ đã thị hiện trên cuộc đời này để chỉ đường giải thoát cho chúng sanh đó sao ? Nhưng đâu rồi ý nghĩa của sự hy sinh cao cả và sự từ bỏ cao nhã, sự tự chết đi để phục sinh đời đời và sự tự giải thoát để chấm dứt luân hồi mãi mãi, khi mà đối tượng của mọi cứu cánh đó là con người lại bị bỏ quên ? Và nữa, có điều gì đó đã xẩy ra ? Anh lại nghe mình thất vọng hỏi thầm. VÌ chẳng phải đã có lần thi ca được gọi là chốn ngụ cư cuối cùng của con người đó sao ? Vì chẳng phải con người đã can đảm đối diện với cô đơn, chấp nhận mọi phiền não, hệ luỵ của cuộc đời để sống trọn vẹn điều mình tin tưởng đó sao ? Vì chẳng phải con người đã tin tưởng vào tình yêu như một sức mạnh giúp con người chịu đựng mọi nghịch cảnh mà tồn tại đó sao ? Vì chẳng phải con người đã bày tỏ nỗi bất an của mình trong cuộc sống, để tìm sự thông cảm nơi người khác bằng cách viết lên giấy, vẽ lên vải, khắc lên gỗ và đục lên đá hằng nhiều năm rồi đó sao ?

Nhưng đâu rồi ý nghĩa nguyên thủy đầy quyến rũ của những tư tưởng cao đẹp, những ước vọng cao quý, những mong muốn cao thượng khi mà đối tượng con người cũng lại bị bỏ quên ? Có phải con người đã không có đủ niềm tin để tin vào tôn giáo hay tôn giáo không còn đủ niềm tin để mang lại cho con người ? Và cũng thế, có phải thi ca đã không còn đủ niềm tin để mang lại cho con người hoặc con người không có đủ niềm tin để tin vào thi ca ? Có phải từ những thất vọng sâu xa này, thời đại của chúng ta được gọi là thời đại bi thảm ? Thất vọng nhưng không được phép tuyệt vọng, và nhìn thấy thời đại mình bi thảm không phải để chấp nhận mà là để khước từ. Anh nghe mình thầm nói.

Vì thế giới sẽ không bao giờ hết bất toàn và cuộc đời sẽ không bao giờ chấm dứt khổ ̣đau là một sự thật, là một chân lý. Nhưng đồng thời cũng có một chân lý, một sự thật đúng không kém là con người có thể làm cho thế giới giảm bớt bất toàn bằng thái độ dấn thân, và con người có thể làm cho cuộc đời vơi bớt khổ đau bằng tinh thần phụng sự. Và từ đây cuộc đời đã có thể chịu đựng nổi với một sáng đầu Thu lành lạnh khi nhìn những chiếc lá đầu tiên rơi về đất con người băn khoăn nghĩ đến con người, và cuộc sống đã có thể mang theo với một chiều đầu xuân ấm áp khi nhìn những chiếc lá mới trên cây đến từ đất con người thiết tha tìm đến con người, để cùng nhau biến đổi nỗi khổ đau vô hạn thành niềm hạnh phúc hữu hạn.

Một cơn gió lạnh thổi mạnh vào trong xe làm bay đi mùi son, mùi thông non mới đốn và đám khói thuốc mịt mù. Khẽ rùng mình, anh ngồi thẳng dậy, mở mắt nhìn ra phiá trước vừa lúc hàng cây trơ trụi lá cũng rùng mình, như cố rũ đi những bông tuyết còn bám lại trên mình.

Trời đất bao la một màu trắng xoá, mà nếu không có hàng cây như gầy đi vì trơ trụi lá thỉnh thoảng lại rùng mình vạch thành đường biên giới chia cách, thì chẳng biết được đâu là trời và đâu là đất. Nhỏ nhoi giữa trời đất bao la là sân chơi của trẻ con trông thật tội nghiệp với chiếc cầu tuột, cái xích đu cô đơn đứng chung và bộ bàn ghế để nghỉ chân cô độc đứng một mình ở phiá xa xa.

Đâu rồi đám cỏ xanh mùa Hạ, để đám trẻ con không đến chơi đùa mà chẳng nói trước, khiến chiếc cầu tuột, cái xích đu buồn phiền đứng đợi ? Đâu rồi mùi hoa dại mùa Xuân, để người thiếu phụ không đến ngồi nghỉ chân trên ghế, cắn miếng táo thơm, mắt trông chừng đứa con nhỏ chạy nhẩy, khiến chiếc ghế khắc khoải trông chờ ?

Không cưỡng lại nổi ước muốn đến gần chiếc cầu tuột, cái xích đu và bộ bàn ghế chơ vơ giữa trời mênh mông tuyết, anh châm điếu thuốc rồi mở cửa xe đi về phiá sân chơi. Đứng lại bên bộ bàn ghế, anh cúi xuống bâng khuâng phủi tuyết trên chỗ mà có lẽ người thiếu phụ vẫn hằng ngồi. Rồi quay lại phía sau nhìn những dấu chân mình vừa để lại trên mặt tuyết. Một sự cô độc hoàn toàn và một nỗi cô đơn trọn vẹn : Những dấu chân trên tuyết. Và anh.

Anh đọc thầm câu thơ thời niên thiếu của Rimbaud mà anh đã mang theo mình hơn ba mươi năm nay :  “Tiến lên! Đi, gánh nặng, sa mạc, chán chường và cuồng nộ. ”

Vẫn dễ phẫn nộ, vì làm sao không phẫn nộ trước những bất công của cuộc đời. Vẫn còn chán chường vì làm sao không chán chường trước những thất vọng của cuộc sống. Và gánh nặng tự nguyện thì luôn đè nặng trên vai mà vẫn cứ đi, tự ý đi, đi mãi cho đến bao giờ dù con đường phải đi qua có là sa mạc hừng hực nóng bỏng hay là những ngọn đồi tuyết phủ lạnh giá, với lời thúc giục tự phát không nguôi: Tiến lên !

Tiếng xe chạy rầm rì từ ngoài đường vọng vào đưa anh ra khỏi những suy tư đang dâng tràn trong tâm hồn. Giờ này có lẽ cả thành phố đã thức dậy sau giấc ngủ muộn sáng Chủ Nhật muà Đông, nên xe cộ lại rộn ràng đông đúc.

Anh trở lại xe để về nhà, và mỉm cười với ý nghĩ vừa đến mà anh tin tưởng: Trăm năm trước ai đã đến đây suy tưởng một chiều mùa Hạ, mà trăm năm sau anh lại đến ̣đây trầm tư một sáng mùa Đông, để trăm năm sau nữa có người sẽ đến vào một sáng đầu Thu lành lạnh, nhìn những chiếc lá đầu tiên rơi về đất mà băn khoăn nghĩ.

Ra khỏi công viên anh cho xe chạy chầm chậm bên phải, và lại để tâm hồn lãng đãng đi hoang trên những ngọn cây trơ trụi lá.

 

Đỗ Luật

11.2018

 

© gio-o.com 2018